Tín hiệu vui ở xã vùng biên Nghĩa Thuận
HGĐT- Chuyến công tác vùng cao lần này chúng tôi về xã biên giới Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ. Trên những thôn bản của mảnh đất vùng biên này không khí lao động sản xuất của bà con rất khẩn trương để thu hoạch lúa. Người dân Nghĩa Thuận đang nỗ lực chinh phục, cải tạo vùng đất khó với nhiều mô hình điển hình, cách làm hay và đang phát huy hiệu quả.
Chị Mương Kim Đước, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận hồ hởi chia sẻ: Nếu nói về sự nghèo khó trước đây của vùng đất này kể cả ngày cũng không hết. Thế nhưng mấy năm trở lại đây, đời sống của bà con vùng biên đã được nâng lên một cách rõ rệt. Đó là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các chương trình hỗ trợ sản xuất đã làm đời sống cho người dân được nâng cao một cách hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ đều phù hợp với điều kiện sản xuất của từng thôn, bản cho đến từng gia đình. Cán bộ xã, rồi cán bộ huyện, cán bộ tỉnh đến từng thôn tuyên truyền vận động bà con từ bỏ những tập tục lạc hậu trong sản xuất, sinh hoạt; đầu tư vốn, giống, cây, con, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó cuộc sống của bà con từng bước được cải thiện. Nếu như trước đây, người dân ở đây quen với tập quán thả rông gia súc, nay đã xây dựng chuồng trại, chăn dắt trâu, bò... Chính nhờ sự chuyển đổi tập quán chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm của xã ngày một phát triển. Đến nay cả xã có tổng đàn gia súc lên tới gần 1.444 con; đàn lợn 2.100 con, gia cầm trên 10.300 con. Nguồn thu từ chăn nuôi hàng năm mang lại giá trị kinh tế không nhỏ, góp phần tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình trong xã.
Hiện nay xã đang thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc xây dựng mô hình “Hộ gia đình nông thôn tiêu biểu chăn nuôi lợn thịt hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới”, bước đầu đã lựa chọn được 5 hộ gia đình tiêu biểu của 2 thôn Cốc Pục và Phín Ủng với các tiêu chí xây dựng chuồng trại đảm bảo đủ diện tích, hệ thống Bioga để tận dụng chất đốt phục vụ sinh hoạt gia đình. Tổng kinh phí khoảng 150 triệu đồng/mô hình, trong đó huyện hỗ trợ mỗi gia đình 50 triệu đồng, số còn lại do gia đình đầu tư. Mô hình đang trong quá trình thực hiện nhưng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân và bước đầu cho thấy hiệu quả trong công tác phát triển kinh tế hộ gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến thăm hộ gia đình ông Sần Sài Huân, thôn Cốc Pục, là hộ được xã lựa chọn làm mô hình điểm chăn nuôi lợn thịt hàng hóa. Được tận mắt nhìn dãy chuồng trại đảm bảo đúng yêu cầu với các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, thấy được sự kỳ vọng của người dân vào chủ trương mới của Huyện ủy.Chia sẻ với chúng tôi, ông Huân cho biết gia đình rất hy vọng vào mô hình mới vì rất thiết thực và phù hợp với điều kiện thực tế, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. Nếu mô hình này được nhân ra thì sẽ giải quyết được số lượng lớn lao động lúc nông nhàn, hạn chế được người dân sang biên kia biên giới làm thuê.
Cùng với phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền xã luôn quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” người dân Nghĩa Thuận đã tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá. Hiện nay xã có 6/9 thôn đạt thôn văn hóa, 366 hộ gia đình đạt gia đình văn hóa (trong đó có 153 hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liên tục). Bên cạnh việc phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá xã hội, an ninh trật tự ở Nghĩa Thuận cũng được giữ vững, đời sống nhân dân ngày càng no ấm.
Những kết quả đã đạt được sẽ là động lực đưa xã Nghĩa Thuận vượt qua khó khăn của chặng đường phía trước, tạo niềm tin cho nhân dân tập trung phát triển kinh tế, xã hội.
Ý kiến bạn đọc