Thấy gì khi Thủy điện Sông Chảy 5 tích nước - phát điện
HGĐT- Công trình Thuỷ điện Sông Chảy 5 nằm trên địa bàn 2 xã: Thèn Phàng, Ngán Chiên, huyện Xín Mần. Đây là công trình thuỷ điện Cấp III, do Công ty Cổ phần Thuỷ điện Sông Đà 5 đầu tư xây dựng. Công suất thiết kế là 16 MW. Điện năng trung bình hàng năm theo thiết kế là 60,14 triệu Kwh. Công trình được xây dựng trên diện tích đất là 58,13 ha.
Rừng thông Dự án 327 trồng vài chục năm trước bị ngập trong lợi nước lòng hồ.
Lòng hồ chứa nước có diện tích là 48 ha. Công trình đóng dập tích nước phát điện từ đầu tháng 7.2012 (chưa có giấy phép hoạt động điện lực. Theo biên bản kiểm tra của Sở Công thương tỉnh Hà Giang ngày 31.7.2012), đồng thời Công ty cũng chưa xây dựng phương án phòng chống bão lũ năm 2012.
Có mặt tại hiện trường tại km 78 đoạn đường tỉnh lộ 177 chạy từ ngã ba Tân Quang, huyện bắc Quang đi Hoàng Su Phì – Xín Mần. Tại đoạn đường này, mực nước dâng do Công ty Thuỷ điện Sông Đà 5 đóng đập tích nước, phát điện đã tác động trực tiếp lên con đường tỉnh lộ 177. Sự sáo trộn 2 bên bờ sông Chảy gây ra những vết lở loét, sụt lún cho rừng thông và Ta luy âm của tuyến đường. Được biết các dải rừng thông được trồng từ những năm 80 thế kỷ XX. Còn tuyến đường tỉnh lộ 177 là tuyến đường huyết mạch kết nối giao thông Đông - Tây của tỉnh Hà Giang với các tỉnh Miền Tây Bắc Việt Nam là: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Đi kèm theo trục đường là dải Cáp Quang chiến lược nối dài tạo thành một mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt. Chẳng nói ai cũng biết hệ thống tuyến đường tỉnh lộ 177 và hệ thống Cáp quang nói trên quan trọng chừng nào đối với phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng dọc hành lang biên giới Đông Tây này? Nói thêm rằng 2 huyện: Hoàng Su phì- Xín Mần còn là huyện nằm trong 62 huyện thuộc chương trình 30aCP của Chính phủ còn rất nhiều khó khăn.
Trở lại thực trạng khi thuỷ điện Sông Chảy 5 tích nước, phát điện từ đầu tháng 7.2012 đến nay. Bắt đầu là những vết rạn vỡ theo dọc thành Ta luy âm của con đường. Càng trở về gần đoạn đi vào Xín Mần các vết nứt rạn càng lớn. Sự sụt lún bắt đầu xảy ra từ đoạn km 80 ở sườn Ta luy âm con đường xuống lòng hồ. Nhiều đoạn nứt lún gần hết mặt đường nhựa làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại. Tại các đoạn km 82 đến km 84 sự sạt lún, lở càng lớn. Có rất nhiều đoạn sạt lở kéo dài tới gần hai chục mét, sâu vào lòng đường tới hàng mét. Nguy hại hơn độ sâu lở lún xuống lòng hồ chứa nhiều đoạn tới hàng chục mét bên Ta luy âm vào lòng hồ không thể khắc phục. Qua kiểm tra sơ bộ đánh giá của cơ quan phòng chống bão lụt huyện Xín Mần cho thấy có tới 14 đoạn sụt lún nứt trên tuyến đường tỉnh lộ 177 dọc theo từ km 80 vào tới gần chân đập chính công trình thuỷ điện. Hiện tượng: Thuỷ điện Sông Chảy 5 tiếp tục “ăn” đường tỉnh lộ, làm hư hại tuyến Cáp quang dọc tuyến chưa có dấu hiệu dừng lại. Sự tác hại, các dấu hiệu gây nguy hiểm cho giao thông mùa mưa hiện nay đang hiện hữu từng ngày. Đấy là chưa nói đến sự sụt lún có thể gây ra hư hỏng tuyến cáp quang và tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân?
Anh Bùi Minh Hiệu, Trưởng phòng NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Thường trực phòng chống lụt bão huyện Xín Mần thở dài: Mưa bão vừa qua huyện chưa thể khắc phục hết hậu quả thiệt hại cho dân. Bây giờ, thuỷ điện dâng nước, lại tiếp tục gây hậu quả thiệt đơn, thiệt kép cho dân lần nữa. Điều đáng nói ở đây họ đã “tự ý” nâng nước quá cao trình 330/333m mà huyện đã cho phép trước khi đóng đập tích nước? Đã có 3 hộ 12 nhân khẩu tại 2 thôn: Na Mở, Ta Hạ, xã Ngán Chiên buộc phải di dời khẩn cấp trong ngày 9.8. Từ sáng ngày 9.8 chính quyền xã Ngán Chiên đã phải huy động toàn dân trong 2 thôn Na Mở và Ta Hạ đến giúp 3 hộ gia đình là: Ông Xin Lao Triển, Ly Văn Thắng, Hạng Già Lìn vận chuyển toàn bộ đồ đạc, tháo rỡ nhà cửa ra khỏi vùng nứt lún. Đến gần 4 giờ chiều cùng ngày công tác di dời mới cơ bản hoàn thành. Các gia đình di dời trên nhà thì nhờ cậy anh em làng xóm, nhà thì dựng tạm lều lán ở tạm. Ông Xin Lao Triển ở Na Mở gột mồ hôi trên khuôn mặt nhợt nhạt: Bao đời nay định cư trên lưng trời thế này mưa gió chẳng sao. Thuỷ điện về đây xây dựng chưa bao lâu, đóng đập tích nước mới hơn tháng trời đã làm bà con trong làng bản khổ cực. Lợi đâu thuỷ điện mang về chưa thấy? Còn khổ cực cho cả bản hôm nay thì quá rõ rồi. Đứng trên vị trí ngôi nhà của 2 hộ thôn Na Mở phải di dời cách lòng hồ do dâng nước ước tới 200 – 300m tận lưng núi. Nhìn các vết nứt toang hoác đẩy cả mấy ha lúa mùa của đồng bào trôi dần xuống lòng hồ mới thấy hết sự nguy hiểm của nước dâng tác động vào đồi núi, ruộng vườn của bà controng khu vực lòng hồ thuộc 2 thôn Na Mở và Ta Hạ. Các vết dạn kéo dài lưng chừng núi tới vài trăm mét. Ngang đoạn đối diện km 81 - km84 bị sụt lún được đánh giá sơ bộ, đã đẩy trên 3,5 ha diện tích đất ruộng cấy mùa của dân tụt xuống lòng hồ trong nay mai. Khối lượng sụt lún không thể tính toán được. Sự sụt lún nhiều nơi trong khu vực có chiều cao tới vài trăm mét so với mặt hồ hiện có trong thời điểm hiện nay. Kèm theo nhà cửa, ruộng vườn bị thiệt hại chưa tính toán được, sụt lún còn vùi lấp 3 mồ mả, có 1 mộ bị vùi lấp không thể xác định được vị trí đã gây ảnh hưởng đến tâm lý, tín ngưỡng của gia đình, họ hàng, làng xóm. Trao đổi với bà con về giúp các hộ di chuyển họ cho rằng: Nước dâng sẽ còn làm thay đổi gây hậu quả sấu cho cả vùng lòng hồ nơi đồng bào sinh sống. Trong đó là lún, nứt, sạt lở, là mất dần diện tích rừng đã trồng từ vài chục năm nay theo chiều dài lòng hồ thuỷ điện. Một nhà than vãn: Vừa nhận sự trợ giúp của nhà nước xoá nhà tạm năm 2010 đến nay, lại “quay” trở lại nhà dột nát, phí tiền của, lãng phí thời gian, công sức giúp đỡ của bà con trong xã? Trưởng phòng NN & PTNT huyện Xín Mần, cho biết thêm: Huyện đã trích ủng hộ khẩn cấp mỗi gia đình 10 triệu đồng để di chuyển bà con ra khỏi vùng nguy hiểm. Làm việc trực tiếp với phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Hoàng Xuân Đẹp khẳng định: Sẽ có các biện pháp hữu hiệu “buộc” Công ty Thuỷ điện Sông Đà 5 giải quyết thoả đáng hậu quả cho đồng bào vùng bị ảnh hưởng do thuỷ điện gây ra. Còn trước mắt, huyện phải lo cho dân mình qua cơn hoạn nạn để ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Công ty Thủy điện Sông Chảy 5 nói gì?
Phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương chúng tôi mới gặp được anh Trịnh Văn Ngọc, Phó Giám đốc Công ty thuỷ điện Sông Chảy 5. Qua một vòng “mục sở thị” tại hiện trường, anh Ngọc không hề đưa ra ý kiến nào về tình trạng hiện đang diễn ra? Khó khăn lắm chúng tôi mới nhận được tờ giấy phô tô Biên bản làm việc của Sở Công thương Hà Giang. Hỏi Công ty về cách khắc phục, không có? Cách ủng hộ khẩn cấp đồng bào di dời, khôi phục sản xuất... không có? Cách khắc phục đảm bảo an toàn giao thông, thông tin khi sự cố tiếp theo và trước mắt... cũng... chưa có. Và các Tờ trình để xin ý kiến Tổng Công ty.v.v... cũng... chưa được? Chỉ có một điều duy nhất “có thực” đó là tài sản của nhà nước bị hư hại chưa thể lường hết được. Và bên cạnh đó là: Tài sản, ruộng vườn, nhà cửa của dân đang bị hại, bị đe doạ một cách khôn lường là, có thật?
Chúng tôi rời vùng thuỷ điện nơi đồng bào vừa di dời nhà cửa trong một chiều trời vần vũ mưa dông...?
Ý kiến bạn đọc