Thực trạng vi phạm pháp luật bảo vệ rừng và các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng của ngành Kiểm lâm hiện nay
HGĐT- Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, các lựclượng và nhân dân trong toàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của toàn tỉnh. Tuy nhiên công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Các cơ quan chức năng huyện Vị Xuyên tại hiện trường vụ khai thác gỗ trái phép rừng Đặc dụng Phong Quang.
Theo đánh giá của ngành kiểm lâm năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, tình trạng khai thác lâm sản trái phép, nhất là gỗ quý hiếm diễn biến phức tạp, có những điểm rất gay gắt, nhất là tại các khu rừng tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loại gỗ quý hiếm. Các loại gỗ bị khai thác trái phép chủ yếu là gỗ nghiến (Nhóm IIA), có giá trị kinh tế cao. Các điểm nóng như khu rừng đặc dụng Phong Quang (Vị Xuyên), rừng tự nhiên tại các xã Quyết Tiến, Tả Ván (Quản Bạ). Hầu hết gỗ khai thác trái phép ở những khu vực này đều vận chuyển qua đường mòn sang Trung Quốc tiêu thụ. Đối với các xã trong nội địa, thì tại một số khu rừng tự nhiên, rừng đặc dụng như: xã Minh Sơn, Lạc Nông (Bắc Mê); Ngọc Linh, Ngọc Minh (Vị Xuyên); Đức Xuân (BắcQuang), tình hình khai thác lâm sản trái phép cũng diễn ra phức tạp, khối lượng gỗ khai thác lớn, gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt tình trạng mua, bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái phép hiện nay không những diễn ra khá phức tạp mà còn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, lách luật. Trên địa bàn 4 huyện vùng cao phía Bắc xuất hiện tình trạng khai thác, vận chuyển tiêu thụ các loại cây rừng tự nhiên có nhiều năm tuổi như cây thông tre lá ngắn, cây đào, cây lê... Ở các huyện vùng thấp thì khai thác các loại gỗ có hình dáng đẹp từ rừng tự nhiên như; Nhội, Thiên tuế, Sung... để làm cây cảnh; các loại cây dược liệu như: Các loài lan Kim tuyến, lan hài, các loài Tuế, dây máu chó, củ Bình vôi, cây một lá... cũng bị khai thác, vận chuyển bừa bãi, nhưng cũng không được cơ quan chức năng kiểm tra, quản lý chặt chẽ. Điều đáng lưu ý là hiện nay trên địa bàn tỉnh ta, xuất hiện nhiều xưởng chế biến đồ gỗ thủ công mỹ nghệ cao cấp, các xưởng này đã tổ chức thu mua các u, bướu, bạnh vè gỗ nghiến và gốc rễ các loại gỗ rừng tự nhiên có đường kính từ 20cm trở lên để tiện lọ lộc bình, tượng phật, đóng bàn ghế theo kiểu Đồng Kỵ... dẫn đến tại các khu rừng đặc dụng, rừng tự nhiên nhiều cây nghiến tuy còn đứng nhưng đã bị “xẻ thịt” lấy hết bạnh vè, u, bướu. Tình trạng này đến nay vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
Qua con số thống kê của ngành Kiểm lâm chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, lập biên bản xử lý 83 vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua bán, cất trữ, chế biến lâm sản trái phép. Qua đó đã tịch thu 5 cưa xăng, 2 xe máy, 2 ô tô và trên 182 mét khối gỗ, trong đó có hơn 34 mét khối gỗ quý hiếm, thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền trên 580 triệu đồng.
Đồng chí Hoàng Ngọc Tường, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến việc khai thác lâm sản trái phép như hiện nay là do cơ chế, chính sách về phát triển lâm nghiệp chưa đồng bộ, chưa thực sự khuyến khích được người dân gắn bó với rừng, bảo vệ và phát triển kinh tế nghề rừng, mặt khác do nhu cầu sử dụng gỗ ngày càng lớn, lợi nhuận từ gỗ cao từ việc buôn bán lâm sản, nên đã kích thích một bộ phận người dân sống gần rừng vào các khu rừng tự nhiên khai thác, chặt phá rừng trái phép; công tác phối hợp liên ngành nhằm đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng tuy đã được triển khai tích cực, nhưng không được duy trì thường xuyên; trách nhiệm của các lực lượng chưa cao, hiệu quả phối hợp thấp; việc đưa ra xét xử các vụ án về loại tội phạm này trong thời gian qua tại một số địa phương đối với các bị cáo với mức án rất thấp, thường là án treo, nên không đủ sức răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Đặc biệt là việc thực hiện Quyết định số 07 ngày 8.2.2012 của Thủ tướngChính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng chưa nghiêm, nhất là các địa phương có nhiều rừng, nhiều gỗ quý hiếm còn chưa vào cuộc, hoặc né tránh, sợ va chạm, trả thù, buông lỏng công tác quản lý, chưa chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương, coi công tác bảo vệ rừng, xử lý vi phạm là việc của ngành Kiểm lâm; các Ban quản lý rừng Đặc dụng, rừng phòng hộ, quản lý diện tích rừng rất lớn nhưng biên chế lại rất mỏng, dẫn đến không đủ năng lực để quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, đây vừa là thực trạng, vừa là nguyên nhân hiện nay. Đồng thời trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng Kiểm lâm chưa đủ mạnh để trấn áp lâm tặc, trong khi lâm tặc ngày càng manh động, chống trả quyết liệt, số vụ tấn công các lực lượng bảo vệ rừng cũng như lực lượng Kiểm lâm ngày càng gia tăng...
Trước những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như hiện nay, đồng chí Hoàng Ngọc Tường cho biết thêm: Ngành Kiểm lâm đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, nhằm hạn chế tối đa các vụ việc vi phạm Luật bảo vệ rừng, trong đó đặc biệt quan tâm đến các giải pháp như: Tích cực phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các ngành chức năng, tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; tổ chức phát động nhân dân tố giác những đối tượng thường xuyên khai thác, chặt phá, mua bán, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái phép; tổ chức truy quét, giải tỏa các tụ điểm phá rừng trái phép, quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến lâm sản trong toàn tỉnh; kiên quyết xử lý các vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng theo yêu cầu Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch UBND tỉnh; phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra và nhanh chóng đưa ra xét xử nghiêm minh đối với những vụ xâm hại nghiêm trọng tài nguyên rừng ở một số địa phương... Tuy nhiên ngoài việc Kiểm lâm là lực lượng chuyên trách, công tác bảo vệ rừng rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự ủng hộ của nhân dân. Có như vậy thì công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mới đem lại hiệu quả bền vững.
Ý kiến bạn đọc