Ngành Nông nghiệp - PTNT: Quyết “lấy mùa bù xuân”
HGĐT- Xác định Nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thời gian qua ngành Nông nghiệp - PTNT đã bám sát các chương trình, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tập trung mọi nguồn lực cho sản xuất, chỉ đạo các huyện, thành phố chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo từng bước làm giàu...
Nông dân thôn Tân Thành, xã Bằng Hành (Bắc Quang) thu hoạch trên “Cánh đồng mẫu lớn”.
Tuy nhiên, để có một mùa vụ thành công ngoài các yếu tố về con người, yếu tố thời tiết vẫn đóng vai trò quan trọng, vụ Đông – xuân năm 2011- 2012 không nằm ngoài quy luật đó.
Sản xuất vụ Đông - xuân năm 2011 - 2012 đến nay cơ bản đã kết thúc, mặc dù được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và sự phối kết hợp của các ngành liên quan, đặc biệt là sự cố gắng của ngành Nông nghiệp - PTNT, tuy nhiên năng suất, chất lượng, sản lượng vụ Đông – xuân năm nay đều giảm so với kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 184.558 tấn, trong đó (thóc 53.183 tấn, ngô 131.375 tấn), lượng lương thực hụt 3.950 tấn (thóc 2.307 tấn, ngô 1.643 tấn). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm đó, nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết diễn biến bất thường, đầu vụ thì rét đậm, rét hại kéo dài, sau đó là hạn hán diễn ra trên diện rộng; biến động về giá vật tư, nhiên liệu, nguyên liệu... làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của các loại cây trồng, nhiều diện tích lúa, ngô, đậu tương, bị khô hạn không phát triển và có khả năng mất trắng, nặng nhất là huyện Xín Mần. Tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng và mất trắng là: 10.717,1 ha, trong đó diện tích bị mất trắng là 565,7 ha, giảm năng suất 10.151,4 ha.
Đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông – xuân 2011 – 2012, đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh cho biết: Ngành Nông nghiệp và PTNT đã chủ động triển khai Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND và chỉ đạo của UBND tỉnh đối với sản xuất vụ Đông - xuân. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND tỉnh và ngành chuyên môn đã tổ chức nhiều đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo các biện pháp chống hạn, ban hành các Công điệncủa Chủ tịch UBND tỉnh về Triển khai các biện pháp chống hạn vụ Đông - xuân năm 2011 - 2012. Các huyện thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh, xây dựng phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông, tăng diện tích cây ngô hè thu, tích cực thâm canh để tăng sản lượng lương thực bù vào sản lượng lương thực vụ Đông - xuân thiếu hụt do hạn hán. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các Trung tâm, Chi cục chuyên môn thuộc sở như: Trung tâm KHKT giống, cây trồng Đạo Đức khảo nghiệm nhiều giống cây trồng mới như lúa, ngô, đậu tương... cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết của từng vùng đưa vào thâm canh mang lại hiệu quả rõ rệt; Chi cục Bảo vệ thực vật theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động phòng, chống các loại sâu bệnh gây hại; Hệ thống khuyến nông tỉnh được kiện toàn, sử dụng tốt đội ngũ cán bộ nông nghiệp cấp xã, thôn; bồi dưỡng đội ngũ khuyến nông cơ sở và tập huấn kỹ thuật cho nông dân; đánh giá... Trong nhiều mô hình, đề án khảo nghiệm thành công, đặc biệt có đề án xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” mà Sở Nông nghiệp - PTNT chỉ đạo và phối hợp với huyện Bắc Quang thực hiện tại 5 xã: Đồng Yên, Đồng Tâm, Bằng Hành, Việt Vinh, Quang Minh. Các hộ tham gia đề án giám sát nhau trong việc thâm canh theo phương châm “5 cùng” đó là: Nhiều hộ gia đình cùng làm đất, cùng sử dụng một giống lúa, cùng chăm sóc, cùng sử dụng một loại thuốc bảo vệ thực vật, cùng thu hoạch”; Áp dụng kỹ thuật bón vôi khử chua, bón phân cân đối đã góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững; tạo bước đột phá về sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, hiệu quả bền vững hơn tiến tới xây dựng thành công nông thôn mới. Kết quả, tại 5 “cánh đồng mẫu lớn” năng suất lúa bình quân đạt 84,2 tạ/ha, cao hơn năng suất đại trà 22,5 tạ/ha, thu nhập đạt gần 60 triệu đồng/ha; lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí đạt trên 30 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với cách làm thông thường. Việc người dân cùng tuân thủ một quy trình kỹ thuật trên cùng một cánh đồng bước đầu đã hình thành tập quán canh tác mới, hình thành vùng thâm canh theo kiểu “Cánh đồng mẫu lớn” đang được Trung ương chỉ đạo các tỉnh áp dụng rộng rãi; hạn chế sâu bệnh hại, giảm chi phí đầu tư cho nông dân, đây là phương pháp tổ chức sản xuất phù hợp với xu thế phát triển nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại cần được nhân rộng. Đề án được đông đảo người dân tham gia đồng tình ủng hộ nên đạt hiệu quả cao, góp phần giúp nông dân khai thác, sử dụng đất đai, lao động một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích; góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh...Thắng lợi lớn nhất của chương trình này là vụ mùa này chỉ hỗ trợ 50% về giống và vật tư nông nghiệp nhưng diện tích người dân đăng ký sản xuất theo cánh đồng thâm canh tăng gấp đôi.
Một số mô hình trồng cam Vinh, bưởi Diễn xen canh cây lạc cho giá trị thu nhập cao, chuyển đổi diện tích lúa bị hạn sang trồng lạc đạt hiệu quả kinh tế, cho giá trị thu nhập cao, tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác. Sở Nông nghiệp - PTNT chủ động phối hợp với Viện Khoa học miền núi phía Bắc hợp tác một số chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, khảo nghiệm giống cây lương thực, lúa, ngô để phục vụ chương trình đổi mới cơ cấu giống cây lương thực 2011 – 2015; thực hiện cơ giới hoá trong nông nghiệp, nông thôn được nhân dân chủ động, tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên đã góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tích cực góp phần giải phóng sức lao động cho người nông dân, tiết kiệm được thời gian, công lao độngvà đẩy nhanh tiến độ sản xuất, tiến độ thu hoạch làm giảm thất thoát sản lượng sau thu hoạch...
Với phương châm: Vượt qua khó khăn, tập trung cao độ cho sản xuất vụ mùa và cây trồng vụ đông, quyết tâm “Lấy mùa bù xuân”, đảm bảo giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trên 5%, phấn đấu tăng sản lượng lương thực vụ mùa, vụ đông để đạt sản lượng lương thực cả năm là 374.215 tấn đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.
Để đạt được những kết quả trên, đồng chí Nguyễn Đức Vinh Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các huyện tuỳ theo điều kiện tự nhiên, xây dựng kế hoạch, phương án chọn giống cây trồng phù hợp, tuân thủ chặt chẽ khung thời vụ, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ kích cầu cho người nông dân để sản xuất phát triển nhưng tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nhà nước. Trên cơ sở rút kinh nghiệm làm điểm về cánh đồng mẫu lớn tại huyện Bắc Quang, các huyện, thành phố triển khai làm điểm cánh đồng mẫu lớn, kết hợp với chương trình đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp (làm đất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch); tăng cường công tác quản lý giống, phân bón; chỉ đạo thực hiện đúng khung mùa vụ, thâm canh theo cơ cấu và giống cho từng vụ theo hình thức bố trí luân canh tăng vụ để đảm bảo có đất gieo trồng cây vụ Đông - năm 2012. Ngoài việc đảm bảo lương thực, cần bổ sung đưa các loại giống lúa, ngô đặc sản, chất lượng cao vào sản xuất nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác; đẩy mạnh phong trào thâm canh đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo đủ định mức phân bón, thuốc BVTV, đặc biệt chú ý áp dụng thực hiện bón vôi khử chua và bón phân cân đối để giảm độ chua cho đất, đảm bảo canh tác bền vững và tăng cường sự hấp thu các loại phân bón, hạn chế được một số loại bệnh, đặc biệt là bệnh nghẹt cổ rễ, nhân rộng mô hình đã được thí điểm thực hiện tại 4 huyện vùng trọng điểm lúa năm 2011 đạt kết quả cao; tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hệ thống khuyến nông; chú trọng về chương trình phát triển cây vụ đông, sản xuất theo công thức luân canh, sản xuất theo chương trình “3 giảm, 3 tăng” tập trung vào những vùng có trình độ thâm canh cao; tăng cường khuyến cáo, tuyên truyền ứng dụng tiến bộ KHKT, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh đảm bảo cho sản xuất phát triển.
Ý kiến bạn đọc