Ghi ở Hợp tác xã chế biến chè Thanh Bình

14:13, 12/07/2012

HGĐT - Để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng tiêu thụ sản phẩm những năm qua nhiều Hợp tác xã (HTX) ra đời với quy mô lớn, nhỏ khác nhau và phát huy được hiệu quả. Chuyện ghi ở HTX chế biến chè Thanh Bình cho thấy, việc đẩy mạnh hoạt động cũng như nâng cao hiệu quả của các HTX hiện nay làrất đáng quan tâm.


Chúng tôi ghé thăm HTX chế biến chè Thanh Bình, đóng chân gần trung tâm xã Tát Ngà (Mèo Vạc) trong một chiều đầu tháng 7. Gọi là HTX nhưng trên thực tế, trong ngôi nhà treo tấm biển mang tên “HTX chế biến chè Thanh Bình” chỉ có một mình anh Vũ Minh Tuấn đóng vai trò vừa làm Chủ nhiệm HTX, vừa làm “công nhân” chế biến chè. Được biết, HTX thành lập năm 2008 với 7 thành viên nhưng hiện tại chỉ còn 4 người nằm trong diện “cơ cấu”. Theo lời kể của anh Tuấn, từ ngày sinh sống trên mảnh đất Tát Ngà này, thấy bà con ở các thôn cận kề sau khi hái chè về chỉ để làm đồ uống trong nhà, có khi chè ra nhiều búp không kịp thu hoạch, khi ấy chè bị quá lứa, năng suất không cao, hiệu quả kinh tế không nhiều. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của bà con trong vùng và đỡ “xót ruột” khi thấy chè để già không hái, anh kêu gọi anh em, bạn bè chung vốn đứng ra thành lập HTX chế biến chè. Sau một thời gian quyết tâm, HTX chế biến chè Thanh Bình ra đời với số vốn đầu tư ban đầu hơn 50 triệu đồng dùng vào việc xây dựng nhà xưởng và mua máy sao chè.


 
Anh Vũ Minh Tuấn, Chủ nhiệm HTX chế biến chè Thanh Bình, giới thiệu về công nghệ chế biến chè của HTX.

 

Trước đây không ai thu mua chè tươi nên việc mở rộng diện tích hầu như người dân không nghĩ đến. Từ khi HTX chế biến chè được thành lập và thu mua chè cho người dân, đặc biệt là người dân cũng thấy được nguồn thu nhập từ chè mang lại không nhỏ nên dần dần diện tích chè được mở rộng. Từ việc chỉ biết trông vào cây ngô, cây lúa thì nay cây chè đã góp phần mang lại cuộc sống ấm no hơn. Hiện tại Tát Ngà có hơn 22ha chè cho thu hoạch, bình quân mỗi lứa thường là 15 ngày. HTX chế biến chè Thanh Bình có vai trò thu mua tất cả chè tươi của bà con sau khi thu hoạch với giá hiện nay là 10.000 đồng/kg. Như vậy, người dân không còn nỗi lo để chè quá lứa và chè hái về không bán được. Nếu tính giá trị kinh tế mang lại trong một vụ chè thì đó là nguồn thu nhập không nhỏ đối với người dân vùng cao xã Tát Ngà. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, sau gần 4 năm đi vào hoạt động, HTX chế biến chè Thanh Bình đang mắc phải nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động cũng như nâng cao công suất hoạt động. Anh Vũ Minh Tuấn, Chủ nhiệm HTX chế biến chè Thanh Bình, chia sẻ: “Đúng là chúng tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn. Nhưng để tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất chúng tôi luôn nỗ lực duy trì hoạt động của HTX và phấn đấu phát huy tốt hơn nữa hiệu quả”. Được biết, để ngày một nâng cao công suất hoạt động cũng như xây dựng thương hiệu trên thị trường, HTX chế biến chè Thanh Bình đã đầu tư gần như đầy đủ các thiết bị từ máy sao đến máy sấy với tổng trị giá 230 triệu đồng.

 

Tính bình quân, HTX chế biến chè Thanh Bình đưa ra thị trường gần 1 tấn chè thành phẩm mỗi năm. Chất lượng chè được xếp vào hạng ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Điều đáng nói là chè ở đây được người dân trồng tự nhiên, không sử dụng hóa chất. Anh Hoàng Văn Huân, Phó Chủ tịch xã Tát Ngà, tâm sự: “Chè Tát Ngà hiện có mặt ở nhiều nơi, độ thơm ngon ngày một nâng cao nhờ công nghệ chế biến chè của HTX Thanh Bình. Bởi sau khi bà con thu hoạch là HTX thu mua và chế biến ngay nên giữ được nhiều nhựa chè, vì thế khi pha nước, chè luôn có mùi thơm ngon đặc trưng”. Khi được hỏi về thực trạng của các HTX chế biến chè đóng trên địa bàn xã, anh cho biết hiện nay chỉ có HTX chế biến chè Thanh Bình hoạt động. Tuy nhiên, do diện tích chè ít cộng với đặc thù không thu hoạch liên tục được nên HTX chỉ hoạt động theo thời vụ. Hiện nay, xã đang có chủ trương mở rộng diện tích chè, một mặt tạo thêm thu nhập cho người dân, tạo điều kiện giúp nhân dân trong xã XĐGN, mặt khác tạo thêm việc làm cho bà con trong lúc nông nhàn và tăng hiệu suất hoạt động của HTX chế biến chè.

 

Nhìn vào thực tế hoạt động của HTX chế biến chè Thanh Bình có thể thấy rằng, đóng góp của đơn vị là rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động của các HTX một cách có hiệu quả như HTX chế biến chè Thanh Bình lại rất cần đến sự quan tâm của các cấp chính quyền và các cơ quan liên quan.


Bài, ảnh: KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xín Mần sơ kết công tác sản xuất vụ đông xuân, triển khai sản xuất vụ mùa
HGĐT- Ngày 28.6.2012, UBND huyện Xín Mần đã tổ chức sơ kết công tác sản xuất vụ đông xuân, triển khai sản xuất vụ mùa.
30/06/2012
Triển khai dự án “máy làm đất đa năng”
HGĐT- Sáng ngày 25.6, tại xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) Trung tâm Khuyến Nông tỉnh phối phối hợp với Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hà Nội triển khai dự án “Máy làm đất đa năng” cho các hộ dân ở xã Phương Thiện. Tới dự có lãnh đạo Trung tâm Khuyến Nông tỉnh, lãnh đạo UBND thành phố, các phòng ban chức năng và đông đảo bà con nhân dân trong xã.
27/06/2012
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến làm việc tại Chi Cục kinh tế hợp tác và PTNT
HGĐT- Chiều 26.6, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Chi Cục kinh tế hợp tác và PTNT, thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, để nghe báo cáo tình hình kết quả triển khai, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong thời gian qua, nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thời gian tới. Dự buổi làm việc có lãnh đạo Sở Nông
27/06/2012
Những giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng
HGĐT- Sau 9 năm hoạt động, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã cho trên 233 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay với số tiền trên 2.500 tỷ đồng. Qua đó đã góp phần giúp gần 70 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút trên 100 nghìn lao động có việc làm, gần 9 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, xây dựng gần 24 nghìn công trình nước sạch và
26/06/2012