Xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Bình Vàng - cách làm của “nhà nghèo”
HGĐT - Mặc dù còn rất nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhưng KCN Bình Vàng đã có 10 doanh nghiệp đăng ký với diện tích thuê đất trên 146 ha, tổng vốn đầu tư trên 4.242 tỷ đồng. Trong quý II này, sẽ có hai dự án hoàn thành, đi vào hoạt động, một số dự án đang được đẩy nhanh tiến độ... Đây là minh chứng sinh động, khẳng định cách làm linh hoạt của "Con nhà nghèo" đã phát huy hiệu quả.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới có duy nhất KCN Bình Vàng, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN Bình Vàng với quy mô 254 ha, được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I quy mô 142 ha, giai đoạn II là 112 ha. Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Bình Vàng giai đoạn I được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích 142 ha, tổng vốn đầu tư 330 tỷ đồng. Thông thường, các nhà đầu tư chỉ triển khai dự án trong KCN khi đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo, có đủ mặt bằng sạch, nhưng với đặc thù khi triển khai xây dựng KCN Bình Vàng, quy trình đầu tư của doanh nghiệp và BQL các KCN tỉnh lại đi ngược thông lệ trên, và đến nay nó đang chứng tỏ cách làm của “con nhà nghèo” đã phát huy hiệu quả.
Hệ thống đường giao thông vào dẫn từ Quốc lộ 2 vào KCN Bình Vàng đang được hoàn thiện.
Qua tìm hiểu quá trình phát triển KCN tại các địa phương như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Yên Bái... cho thấy: Việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN thường được một hoặc nhiều nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện, tạo mặt bằng sạch, sau đó cho các nhà đầu tư khác thuê cơ sở hạ tầng xây dựng nhà máy. Còn ở tỉnh ta, do không nhà nhà đầu tư nào đủ năng lực tài chính, năng lực quản lý nhận thầu thi công hệ thống hạ tầng kỹ thuật nên việc đầu tư các hạng mục như đường giao thông, đường điện, hệ thống xử lý nước thải hoàn toàn dựa vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, nguồn ngân sách cấp hàng năm quá eo hẹp, nếu chỉ trông chờ vào số tiền kế hoạch thì không biết đến bao giờ mới có mặt bằng, có hệ thống hạ tầng cho các nhà đầu tư. Vì vậy, việc tìm ra phương án đầu tư tối ưu nhất, hiệu quả nhất đã được BQL các KCN tính toán, áp dụng ngay từ những ngày đầu triển khai xây dựng KCN Bình Vàng.
Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Bình Vàng giai đoạn I có tổng mức đầu tư theo phê duyệt ban đầu 330 tỷ đồng (nếu tính thêm phần trượt giá, con số trên đội lên khoảng 500 tỷ đồng). Trong đó, kinh phí bồi thường, GPMB gần 25 tỷ đồng, xây dựng hạ tầng trên 204 tỷ đồng. Nhưng trong thực tế quá trình triển khai, số tiền bồi thường, GPMB đã chi trả cho các hộ dân đội lên hơn 84 tỷ đồng, tăng 59 tỷ đồng so với thời điểm lập dự án. Theo Quyết định 43/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vốn hỗ trợ cho một KCN là 100 tỷ đồng, đến nay KCN Bình Vàng đã được bố trí 88 tỷ đồng. Tại Quyết định 27/2008/QĐ-TTg ngày 5.2.2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH đối với các tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2010, mỗi tỉnh được hỗ trợ tối đa 70 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp. Như vậy, tổng kinh phí T.Ư hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Bình Vàng là 164 tỷ đồng, đến nay đã bố trí được 100 tỷ đồng, còn lại 64 tỷ đồng chưa bố trí.
Do tính chất đặc thù và yêu cầu cấp bách về thời gian, quá trình xây dựng KCN Bình Vàng cùng một thời điểm phải thực hiện 3 công đoạn đó là xây dựng khu tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong khi nguồn vốn lại quá eo hẹp. Xác định rõ khó khăn, BQL các KCN đã tính phương án ưu tiên đầu tư những hạng mục hạ tầng thiết yếu theo thứ tự, hạng mục nào quan trọng làm trước, chưa cần đầu tư ngay thì có thể dãn thời gian. Theo đó, thứ tự ưu tiên tập trung vào hệ thống hạ tầng giao thông, đường điện, đối với mặt bằng xây dựng dự án, BQL thống nhất thực hiện theo phương án, nhà đầu tư ứng vốn GPMB, số tiền này sẽ được trừ dần vào chi phí thuê hạ tầng. Với cách làm đó, hiện nay BQL các KCN đang tập trung vốn thi công tuyến đường D1 nối từ đầu cầu bắc qua sông Lô chạy qua dự án của Công ty TNHH Ban Mai, Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc và Nhà máy giấy MDF, hiện đã đạt 60% khối lượng đào đắp; hệ thống điện lưới do Điện lực Hà Giang làm chủ đầu tư đã cơ bản kéo xong đường dây 110Kv, đường dân 35Kv đang tiến hành đúc móng. Trong năm nay sẽ triển khai đầu tư hệ thống giao thông gồm các tuyến DN1, D3, D3A và D1; các năm sau sẽ đầu tư hạng mục thoát nước mưa, xử lý nước thải tập trung cho KCN, hệ thống cấp nước.
Với cách làm linh hoạt đó, hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN Bình Vàng cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hai dự án chuẩn bị đi vào hoạt động đó là Nhà máy sản xuất Feromangan công suất 10 nghìn tấn/năm của Công ty TNHH Ban Mai và Nhà máy sản xuất Feromangan - Silicomangan công suất 21,6 nghìn tấn/năm của Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc. Đồng thời đã tạo được mặt bằng để các nhà đầu tư khác như: Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông xây dựng Nhà máy vê viên tinh quặng sắt công suất 300 nghìn tấn/năm; Công ty Cổ phần Ngân Trường đầu tư xây dựng Nhà máy gia công và thiêu kết quặng mangan công suất 100 nghìn tấn/năm... Hiện nay, KCN Bình Vàng đã có 10 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng diện tích thuê đất trên 146 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 4.242 tỷ đồng, số lao động dự kiến trên 2,5 nghìn người.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng BQL các KCN cho biết: Trong khi nguồn vốn ngân sách cấp đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật rất hạn chế, nếu không chủ động giải quyết linh hoạt, không có sự phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư thì rất khó có mặt bằng, có hạ tầng để triển khai xây dựng nhà máy. Với số tiền ngân sách cấp phục vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hàng năm chỉ dao động khoảng hơn 10 tỷ đồng thì khối lượng công việc thực hiện ở KCN Bình Vàng rất lớn. Thời gian tới, BQL tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về GPMB, nguồn vốn thi công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng tâm khu tái định cư và tuyến đường D1 trong KCN, đường dây 110Kv và 35Kv. Bên cạnh đó, BQL cũng trình tỉnh và được nhất trí chủ trương tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để hoàn thiện một số dự án ngay trong năm nay.
Bài, ảnh: THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc