No ấm về từ những thửa ruộng bậc thang

09:11, 15/09/2012

HGĐT- Tháng 9 mùa thu, con đường nhựa nhỏ nối từ Tân Quang (Bắc Quang) vào huyện Hoàng Su Phì ngập tràn nắng vàng. Từng sợi nắng toả xuống những thửa ruộng bậc thang dọc bên đường dệt thành bức tranh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp.



Niềm vui được mùa.

Đến Hoàng Su Phì những ngày này, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân bản xứ khi đón một mùa vàng no ấm. Niềm vui đó càng được nhân lên, bởi lẽ những thửa ruộng mà thế hệ cha anh đi trước đổ bao mồ hôi, công sức, bạt núi, khai hoang nay được tôn vinh, được toả sáng, chính thức trở thành di sản Quốc gia. Đang miên man ngắm những công trình kiến trúc độc đáo được hình thành từ bàn tay, khối óc, lòng quả cảm của các tộc người Dao, Nùng, La Chí... chúng tôi bị kéo về thực tại bởi tiếng cười lanh lảnh của gia đình người nông dân gặt lúa ven đường trong ánh chiều dần buông.

 

Men theo những thửa ruộng lúa vàng trĩu bông, chúng tôi đến khu ruộng của gia đình anh Sèn Văn Thanh, thôn Nặm Cọm, xã Ngàm Đăng Vài. Thấy có khách ghé thăm, ngừng tay gặt lúa, lau vội giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán dám nắng, anh Thanh nói vui: Năm nay được mùa to lắm, cái anh giống mới này rất thích nghi với ruộng đất nơi đây nên đã cho cây lúa trĩu bông, nhiều hạt to, chắc. Lúa đã chính, tranh thủ thời tiết nắng ráo, cả gia đình anh cùng xuống đồng thu hoạch để còn kịp về huyện đón ngày hội lớn. Cháu Sèn Thị Nguyên, con anh Thanh, vừa vào học lớp 8 trường làng, sau giờ học cũng xuống đồng giúp bà, bố mẹ thu hoạch lúa. Cầm trên tay những bông lúa vàng ươm, cháu Nguyên bày tỏ niềm tự hào được là chủ nhân của ruộng bậc thang. Cháu còn cho biết thêm: Từ nhiều tháng nay, ở trường học, các thầy cô giáo có tuyên truyền về giá trị của ruộng bậc thang, khơi dậy trong thế hệ trẻ niềm tự hào khi những thửa ruộng do cha ông khai phá được cả nước biết đến. Biết tin đó, chúng em rất tự hào và bảo nhau cùng có trách nhiệm tuyên truyền, bảo vệ những giá trị quý báu được chắt chiu trên từng thửa ruộng.

 

Những thửa ruộng bậc thang trên mảnh đất Hoàng Su Phì ra đời từ bao giờ, không người dân nào nhớ chính xác. Họ chỉ biết rằng, khi sinh ra đã có ruộng bậc thang, diện tích ruộng liên tục được mở rộng nhờ quá trình cải tạo đất canh tác. Đất không phụ công người, chính những thửa ruộng uốn lượn quanh triền núi đã tạo ra hạt thóc, nuôi sống bao thế hệ, vì thế họ rất yêu quý, ruộng bậc thang luôn gắn bó chặt chẽ với đời sống người dân nơi đây. Đưa chúng tôi đi thăm những thửa ruộng của gia đình, anh Sèn Văn Thanh nói: Gia đình anh sinh sống ở Ngàm Đăng Vài đã nhiều thế hệ, khi anh sinh ra ruộng bậc thang có rồi, thế hệ con anh cũng đang lớn lên bên những thửa ruộng này. Cuộc sống dù còn nhiều vất vả, nhưng nhờ tần tảo làm ăn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng, đưa giống mới vào gieo cấy nên cơ bản các gia đình trong thôn đủ ăn. Riêng gia đình anh, mỗi vụ thu hoạch cũng cho vài tấn lúa, đủ ăn đến mùa sau.

 

Chia tay gia đình anh Thanh, chúng tôi mang theo niềm vui nho nhỏ, cảm giác ấm áp của một mùa vàng no ấm đến với người dân thôn Suối Thầu II, xã Bản Luốc, nơi có những thửa ruộng bậc thang trải dài bất tận trên triền núi. Con đường đất nhỏ nối từ trung tâm xã vào Suối Thầu II thật thanh bình, gió núi tươi nguyên, chim hót líu lo đã xua đi mệt nhọc bám theo suốt đoạn đường dài chúng tôi vừa qua. Khác với những thửa ruộng bậc thang vàng như mật ở Ngàm Đăng Vài, nơi đây lúa mới đang đỏ đuôi, nhìn bông lúa đang gieo vui trong gió núi và nắng vàng, đồng chí Lù Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì đi cùng cho biết: Đầu vụ gieo cấy năm nay, huyện cũng rất lo vì thời điểm đó lượng mưa ít, nhưng khi tính toán trên cơ sở khoa học kết hợp với kinh nghiệm của người dân, huyện quyết định điều chỉnh lùi thời gian gieo cấy. Vì vậy, vùng lúa Bản Luốc chín chậm hơn nơi khác, nhưng đổi lại nó đã mang về một vụ mùa bội thu.

 

Vượt qua những đoạn đường quanh co, chúng tôi đến gia đình bà Giàng Thị Máy. Ngôi nhà ở mãi cuối thôn Suối Thầu II, một bên dựa lưng vào vạt đồi cây cối tươi tốt, 3 bề xung quanh là những thủa ruộng bậc thang, lúa trĩu bông. Năm nay đã bước sang tuổi 60, nhưng người nông dân chân chất này không lúc nào để chân tay ngơi nghỉ. Khi ngày mùa đến bà cùng con cháu cấy cày, thu hoạch lúa, hết mùa bà vào rừng thả trâu, bò, các thế hệ sau lớn lên vẫn không ngừng công cuộc khai hoang và gia đình bà là một trong những hộ dân sở hữu diện tích ruộng bậc thang lớn nhất xã. Các vạt đồi ruộng bậc thang nối nhau như sóng lượn là thành quả của bao đời gây dựng đã trở thành nguồn tài sản quý cho con cháu. Năm nào được mùa, gia đình bà thu về chục tấn lúa, năm ít cũng được 5-7 tấn, vì vậy trong nhà không khi nào hết thóc, có lương thực bà đầu tư cho chăn nuôi nên đàn gia súc của gia đình luôn có vài chục con trâu, bò. Ngoài ra, bà còn vận động con cháu nuôi cá ruộng nhằm cải thiện đời sống. Thế hệ con, cháu của gia đình bà như anh Bồn Văn Cát, sinh năm 1983 vẫn đang nối tiếp sự nghiệp của cha ông, hàng năm căn cứ theo nhu cầu sản xuất, nếu thiếu thì tiếp tục cải tạo đất đồi thành ruộng bậc thang.

 

Đích thân đưa tôi mục sở thị cảnh đẹp của quê hương, đồng chí Vương Đào Toóng, Chủ tịch UBND xã Bản Luốc cho biết: Bản Luốc thuộc xã vùng 3 của huyện Hoàng Su Phì. Ngày nay, cuộc sống tuy được cải thiện nhưng nhìn chung đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nguyên nhân do điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Xã có 10 thôn, 424 hộ, trên 2 nghìn nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Tày cùng sinh sống, trong đó dân tộc Dao trên 390 hộ. Bản Luốc có gần 3 nghìn ha đất tự nhiên, nhưng chỉ có 395 ha đất nông nghiệp, diện tích đất trống, đồi núi trọc 1.447 ha. Để duy trì cuộc sống, mở rộng diện tích canh tác, hàng năm người dân nơi đây vẫn tiến hành khai phá, tạo đất canh tác, vì thế các cánh đồng bậc thang ngày càng được mở rộng.

 

Chủ tịch UBND xã Bản Luốc còn cho biết thêm: Theo lời cha ông đi trước kể lại, lịch sử khai phá ruộng bậc thang của các tộc người Hoàng Su Phì nói chung và đồng bào các dân tộc sinh sống ở Bản Luốc nói riêng có hàng trăm năm. Từ khi có người dân sinh sống trên mảnh đất này, họ đã khai phá đất tạo thành ruộng gieo trồng lúa nước. Trải qua nhiều thế hệ, đến nay việc canh tác trên ruộng bậc thang đã là hình thức chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp của đồng bào nơi đây. Để có được mảnh ruộng, người dân phải bỏ nhiều công sức, tích luỹ nhiều kinh nghiệm, hoàn thiện và nâng cao kỹ thuật trong các khâu khai phá, tạo mặt bằng, đắp bờ, ngăn giữ nước. Không phụ công người chăm bón, năm nào các thửa ruộng bậc thang cũng cho mùa màng tươi tốt, trên thì lúa trĩu bông, dưới ruộng cá tôm bơi lội, cuộc sống người dân nhờ đó dần khấm khá lên...

 

Những ngày rong ruổi trên đất Hoàng Su Phì, chúng tôi đã gặp nhiều người nông dân chân chất, chủ thể của các thửa ruộng bậc thang, được hoà chung niềm vui của cuộc sống no ấm được khơi nguồn từ những thửa ruộng bậc thang.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Găm hàng" chờ tăng giá xăng dầu
Trong các ngày 25 và 26/8, trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Bạc Liêu, nhiều cây xăng có biểu hiện "găm hàng" chờ tăng giá.
27/08/2012
Mèo Vạc đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa
HGĐT- Trong sản xuất nông nghiệp ở Mèo Vạc, do chịu sự chi phối của yếu tố địa hình, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện phát triển kinh tế hạn chế nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa đang là một hướng đi trọng tâm trong công tác XĐGN của huyện .
23/08/2012
Vĩnh Phúc xây dựng NTM từ trong nếp nghĩ người dân
HGĐT- Một cánh đồng lúa xanh rờn “Tuổi con gái” hòa lẫn mầu xanh của những cánh rừng kinh tế mãi xa tạo nên sắc mầu của cuộc sống tươi tốt, bình yên. Đây chính là những cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi về với xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang).
23/08/2012
Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn ở Yên Minh – khó khăn về vốn vay
HGĐT- Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn là hướng đi đúng và nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân trên địa bàn huyện Yên Minh. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, số trang trại được hình thành còn quá ít so với nhu cầu thực tế của người dân cũng như yêu cầu của huyện.
21/08/2012