Thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố
HGĐT - Thành phố Hà Giang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh với nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch góp phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn 9 tháng đầu năm 2012 đạt trên 1.800 tỷ đồng. Trong đó doanh thu từ các ngành dịch vụ đạt trên 750 tỷ đồng; hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển thương mại, dịch vụ đang được thành phố quan tâm đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên trước suy thoái kinh toàn cầu và những khó khăn trong nước ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương và vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn.
Khách sạn Cao Nguyên mới được đầu tư, đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách.
Khó khăn chung đó là kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, Nhà nước cắt giảm đầu tư công, dẫn đến các doanh nghiệp không có đầu điểm công trình, người lao động thiếu việc việc làm, thu nhập bấp bênh đã kéo theo hàng loạt các dịch vụ “ăn theo” từ các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, thậm chí cả những người bán... hàng nước, rửa xe cũng bị ảnh hưởng theo. Ngoài khó khăn chung, thành phố Hà Giang còn có những khó khăn rất riêng mang đặc trưng của một thành phố miền núi như cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển thương mại dịch vụ còn ít, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ; chưa tạo được nhiều tour, tuyến du lịch có sức hấp dẫn cao; chưa có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực du lịch; đường giao thông từ các tỉnh miền xuôi lên Hà Giang chỉ có một tuyến đường bộ duy nhất, cước phí vận chuyển khá cao, ảnh hưởng đến sự chi tiêu của người dân; hàng hóa trên thị trường đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đây cũng là cơ hội cho các phần tử xấu lợi dụng sự đa dạng của thị trường, sự thiếu hiểu biết của người bán, người tiêu dùng để trà trộn hàng giá, hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng bằng các thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hướng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng; thu nhập của đại đa số dân cư thấp so với bình quân chung cả nước, lạm phát tăng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố...
Trước những khó khăn của thị trường, vai trò quản lý Nhà nước trong chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đã được phát huy nhờ những tư duy linh hoạt trong kinh doanh của các thành phần kinh tế; nhiều cơ sản xản xuất, kinh doanh HTX dịch vụ vẫn trụ vững và từng bước khẳng định thương hiệu bằng chất lượng, giá cả và uy tín. Trong đó nổi lên những thương hiệu được khách hàng tín nhiệm như: Xe khách Ngọc Cường, Cầu Mè; Khách sạn Huy Hoàn, Cao nguyên đá, Nhà hàng Sơn Thúy, Thịt chó Thịnh Lê... Những thành phần kinh tế này đã góp phần không nhỏ vào ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Anh Phạm Văn Cường, Chủ nhiệm HTX vận tải Thành Công cho biết: Trước tình hình hoạt động manh mún, mạnh ai nấy làm của đại bộ phận các nhà xe tại thành phố Hà Giang và các huyện, tháng 1.2007, HTX vận tải Thành Công được thành lập, nhằm tập hợp các thành viên đi vào hoạt động quy mô, có tổ chức. Hiện HTX có 23 đầu xe các loại từ 24 đến 45 chỗ ngồi, hoạt động các tuyến trong tỉnh như Yên Minh, Bắc Mê, Đồng Văn, Mèo Vạc... với doanh thu trước thuế khoảng 3 tỷ đồng/năm, nộp thuế đầy đủ, đúng hạn, tạo việc làm thường xuyên cho gần 70 lao động với mức thu nhập ổn định.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, Đảng bộ thành phố đã ban hành nghị quyết về lãnh đạo phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ đến năm 2015. Phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có của thành phố để nhanh chóng tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ theo định hướng, quy hoạch của thành phố. Thành phố đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp chặt chẽ với các xã, phường trên địa bàn tìm giải pháp thích hợp, tạo cơ chế thông thoáng khuyến khích thúc đẩy thị trường, nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn từng bước lấy lại đà phát triển, xứng đáng là vai trong trò trung tâm của tỉnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đồng chí Nguyễn Minh Phú, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết, để cụ thể hóa nội dung của nghị quyết của Đảng bộ thành phố, Phòng Kinh tế đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và có những giải pháp cụ thể như: Đơn giản các thủ tục hành chính đối với các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh; có chính sách ưu đãi về thuế, tài chính đối với các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh mới; thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng thời tuyên truyền, phổ biến kiến thức kinh doanh, những chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh; chỉ đạo các ngành làm tốt công tác bình ổn giá cả thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm về chất lượng, giá cả hàng hóa, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, tạo cơ chế cạnh tranh công bằng trong hoạt động kinh doanh; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức giao tiếp, lễ tân khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, kỹ thuật chế biến các món ẩm thực phục vụ khách du lịch cho các chủ nhà hàng, khách sạn, các hộ làm dịch vụ lưu trú tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn...
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc