Xã Cao Mã Pờ:
Tổng kết mô hình thâm canh cây Ấu Tẩu
HGĐT- Ngày 27.9, xã Cao Mã Pờ (Quản Bạ) tổ chức tổng kết mô hình thâm canh cây Ấu Tẩu nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và tiềm năng, năng xuất của việc thâm canh cây Ấu Tẩu trên địa bàn. Dự tổng kết có các đồng chí trong BTV Huyện ủy Quản Bạ; đại diện Viện nghiên cứu cây Dược liệu Việt
Vụ Đông xuân năm 2011 - 2012, xã Cao Mã Pờ tiến hành trồng thâm canh 0,2 ha cây Ấu Tẩu tại thôn Thèn Ván 1 và thôn Cao Mã. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây Ấu Tẩu rất thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Cây Ấu Tẩu thuộc loại cây thân thảo, không phân cành, hoa có mầu xanh lam kết thành từng chùm, đường kính gốc từ 0,7 - 1,2 cm, chịu hạn tốt; mật độ trồng từ 15 - 17 cây/m2; thời gian từ khi trồng đến khi cho thu hoạch giao động từ 290 - 310 ngày. Qua các chỉ tiêu đánh giá cho thấy, tại điểm trồng thâm canh thôn Thèn Ván 1 và thôn Cao Mã thu hoạch ngẫu nhiên trên diện tích 1m2 thu được 0,6 - 0,7kg củ tươi, năng suất quy ước đạt 60 - 70 tạ/ha; số lượng củ/khóm đạt bình quân 14 - 16 củ. Lợi nhuận mô hình trông thâm canh cây Ấu Tẩu cao hơn với trồng đại trà là 138 triệu 840 nghìn đồng/1 ha và nếu so với trồng ngô thì hiệu quả kinh tế của cây Ấu Tẩu cao hơn trồng ngô từ 3 - 4 lần. Được biết, cây Ấu Tẩu được người dân ở các xã biên giới như Cao Mã Pờ, Bát Đại Sơn, Tùng Vài, Tả Ván trồng từ lâu. Hiện toàn xã Cao Mã Pờ có 17 ha cây Ấu Tẩu, trong đó tập trung nhiều nhất ở các thôn Vàng Chá Phìn, Chín Chù Lìn, Thèn Ván 2, Vả Thàng 2.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp phát triển, tìm đầu ra cho cây Ấu Tẩu, trong đó nhấn mạnh: Để cây Ấu Tẩu thực sự trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, XĐGN của người dân địa phương, các cấp, ngành của tỉnh, huyện Quản Bạ cần có chính sách hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc; có cơ chế ưu đãi, thu hút các đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm lâu dài để người dân yên tâm chuyên canh trồng, mở rộng diện tích cây Ấu Tẩu.
Ý kiến bạn đọc