Yên Minh dần hoàn thiện hệ thống đường giao thông về thôn bản
HGĐT- 10 năm qua, huyện Yên Minh có nhiều cố gắng triển khai, thực hiện tốt chương trình làm đường giao thông về trung tâm các thôn, bản. Kết quả đạt được từ chương trình này rất lớn, hệ thống đường giao thông về các thôn dần hoàn thiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xóa đói, giảm nghèo.
Người dân thôn Thâm Luông, xã Du Già làm đường bê - tông về trung tâm thôn.
Là huyện vùng cao, điều kiện địa hình phức tạp nên hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện trước kia gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các thôn vùng cao đều không có đường đi, việc đi lại, giao lưu hàng hóa, văn hóa của bà con chủ yếu bằng đôi chân hoặc ngựa thồ. Đường đi lại khó khăn là trở ngại lớn trong phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương. Xác định rõ vai trò quan trọng của đường giao thông nông thôn đối với sự phát triển toàn diện ở các vùng, miền, ngay từ những năm 2002, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt chương trình làm đường giao thông nông thôn. Điểm trọng tâm trong chương trình làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn đó là huyện đã xác định rõ từng lộ trình, mục tiêu để xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện cụ thể. Mục tiêu đầu tiên đó là các thôn, bản phải có đường đi bộ, đi xe máy đến trung tâm và các nhóm hộ gia đình. Để thực hiện mục tiêu trên, ngay từ năm 2002, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân góp công, góp sức tự mở đường về bản với chiều rộng mặt đường từ 1,5 đến 2,5 m (đường loại C). Trong lộ trình đầu tiên này, huyện chỉ hỗ trợ về phần kỹ thuật và hỗ trợ thuốc mìn để phá đá, chính quyền địa phương vận động nhân dân thực hiện. Với phương châm này, đến năm 2007, huyện hoàn thành việc mở đường giao thông nông thôn loại C vào 100% thôn, bản. Có đường, người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại, giao lưu hàng hoá, văn hoá.
Trước yêu cầu có con đường lớn hơn để giao lưu kinh tế, hàng hoá của người dân, cùng với đó, nhiều tuyến đường dân sinh loại C bị hư hại sau mùa mưa lũ, từ năm 2009, huyện quyết định triển khai chương trình nâng cấp đường giao thông nông thôn từ loại C lên loại B (đường rộng từ 1,5 đến 2,5 m lên 4 đến 4,5 m). Đây là chương trình lớn, đòi hỏi bà con phải bỏ nhiều công lao động nên ngoài việc hỗ trợ cán bộ kỹ thuật phân tuyến, huyện thực hiện mức hỗ trợ cho mỗi km đường giao thông từ 2 đến 10 triệu đồng trong 2 năm 2009, 2010 và mức hỗ trợ từ 30 đến 35 triệu đồng trong năm 2011. Số tiền hỗ trợ được giao trực tiếp cho xã, xã giao về cho thôn để hỗ trợ cho các hộ đi làm. Các xã cũng luôn chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch làm đường huyện giao hàng năm. Dù có hỗ trợ nhưng chương trình mở đường về bản vẫn dựa vào sức dân là chính, do đó công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vẫn được các địa phương chú trọng. Trên cơ sở kế hoạch được giao, xã huy động nhân công trên địa bàn tập trung thực hiện theo hình thức luân phiên, người dân tập trung làm đường một tuyến cho thôn này, sang năm tập trung làm cho thôn khác. Với những xã một năm được giao thực hiện từ 2 đến 3 tuyến trở lên thì tự bố trí, sắp xếp nhân công các thôn bản thực hiện một cách hợp lý. Trên mỗi công trình, các xã đều thành lập Ban Chỉ huy công trường do cán bộ xã phụ trách với nhiệm vụ là tập hợp, vận động cán bộ và người dân thực hiện. Đồng thời giải quyết, báo cáo với cấp trên khi cần có sự hỗ trợ về kỹ thuật hoặc thuốc mìn phá đá. Đối với một số tuyến đường khó khăn, huyện đầu tư thực hiện thông qua các chương trình, dự án như: 135 giai đoạn 2; chương trình xây dựng cơ bản tập trung... Nhận được sự hỗ trợ kinh phí của huyện, cách triển khai đồng bộ từ huyện, xuống xã. Đặc biệt, chương trình nhận được sự ủng hộ của người dân, đó là yếu tố quan trọng giúp huyện thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Đến cuối năm 2011, toàn huyện làm được trên 500 km đường giao thông nông thôn loại B với 90% số thôn có đường loại B vào trung tâm. Tổng số tiền hỗ trợ cho người dân mở đường từ năm 2009 đến 2011 là gần 3.300 triệu đồng.
Đồng chí Đỗ Viết Hợp, Chủ tịch UBND huyện Yên Minh cho biết: “Bướccuối cùng của chương trình xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đó là từng bước bê tông hóa đường vào thôn và nhóm hộ gia đình. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc tiếp tục huy động sự đóng góp công lao động của người dân thì huyện cần huy động các nguồn lực để đầu tư, trong đó có nguồn lực từ Chương trình 30a của Chính phủ; nguồn lực từ Chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ những nguồn lực này, đến nay đã có khoảng 80/282 thôn, tổ khu phố ở các xã, thị trấn đã được bê tông hóa đường vào trung tâm và nhóm hộ gia đình. Bê tông hóa đường giao thông nông thôn là mục tiêu lớn và lâu dài, do đó trong những năm tới huyện vấn tiếp tục quan tâm đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện”.
Hình ảnh những chiếc xe máy trở người, trở hàng bon bon trên đường vào bản thay cho những bước chân và những chuyến ngựa thồ trên khắp các thôn bản ở Yên Minh đã minh chứng cho sự phát triển và ý nghĩa đạt được qua 10 năm triển khai tích cực chương trình đường giao thông nông thôn. Đây cũng là thành quả nổi bật trên con đường xây dựng và phát triển Yên Minh vững mạnh sau 50 năm thành lập. Hy vọng rằng, với kinh nghiệm và những thành quả đạt được, Yên Minh sẽ thực hiện tốt công tác làm đường giao thông nông thôn theo mục tiêu, kế hoạch đề ra, giúp huyện ngày càng tiến xa trên con đường đổi mới.
Ý kiến bạn đọc