Kết quả sau 1 năm thực hiện Đề án phát triển cây đậu tương hàng hóa tập trung
HGĐT- Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015, nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh đặc thù của khu vực, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện Đề án: “Phát triển cây đậu tương hàng hóa tập trung tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2015”.
Với mục tiêu: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác, tạo việc làm, tăng thu nhập nâng cao đời sống cho nhân dân; áp dụng tiến bộ KHKT nhằm đạt năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, gắn kết chặt chẽ giữa trồng với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, hình thành và phát triển vùng sản xuất đậu tương hàng hóa tập trung; phấn đấu đến năm 2015 đưa tổng diện tích đậu tương toàn tỉnh lên 25.000 ha, sản lượng đạt trên 40.000 tấn, so với năm 2010 diện tích gieo trồng tăng 4.190 ha và sản lượng tăng trên 17.000 tấn.
Thực hiện đề án, Sở Nông nghiệp - PTNT đã phối hợp với UBND 7 huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và Bắc Mê chỉ đạo: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cùng với sự tham gia của các cấp, các ngành chuyên môn và các đoàn thể tuyên truyền phát triển cây đậu tương hàng hóa. Chủ động áp dụng chủ trương chính sách đầu tư hỗ trợ của Nhà nước thông qua các dự án, chương trình sự nghiệp nông nghiệp, chương trình 30a, chương trình 135... Khuyến khích phát triển, các huyện đã hỗ trợ lãi suất vay vốn thâm canh tư 50 – 100% lãi suất. Ngoài hỗ trợ về lãi suất các huyện còn thực hiện hỗ trợ phân bón và giống đậu tương.
Để giảm chi phí sản xuất cho dân, các huyện đã phối hợp với Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức, Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng tổ chức sản xuất giống tại địa phương; tổ chức thực hiện các giải pháp về kỹ thuật theo nội dung đề án, đẩy mạnh công tác thâm canh, chủ động nhân giống tại các huyện đảm bảo chủ động về chất lượng giống và thời vụ. Tại các huyện, UBND huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành liên quan phụ trách đôn đốc thực hiện; tăng cường công tác khuyến nông bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho nông dân, xuất bản tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật và cán bộ kỹ thuật, chỉ đạo chặt chẽ việc áp dụng qui trình kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản.
Vụ đầu triển khai đề án (vụ đông - xuân năm 2011 – 2012) diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, hạn hán kéo dài,nhưng với tinh thần quyết tâm của nhân dân và các cấp chính quyền địa phương, 7 huyện đã gieo trồng được 7.099,6 ha đậu tương, đạt 32,8% so với diện tích kế hoạch giao cả năm, tăng 110,8 % so với năm 2011; năng suất đạt 11 tạ/ha, sản lượng đạt 7.784,3 tấn; cơ cấu giống chủ yếu là giống mới chiếm 80% diện tích (trong đó giống DT84 chiếm trên 70%), còn lại là các giống VX93, DT96, Hoa Kiều Trung Quốc và giống DT 2008...; giống địa phương chiếm 20% diện tích.
Kết quả thực hiện cả năm 2011, diện tích gieo trồng của 7 huyện thực hiện đề án được 20.605ha, đạt 99% so với kế hoạch, trong đó vụ đông - xuân gieo trồng6.409 ha; diện tích thâm canh đạt trên 85%; năng suất đạt 11,32 tạ/ha, đạt 94% so với kế hoạch; sản lượng cả năm đạt 23.317 tấn, đạt 92% so với kế hoạch giao. Trong đó, vụ đông - xuân năng suất đạt 9,44 tạ/ha, sản lượng là 6.048 tấn. Triển khai đề án các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Hoàng Su Phì đã tổ chức thực hiện tốt các nội dung chú trọng mở rộng diện tích, đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn cònmột số những hạn chế tồn tại như: Việc chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa còn chậm, chưa có cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp bỏ vốn vào đầu tư, một số hộ vẫn còn thiếu vốn đầu tư để sản xuất vì các nguồn vốn thường được lồng ghép với các chương trình như 30a đầu tư cho hộ nghèo. Đầu tư thâm canh còn thấp, tỷ lệ phân bón chưa cân đối đặc biệt là tỷ lệ sử dụng phân Kali còn rất thấp. Ý thức của một số người dân trong vùng sản xuất còn thấp, chưa trú trọng đầu tư, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Công tác báo cáo tiến độ kết quả thực hiện theo định kỳ của các huyện còn chậm, chưa kịp thời.
Để đạt được mục tiêu mà đề án đã đề ra, trong những năm tới, cần tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng những điển hình đồng thời, các cấp, các ngành được phân công tổ chức triển khai thực hiện đề án cần tăng cường tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cơ sở, trong đó công tác chỉ đạo kĩ thuật là đặc biệt quan trọng. Với những mục tiêu của đề án, nếu được tổ chức triển khai tốt, chắc chắn đề án sẽ hoàn thành thắng lợi trước thời gian dự kiến, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra./.
Phòng Trồng trọt
(Sở Nông nghiệp và PTNT)
Ý kiến bạn đọc