Xín Mần “bươn trải” trong mùa mưa!

09:09, 17/07/2012

HGĐT - Con đường qua Đèo Măng, xã Tân Nam , huyện Quang Bình vào xã Khuôn Lùng, Nà Chì lên Đèo Gió, huyện Xín Mần mùa này thật... “thảm hại”. Không thể đếm hết các đống sạt lở hàng ngàn mét khối đất đá trên núi đổ xuống mặt đường. Xin cảnh báo cho các tài xế lái xe rằng: Tay lái “mùa xuân” thì hẵng vào, còn tay nghề “mùa hạ” thì ở nhà cho mọi người... khỏi lo.


Phải mất gần 4 giờ đồng hồ tôi mới đi được trên 64 km từ ngã ba Quang Bình vào đến huyện lỵ Xín Mần. Trao đổi với Trưởng phòng Công thương huyện, anh Vũ Minh Hùng cho hay: Cậu đi vẫn còn là may đấy, vừa mới nhận điện thoại ít phút ở Đèo Gió lở núi, tắc đường rồi. Phòng vừa điều động máy móc của Đoạn quản lý đường bộ II, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn ra ứng cứu, chưa biết bao giờ mới thông xe? Anh thở dài, đầu mùa mưa đã hết chỗ nọ, chỗ kia kêu cứu đường sá, mấy ngày hôm nay toàn cứu, giải phóng sạt lở thôi. Theo Đoàn kiểm tra sạt lở và ứng cứu đoạn đường Cốc Pài đi xã biên giới Pà Vầy Sủ mới thấy hết nhọc nhằn của người công nhân cầu đường mùa mưa lũ. Gần như không có các quy định thời gian làm việc trên các cung đường. Công nhân Đoạn II giao thông cho biết: Hễ có sạt đường là có các anh thu dọn. Vừa máy ủi, vừa cuốc xẻng, xà beng hì hục cho tới khi nào thông xe nghỉ. Ăn mì tôm, cơm nắm và uống nước khe để làm. Mệt quá thì ngả lưng ngay rìa đường, chỗ nào cao ráo chút nằm nghỉ, đỡ mệt rồi lại làm cho đến khi ngó thấy trước, sau xe đi qua lại mới tạm gọihoàn thành cơ bản nhiệm vụ được giao. Đường càng gần vào xã Pà Vầy Sủ càng trở nên khó khăn hơn vì sạt lở lớn. Hầu như toàn bộ mặt nền đường gần các điểm cua vào gần xã đất đá lớn đổ xuống làm cho mặt đường nát bét. Đang đi, bỗng một thanh niên chạy ngược lại ngăn: Quay xe ngay, trong đoạn này đá liên tục lăn trên núi xuống vỡ cả nóc máy múc rồi đây này. Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng huyện Hoàng Văn Chinh cho hay: “Đá trên núi rơi xuống vỡ toang khoang lái máy ủi của doanh nghiệp Tỉnh Đào đi ứng cứu đảm bảo an toàn giao thông”. Hú hồn! anh bạn cùng đi kêu lên: - Quay lại.


 
   Nỗ lực khắc phục tắc đường trên đỉnh Đèo Gió.
 

Buộc phải trở ra, đoàn chúng tôi ngược theo Quốc lộ 279 đi Hoàng Su Phì để ngược lên các xã phía Bắc: Thèn Phàng, Xín Mần, Chí Cà... Xe vừa đi vừa lách qua các đống sạt lở. Cuối cùng chúng tôi đành phải bỏ xe dọc đường để cố đi thêm chút ít “mục sở thị” về hình hài các tuyến đường miền Tây những ngày đầu mùa mưa. Và, điều mà tôi muốn nói với các bạn độc giả rằng “Nếu không thật sự có công việc thật cần thiết, thì nhớ điều này: Hãy hoãn ngay việc đi lại trong mùa mưa về các xã trong huyện. Và nếu có đi, xin hãy chuẩn bị đôi dép dọ thật tốt, kèm thêm chiếc gậy “Trường sơn” năm xưa nhé!?”. Trưởng phòng Công thương huyện Xín Mần, Vũ Minh Hùng, cho biết: Đến giờ phút này hầu như tất cả các xã phía Đông, gồm Cốc Rế, Trung Thịnh, Chế Là; các xã phía Bắc, gồm Pà Vầy Sủ, Chí Cà, Thèn Phàng, Xín Mần, Nàn Xỉn và phía Nam Đèo Gió... đều tắc từng khúc, sụt từng đoạn, chưa thể thống kê sơ bộ khối lượng. Có thể khẳng định: Mùa mưa, tại 19 xã, thị trấn của huyện gần như nay có đường, mai tắc đường, điều đó không còn lạ. Hiện nay, giải pháp “4 tại chỗ” được huy động tối đa sức người, máy móc có thể để khắc phục nhanh hậu quả, đảm bảo giao thông.Ngay đêm 11.7, mưa lớn đổ xuống như trút nước, đồng bào xã Nấm Dẩn thuộc các thôn: Nấm Chanh, Nấm Chiến đã phải huy động toàn dân chạy lũ. Anh Vũ Văn Sử, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT, nhận xét trong lần về kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại Xín Mần bằng câu nói hài hước: “Thời gian này, đồng bào Xín Mần đang trong giai đoạn “bươn trải” để sống cùng mùa mưa rừng, lũ suối”.

 

Đối với sản xuất nông nghiệp thì cây lúa, hạt ngô mùa này cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro. Điệp khúc: Cấy đi, trồng lại, hay nay đắp bờ, mai vét ruộng, kê kích nhà cửa đối với đồng bào Xín Mần đã thành thông lệ... “đến hẹn lại lên”(!) Anh Bùi Minh Hiệu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Mỗi năm vào mùa mưa, cả cán bộ Khối Nông, lâm cùng bà con cứ... chạy suốt ngày đêm để hết lũ lại quét lại cấy với trồng. Hàng năm công tác dự phòng giống, vật tư phân bón được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Tuy thế, vẫn không tránh khỏi thiếu và bổ sung liên tục cho đến hết mùa trồng cấy (sau lập thu). Phương châm “lấy mùa bù thiếu hụt do nắng hạn” vừa qua đã và đang làm cho đồng bào 186 thôn bản của huyện Xín Mần “chạy đua” với... trời đất. Hiện nay, ngô mùa đã trồng trên 3.330 ha, lúa mùa đang tập trung cao độ vào cấy, lúa cạn trồng xong, đậu tương đang phát triển thuận lợi. Tuy thế, công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ vẫn thường trực 24/24 giờ. Song song công việc trên là công tác chủ động di dời dân cư ra khỏi vùng nguy cấp do mưa bão được chuẩn bị rất kỹ trong từng gia đình, xẩy đến là ứng phó được ngay. Đối với các công trình xây dựng đập, kè, kênh mương cũng đã được tu sửa hoàn tất ngay trước mùa trồng cấy, trước mùa mưa, kể cả công tác đối phó cho việc di rời dân cư nữa. “Bươn trải, là cuộc sống mùa mưa lũ của con người miền Tây thì phải?”. Tôi đồng tình với nhận xét trên của anh Sử, vì rằng mùa mưa trên nền địa tầng kết cấu yếu, trơn trượt, rất dễ rửa trôi của vùng núi đất là đặc điểm của Xín Mần. Và thực tế, Xín Mần trong nhiều năm qua đã có rất nhiều biện pháp, giải pháp hiệu quả ứng phó trước các mùa mưa bão, giúp đồng bào ổn định đời sống, phát triển sản xuất.

 

Sự chủ động phòng tránh làm giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa của Đảng bộ, chính quyền các cấp ở Xín Mần là điểm rất đáng học tập. Rất cần hơn nữa sự quan tâm đầu tư của Nhà nước để xây dựng hạ tầng cho các tuyến đường, hệ thống đê kè, kênh mương thuỷ lợi và công tác di dời dân cư. Nếu không, thì hôm nay cố gắng thông đường, thông xe, mai lại “mất đường”, tắc xe là “điệp khúc” rất cần được khắc phục, loại bỏ dần để Xín Mần bớt đi khó khăn, phát triển bền vững.


Nguyễn Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xín Mần sơ kết công tác sản xuất vụ đông xuân, triển khai sản xuất vụ mùa
HGĐT- Ngày 28.6.2012, UBND huyện Xín Mần đã tổ chức sơ kết công tác sản xuất vụ đông xuân, triển khai sản xuất vụ mùa.
30/06/2012
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến làm việc tại Chi Cục kinh tế hợp tác và PTNT
HGĐT- Chiều 26.6, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Chi Cục kinh tế hợp tác và PTNT, thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, để nghe báo cáo tình hình kết quả triển khai, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong thời gian qua, nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thời gian tới. Dự buổi làm việc có lãnh đạo Sở Nông
27/06/2012
Triển khai dự án “máy làm đất đa năng”
HGĐT- Sáng ngày 25.6, tại xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) Trung tâm Khuyến Nông tỉnh phối phối hợp với Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hà Nội triển khai dự án “Máy làm đất đa năng” cho các hộ dân ở xã Phương Thiện. Tới dự có lãnh đạo Trung tâm Khuyến Nông tỉnh, lãnh đạo UBND thành phố, các phòng ban chức năng và đông đảo bà con nhân dân trong xã.
27/06/2012
Hoạt động của Khu Kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy 6 tháng đầu năm
HGĐT- Sáng 25.6, UBND tỉnh đã tiến hành họp đánh giá kết quả hoạt động của Khu Kinh tế Cửa khẩu (KTCK) Thanh Thủy 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
26/06/2012