Hiệu quả đầu tư của huyện Quản Bạ trong việc vận động người dân trồng ngô đảm bảo mật độ
HGĐT- Đến huyện Quản Bạ công tác, được kiến diện đồng chí Bí thư Huyện ủy khi đang có cuộc trao đổi cùng đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh về những định hướng lớn của huyện, trong quá trình tập trung triển khai những nội dung trọng tâm, xoay quanh vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Khảo sát mô hình trồng giống ngô lai C919 xã Đông Hà (Quản Bạ). Ảnh: PHI ANH
Cụ thể là việc xây dựng những mô hình phát triển chăn nuôi hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường; chương trình thụ tinh nhân tạo bò; chương trình phát triển 150 ha rau hoa và cây dược liệu; việc triển khai thực hiện mô hình cánh đồng ngô thâm canh, cánh đồng lúa thâm canh mẫu lớn... Đó cũng là những vấn đề phóng viên Báo Đảng bộ địa phương đặc biệt quan tâm trong quá trình tác nghiệp tại cơ sở.
Thấy phóng viên tranh thủ ghi chép, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đức Vinh quay sang tâm sự: Sau khi đi thực tế tại huyện, lại được tham dự hội nghị sơ kết kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện 6 tháng đầu năm, mình được biết kết quả sơ bộ của chương trình triển khai hỗ trợ sản xuất theo chủ chương của BTV Huyện ủy Quản Bạ. Qua đó muốn nói gì thì nói, chỉ riêng chuyện thâm canh cây ngô lai của huyện thôi, nếu triển khai tốt và nhân ra diện rộng, thì những năm tiếp theo sản lượng lương thực của huyện Quản Bạ sẽ tăng đáng kể dù không tăng diện tích gieo trồng. Cụ thể là huyện Quản Bạ hiện đang xây dựng kế hoạch gieo trồng 5.100 ha ngô vụ Đông Xuân và 1.255 ha ngô vụ Hè Thu. Nếu lấy số liệu năng suất ngô bình quân cả năm của huyện là 3,6 tấn/ha (năm 2011) thì sản lượng ngô toàn huyện đạt gần 23 nghìn tấn. Nhưng điều quan trọng là hiện tại hầu hết bà con nông dân trong huyện trồng ngô theo lối quảng canh, tỷ lệ phân bón, phương thức làm cỏ, vun gốc chưa đảm bảo đúng quy trình thâm canh. Nhất là mật độ trồng chưa được bà con chú trọng, do đó nhân dân đang có thói quen trồng ở mật độ khoảng 5 vạn cây/ha.Trong khi đó nếu chú trọng đưa các loại giống ngô lai thích nghi trồng dày như giống Ngô Lai C919, giống ngô lai 30Y87... thì có thể đạt mật độ từ 7,0 đến 8,3 vạn cây/ha, theo lý thuyết nếu đảm bảo quy trình thâm canh sẽ đạt năng suất ổn định từ 10 đến 14 tấn/ha cao gấp hơn 3 lần so với năng suất ngô hiện nay của huyện và sản lượng ngô của huyện từ đó cũng sẽ tăng lên đáng kể ở con số vài chục nghìn tấn, trong khi quỹ đất trồng ngô của huyện vẫn không tăng.
Bí thư Huyện ủy Phạm Hồng Thu tiếp lời, nắm bắt được lợi thế của việc đầu tư gieo trồng các loại ngô lai giống mới, nhận thức rõ sự hiệu quả của việc thực hiện đảm bảo mật độ gieo trồng các cây ngô/ha; năm 2012 này từ sự tham mưu của các phòng chức năng của huyện, BTV Huyện ủy Quản Bạ đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất năm 2012 theo chủ trương của BTV Huyện ủy để đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Huyện đã cấp trên 3,4 tỷ đồng (gồm 3.277,260 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp 30a và 169,170 triệu đồng từ nguồn NLN trọng tâm) cho các xã, thị trấn để hỗ trợ cho nhân dân. Trong đó hỗ trợ nhân dân mua giống ngô lai Mỹ C919 trồng đại trà là 60.000 đồng/kg và bà con nông dân trong huyện đã đầu tư mua giống trồng được 102 ha, cơ bản đạt mật độ 6,5 vạn cây/ha. Ngoài ra, huyện quyết định đầu tư xây dựng tại 13 xã, thị trấn 13 mô hình trồng ngô lai giống C919 đảm bảo mật độ 7,5 vạn cây/ha. Đối với các giống ngô lai khác huyện hỗ trợ bà con 40.000/kg giống mức hỗ trợ không quá 5 kg giống/hộ. Tại sao phải khống chế hỗ trợ 5 kg giống/hộ? - Vì trên thực tế những hộ khó khăn thì thường ít đất sản xuất, những hộ có điều kiện thì đất sản xuất thường nhiều, mà mục tiêu của huyện là hỗ trợ bà con nông dân nghèo đầu tư phát triển sản xuất. Các nhà báo cũng nên biết: Qua đánh giá khảo nghiệm ban đầu, năng suất bình quân ngô năm 2012 của huyện tăng khoảng 4 tạ/ha so với năm 2011. Nếu quy khoản vượt trội của sản lượng ngô của năm 2012 với giá thị trường là 5.000 đồng/kg ngô sẽ đạt khoảng gần 13 tỷ đồng, so với 3,4 tỷ đầu tư theo chủ trương của BTV Huyện ủy thì hiệu quả đầu tư đạt gấp 3,5 lần.
Trực tiếp cùng Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy và Phó Phòng nông nghiệp huyện xuống xã Đông Hà khảo sát kết quả triển khai thực hiện mô hình trồng giống ngô lai C919 đảm bảo mật độ gieo trồng. Được Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Học dẫn đi thăm cánh đồng ngô của thôn Thống Nhất, thấy ngô được trồng đảm bảo mật độ thấp nhất là 6,5 vạn cây/ha, cao nhất là 7,5 vạn cây/ha. Dù trồng dày nhưng nhiều cây ngô ở thửa trồng mật độ 7,5 vạn cây/ha vẫn cho 2 bắp. Chủ tịch xã Đông Hà khẳng định với mật độ trồng đảm bảo và chế độ chăm sóc đúng quy trình thì mô hình ngô trồng mẫu chắc chắn sẽ đạt năng suất trên 8 tấn/ha, còn những thửa bà con của trồng giống ngô C919 chỉ đảm bảo mật độ 6,5 vạn cây/ha chỉ đạt năng suất dưới 7 tấn/ha. Phó phòng nông nghiệp huyện bổ sung: Để đạt năng suất ngô nêu trên, bà con nông dân trong xã cũng ở trong tâm trạng như trong mơ rồi. Vì dù đã có ý thức áp dụng tiến bộ KHKT và sản xuất, từ nhiều năm nay cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và huyện bà con trong xã đã biết chủ động đưa giống ngô lai vào gieo trồng, theo thống kê hiện số diện tích ngô lai của xã được bà con gieo trồng đạt tới 80% tổng diện tích ngô toàn xã. Tuy nhiên do vẫn chưa đáp ứng đúng quy trình chăm sóc, chưa đảm bảo đủ mật độ gieo trồng, nên năng suất ngô của xã vẫn chưa cao, cụ thể như trong năm ngô diện tích ngô sớm xuống ruộng của xã mới chỉ đạt 33 tạ/ha.
Một câu hỏi đặt ra – Tại sao khi trồng ngô lai giống mới dù đã được Nhà nước, tỉnh và huyện hỗ trợ tiền mua từ khâu giống đến phân bón, mà vẫn ít bà con nông dân hưởng ứng. Đơn giản nếu bà con chú trọng trồng dày đảm bảo mật độ hàng cách hàng 65 cm và cây cách cây 20 cm; hoặc hốc cách hốc 40 cm, hàng cách hàng 65 cm, mỗi hốc gieo 2 hạt là đảm bảo mật độ 7,5 vạn cây/ha mà bà con lại khó thực hiện. Sau khi đi thực tế tại cơ sở các xã về, tôi đã tìm ra câu trả lời: Quy trồng các giống ngô lai giống mới đòi hỏi khá nghiêm ngặt, muốn trồng đảm bảo mật độ bà con nông dân phải làm sạch cỏ và cày tơi đất, tiếp đó cày rạch hàng hoặc cuốc hố sâu 15 cm, bón phân chuồng và phân lân xong phải lấp một lớp đất nhỏ dày 3 đến 5 cm rồi mới được gieo hạt, nếu gieo hạt trực tiếp lên phân hạt ngô sẽ bị thối. Khác với cách làm theo thói quen của bà con là làm cỏ và cuốc hố trồng ngô. Quá trình cuốc hố bà con thường bón phân sau đó tra hạt ngô rồi vùi đất phủ kín hạt ngô. Khi ngô mọc được 3 đến 4 lá lúc đó mới làmcỏ và vun gốc. Do không cày bừa kỹ nên cỏ phát triển rất nhanh, nhưng theo bà con lúc làm cỏ và vun gốc thì lại tốt vì lúc này cỏ được đất phủ sẽ biến thành phân xanh. Cách trồng ngô lai giống mới trái với thói quen canh tác, nên bà con ngại ứng dụng. Tôi chợt nhớ kết luận của Bí thư Huyện ủy Quản Bạ tại cuộc trao đổi với phóng viên: Để thay đổi cả một phương thức canh tác lâu đời của bà con nông dân trong huyện không phải là chuyện một sớm một chiều. Chính vì vậy, huyện Quản Bạ chúng tôi không triển khai ào ào lấy thành tích, mà mỗi xã ban đầu xây dựng một mô hình trình diễn, gắn với đó là việc tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Làm sao để trực tiếp bà con nông dân thực hành, tận mắt thấy hiệu quả của việc áp dụng tiến bộ KHKT rồi từ đó tự chủ động học hỏi lẫn nhau phát triển nhân rộng mô hình. Có thể khẳng định: Chậm mà chắc, đó là cách làm của huyện Quản Bạ trong việc tuyên truyền vận động và định hướng bà con nông dân trong huyện trồng ngô đảm bảo mật độ cây trồng trên một diện tích nhất định.
Ý kiến bạn đọc