Đến với làng nghề may mặc ở Phó Bảng
HGĐT- Nghề may mặc ở thị trấn Phó Bảng không biết có tự bao giờ, chỉ biết hiện nay trên địa bàn thị trấn hầu như gia đình nào cũng có người làm nghề này, nhà nào cũng có máy khâu, kể cả máy khâu đạp chân và máy khâu điện. Từ nghề may mặc, người dân nơi đây đã có thu nhập đáng kể để phục vụ những nhu cầu của đời sống.
Những hộ mạnh dạn đầu tư thiết bị, vật tư cho nghề may mặc đều có thu nhập cao.
Là một trong những thị trấn biên giới của huyện Đồng Văn, người dân ở thị trấn Phó Bảng ngoài nhiệm vụ cùng với Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới thì việc phát triển kinh tế gia đình được bà con nhận thức một cách đầy đủ. Người Hoa, người Mông, người Pu Péo... là những dân tộc cùng sinh sống ở thị trấn này, ngoài làm nông nghiệp, kinh doanh buôn bán thì có thể coi họ là những thợ may lành nghề. Theo thống kê của UBND thị trấn, đến nay có 156 hộ làm nghề may mặc, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 400 đến 500 lao động, thu nhập của mỗi lao động dao động từ khoảng 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/tháng. Sản phẩm của làng nghề rất đa dạng, từ quần, áo, váy, mũ... của nhiều dân tộc khác nhau được cắt may khéo léo với đủ mọi kích cỡ, màu sắc khác nhau để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sản phẩm may mặc của thị trấn Phó Bảng không những có mặt ở tại thị trấn mà còn có mặt ở nhiều chợ phiên khác như: Chợ Đồng Văn, chợ Phố Cáo, chợ Lũng Phìn, Sà Phìn... thậm chí có mặt ở một số chợ phiên của huyện Yên Minh, Mèo Vạc. Tùy theo chất liệu vải và kích cỡ mà mỗi sản phẩm trang phục được bán với giá khác nhau. Một chiếc áo nam (áo Tà pủ người lớn) có giá từ 75 ngàn đến 150 ngàn đồng/chiếc (thậm chí có chiếc 2 triệu đồng), áo trẻ em từ 45 đến 100 ngàn đồng/chiếc. Các sản phẩm may mặc của thị trấn Phó Bảng chiếm tỷ lệ tiêu thụ đáng kể trên thị trường trong huyện do số lượng nhiều, chất lượng bền, đẹp.
Thật ngạc nhiên khi đến những gia đình làm nghề may mặc ở đây khi nhìn thấy hệ thống thiết bị được đầu tư khá hiện đại với dây chuyền sản xuất rất công nghiệp từ khâu cắt, may, là, thùa khuy, tết cúc (áo dân tộc cúc chủ yếu sử dụng bằng chất liệu vải)... Hiện nay khá nhiều hộ làm nghề đã đầu tư máy may công nghiệp, máy cắt vải, hệ thống bàn là hơi... từ đó tạo được các loại sản phẩm may mặc nhanh hơn, nhiều hơn, đẹp hơn. Và quan trọng hơn là việc nhận thức và áp dụng các thiết bị hiện đại vào sản xuất, dám mạnh dạn đầu tư cho sản xuất của các hộ làm nghề. Gặp một số người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề may mặc của thị trấn như các ông, bà: Sùng Quáng Giàng, Lý Mùi Vàng, Làn Thị Hồng... được biết, trong khâu sản xuất, gia đình nào đầu tư thiết bị, vật tư có thể thuê các hộ khác thực hiện các công đoạn như chuyên cắt, có hộ chuyên may, có hộ chuyên là quần áo, thuê lao động thùa khuy, tết cúc. Nếu hộ nào có đủ nhân lực có thể làm tất cả các công đoạn trên. Thu nhập của các hộ đầu tư thiết bị, vật tư từ 100 đến 120 triệu đồng/năm. Những lao động tết cúc, thùa khuy được trả 20 ngàn đồng/sản phẩm. Đặc biệt, ông Vàng Chúng Vư, tại thôn Xín Ngài là người khéo léo, có tài cắt vải may trang phục, một ngày ông thu nhập trên 300 ngàn đồng từ việc đi cắt thuê cho các hộ làm nghề may mặc của thị trấn. Trong khâu tiêu thụ, ngoài việc bán buôn cho nhiều nơi trong huyện, thì chính những người làm may tại làng nghề cũng tự đi bán lẻ và quảng bá sản phẩm của mình ở các chợ phiên.
Mỗi ngày tại làng nghề này có hàng trăm bộ quần, váy, áo và các sản phẩm may mặc ra đời, từ đó được chuyển đi các nơi phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Có thể nói, nghề may mặc truyền thống ở thị trấn Phó Bảng đang phát triển mạnh, mang lại hiệu quả rất lớn trong việc tăng thu nhập cho nhân dân. Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền thị trấn cũng rất ủng hộ, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề. Tuy nhiên, làng nghề may mặc truyền thống Phó Bảng đã có tên trong danh sách của UBND tỉnh được thành lập Hợp tác xã từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa được thành lập. Bà con làm nghề may mặc ở Phó Bảng rất mong muốn các cấp, ngành có thẩm quyền sớm có quyết định thành lập Hợp tác xã để họ được hưởng các chế độ, chính sách cũng như có điều kiện quảng bá sản phẩm của mình một các rộng rãi hơn.
Ý kiến bạn đọc