Quyết tâm vượt khó, vươn lên hoàn thành kế hoạch giao
HGĐT- Vào những ngày cuối thu tiết trời se lạnh, chúng tôi có dịp đến với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quản Bạ.
Nhờ nguồn vốn vay, cửa hàng kinh doanh của gia đình anh Nguyễn Minh Hải, tổ 2, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) ngày một được mở rộng.
Anh Phí Hải Hậu, quyền Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT huyện tâm sự: Phải hoạt động trên địa bàn có đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, người dân chưa thật sự mạnh dạn tiếp cận với nguồn vốn để đầu tư cho phát triển kinh tế. Vậy làm thế nào để nguồn vốn tín dụng của ngân hàng đến với bà con, sử dụng sao cho hiệu quả? là điều trăn trở đối với mỗi cán bộ tín dụng. Với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch cấp trên giao, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, Chi nhánh luôn bám sát vào nhiệm vụ chính trị của địa phương, coi các chương trình phát triển kinh tế của huyện là mục tiêu đầu tư tín dụng của ngân hàng. Việc đầu tư tín dụng của ngân hàng luôn đảm bảo theo phương châm an toàn, hiệu quả, bền vững “Doanh nghiệp, hộ nông dân phát tài, ngân hàng phát triển”. Cùng với đó, nguồn vốn tín dụng được đầu tư đồng bộ, có sự kết hợp chặt chẽ ở các khâu từ xây dựng dự án, phương án sản xuất kinh doanh, thẩm định cho vay đến việc giải ngân, theo dõi qúa trình sử dụng vốn tín dụng. Tính riêng trong 9 tháng của năm 2012, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 84 tỷ 746 triệu đồng, tỷ lệ tăng là 4,27%; tổng dư nợ đạt 47 tỷ 859 triệu đồng, trong đó dư nợ cho vay sản xuất, tiêu dùng là 30 tỷ 446 triệu đồng, cho vay cá nhân 11 tỷ 924 triệu đồng, còn lại là cho vay Công ty, HTX. Từ các khoản cho vay, chi nhánh đã giúp người dân, các công ty, HTX khắc phục khó khăn về vốn đầu tư trước mắt cho các hoạt động kinh doanh thương mại và sản xuất.
Để tìm hiểu rõ hơn về hiệu quả đồng vốn vay ngân hàng, chúng tôi đến thăm hộ gia đình anh Nguyễn Minh Hải, trú tại tổ 2 Thị trấn Tam Sơn - là một trong những hộ gia đình có số dư nợ ngân hàng tương đối lớn. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về hiệu quả đồng vốn vay ngân hàng đối với hoạt động kinh doanh của gia đình, anh Hải vui vẻ cho biết: Gia đình tôi đã có gần 20 năm làm nghề kinh doanh, buôn bán ở huyện Quản Bạ. 10 năm về trước, kinh tế của huyện còn có những khó khăn về giao thông, đời sống người dân chưa được nâng cao, chủ yếu sống tự cung, tự cấp là chính nên việc kinh doanh buôn bán cũng có phần hạn chế. Nhưng vài năm trở lại đây, kinh tế phát triển, người dân địa phương có nhu cầu mua sắm các mặt hàng phục vụ đời sống, sinh hoạt gia đình. Nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu đó, cùng với số tiền tích cóp được, năm 2009, anh bàn với gia đình vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp huyện để đầu tư, mở rộng các mặt hàng kinh doanh; làm ăn có lãi chỉ sau 1 năm anh đã trả đủ cả tiền gốc và tiền lãi cho ngân hàng. Với lợi thế nhà gần chợ, cùng mối làm ăn, quen biết nhiều, anh đã nhận được nhiều đơn đặt hàng cung ứng các mặt hàng cho các xã, trường học bán trú, nội trú dân nuôi trên địa bàn 13 xã, thị trấn trong huyện. Để tiện cho việc cung ứng, vận chuyển bán hàng, từ năm 2010 đến tháng 9. 2012, anh vay thêm ngân hàng với tổng số tiền 650 triệu đồng để mua xe ô tô, đầu tư mở rộng quy mô mặt hàng kinh doanh. Ngoài việc cung ứng, vận chuyển hàng phục vụ đồng bào vùng cao, anh còn nhận vận chuyển hàng từ Hà Giang lên Quản Bạ và ngược lại. Theo ước tính của anh Hải, tổng doanh số bán hàng, làm dịch vụ vận chuyển bình quân của gia đình đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm; trừ chi phí mỗi năm gia đình cũng để ra được 200 triệu đồng. Được biết, trên địa bàn thị trấn Tam Sơn, không chỉ có riêng gia đình anh Hải mà còn có nhiều hộ gia đình khác đã, đang tiếp tục làm thủ tục vay vốn ngân hàng đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ - du lịch.
Có thể khẳng định, vượt qua những khó khăn, thử thách, cán bộ, nhân viên của Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT huyện Quản Bạ đang bám sát mục tiêu, tích cựcthực hiện các chỉ tiêu kế hoạch cấp trên giao, với mục đích cuối cùng là đem lại cuộc sống no ấm cho mỗi gia đình, thôn xóm.
Ý kiến bạn đọc