Đổi thay trên xã nghèo Cán Tỷ

17:44, 23/05/2012

HGĐT- Chiều xuống càng làm cho không khí trong xã Cán Tỷ (Quản Bạ) thêm rộn ràng. Dường như những bước chân của người dân sau một ngày làm việc bận rộn càng thêm hối hả để về nhà chuẩn bị bữa cơm chiều, trẻ con nô nức vui đùa trước cửa nhà, ngơ ngác khi nhìn thấy người khách lạ. Vọng trong không gian, tiếng trâu bò, ngan vịt, tiếng lợn đòi ăn réo rắt, rộn vang... đó là "bức tranh" cuộc sống thường ngày của người dân Cán Tỷ hôm nay, cho thấy một sự đổi thay, ấm no đang đến từng ngày...


Chiều Cán Tỷ:

 

Mọi người hay nhắc đến cái tên “Cán Tỷ” bởi nơi đây thường là điểm dừng chân của du khách đến thăm quan mô hình HTX dệt thổ cẩm. Mấy ai biết rằng, đó cũng chính là một trong mười xã nghèo nhất của huyện Quản Bạ. Về với bà con xã Cán Tỷ bây giờ, ẩn sâu bên trong tâm hồn những con người hiền hòa, hiếu khách ấy là niềm vui mới bởi sự đổi thay trong cuộc sống thường ngày.

 


 Một góc thôn Đầu cầu II, xã Cán Tỷ, cuộc sống người dân giờ đây đã có nhiều đổi thay.


Gần một tuần nắng nóng, cái nắng như muốn vắt kiệt sức người miệt mài trên nương rẫy. Nắng khiến cho ruộng đồng khô hạn, hoa màu héo úa. Về với Cán Tỷ chiều nay, bầu trời vẫn trong xanh, nhưng xa một tầm mắt hiện lên rợp màu xanh của ngô, đậu. Bởi cơn mưa rào xối xả một ngày trước như mang lại sự “hồi sinh” cho những thửa ruộng, triền núi nơi đây.


Dọc theo dòng sông Miện hiền hòa, trải dài bên dãy tre xanh, từ trên cao nhìn xuống, bốn thôn gần trung tâm xã Cán Tỷ nằm yên bình trong nắng chiều. Những mái nhà lợp ngói và bờ lô xi măng nằm san sát, ẩn hiện, xen lẫn vào màu xanh ngát của nương ngô, càng làm cho Cán Tỷ đẹp một cách lạ kỳ. Đã bao lần đi qua, được ngắm nhìn, cảm nhận nhưng sao hôm nay dừng chân trên mảnh đất này lại thấy lòng mình lâng lâng khó tả. Không chỉ là mùi hương ngô ngan ngát hòa trong gió, hay mùi ngai ngái tỏa ra từ những cây lanh do người dân đang thu hoạch trên ruộng đồng. Mà có lẽ bộ mặt đời sống của bà con trong xã Cán Tỷ bây giờ khiến lòng người thêm phấn khởi.

 

Trong câu chuyện thân mật, anh Chủ tịch xã Cán Tỷ có tên Sùng Mí Lùng bảo rằng: “Mặc dù tình hình sản xuất, phát triển kinh tế trong năm qua gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhưng bà con đã đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng KHKT, đưa cây, con giống có năng suất cao vào sản xuất gắn với sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án hỗ trợ... nên đời sống của bà con bây giờ đã bớt khổ hơn trước”. Chỉ cần đi quanh mấy thôn của xã, ghé thăm vài hộ gia đình cũng đủ nhận thấy lời nói của Chủ tịch xã thật đúng. Người dân không chỉ biết trông vào ruộng lúa, nương ngô nữa mà chăn nuôi đang là thế mạnh trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhìn vào điều kiện thực tế ở các hộ trong xã Cán Tỷ mới thấy được cuộc sống nơi đây đang ngày một tươi mới.

 

Cuộc sống đổi thay:

 

Cán Tỷ là xã có 851 hộ gia đình với 4274 nhân khẩu, xã được chia thành 8 thôn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Theo chân anh cán bộ xã có tên Hạng Mí Sử đến với thôn Đầu cầu II, thăm nhiều hộ gia đình, được trò chuyện, gần gũi, sẻ chia và biết được đời sống của người dân đang đổi thay, ổn định. Sự đổi thay ấy là những con đường bê tông sạch sẽ chạy dài quanh thôn xóm, bà con chăm chỉ, đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, quyết tâm xóa đói, giảm nghèo.


Do đặc thù địa hình chi phối, khó khăn trong sản xuất, người dân chủ yếu trồng lúa, ngô nên đói nghèo là chuyện thường thấy trong những năm trước đây. Được sự đầu tư, quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước thông qua việc đưa các loại cây, con giống mới cho năng suất cao vào sản xuất đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong cuộc sống người dân. Đặc biệt là nhận thức của bà con trong việc chủ động chăm lo phát triển kinh tế được nâng lên rõ rệt. Chính vì thế mà chuyện thiếu ăn, thiếu mặc nay đã được hạn chế, nhiều hộ gia đình mạnh dạn trong đổi mới cách làm, vươn lên khá giả. Đi cùng với đó là số hộ nghèo trong xã giảm nhanh và bền vững. Tỉ lệ hộ nghèo tính đến thời điểm hiện nay chỉ còn 64,4%, giảm 9,2% so với năm 2011.

 

Ghé thăm nhà anh Sùng Sè Say, thôn Đầu cầu II khi bữa cơm chiều của gia đình đang lên khói bếp. Sau khi cùng mời khách nhấp một chén rượu ngô cay nồng, anh chia sẻ: “Trước đây nhà mình cũng nghèo lắm, làm mãi mà có đủ ăn đâu. Từ khi chăn nuôi thì mới thoát đói nghèo đấy, gia đình đã bớt khổ hơn trước nhiều rồi”. Lời nói ấy được minh chứng bằng việc gia đình anh thoát khỏi danh sách hộ nghèo từ năm 1992. Trong ngôi nhà khá rộng rãi, gọn gàng, hai chiếc xe máy mới mua được anh cho biết từ việc chăn nuôi mà có. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất trong ngôi nhà ấy là chiếc giấy khen về thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cùng với giấy chứng nhận gia đình văn hóa năm 2011 được treo ngay ngắn, cẩn thận. Đi thăm đàn lợn của gia đình, anh cán bộ xã ghé tai nói nhỏ “nhà anh Say chăn nuôi giỏi nhất ở thôn này đấy”. Thật sự có cơ sở khi nhìn thấy trong dãy chuồng nuôi có 3 con bò, gần 20 con lợn sắp đến ngày xuất chuồng, 2 lợn nái và rất nhiều lợn con. Bên cạnh đó là lúc nhúc ngan, vịt đang độ lớn. Được biết, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 30 triệu đồng từ chăn nuôi, vì thế mà cuộc sống ngày một ổn định.

 

Đảo qua một vòng quanh thôn, càng thấy lòng mình vui hơn khi thấy một số hộ đã sử dụng máy cày và hầu hết nhà nào cũng có chiếc máy xay ngô để phục vụ chăn nuôi. Dừng chân bên nhà anh Sùng Chá Páo A, ngay ngoài cổng vào có thể thấy ngay 2 con bò và 1 con trâu đang chậm rãi nhai cỏ, bên trong 6 con lợn no nê nằm ngủ. Ngạc nhiên khi thấy trong nhà mùa này vẫn còn rau cải, anh giải thích: “Ở đây mọi người chủ động trồng cỏ và luôn biết dự trữ thức ăn cho chăn nuôi, không để gia súc bị đói. Cây cải này là dùng để nuôi lợn đấy”. Được biết gia đình anh có tới bốn người con, nhưng vì biết cách chăn nuôi và chăm chỉ làm ăn mà gia đình đã thoát nghèo từ hơn chục năm nay.

 

Từ việc chủ động, tích cực phát triển kinh tế mà cuộc sống của bà con trong xã Cán Tỷ đang dần no ấm. Đi cùng với đó là các mặt đời sống xã hội, an ninh quốc phòng luôn được đảm bảo và giữ vững. Những gì nhìn thấy, nghe thấy có lẽ chỉ là một phần nhỏ trong sự đổi thay ở nơi đây. Tuy không thấy hết, biết hết nhưng tin tưởng rằng, từ cuộc sống đổi thay mà bà con ở Cán Tỷ có được hôm nay sẽ là một tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai.


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phục hồi sản xuất nhờ vốn Ngân hàng NN – PTNT huyện Yên Minh
HGĐT - Trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi rắn, quy mô lớn của ông Trần Ngọc Bảy, ở thôn Nà Đồng, thị trấn Yên Minh (Yên Minh) được hình thành từ năm 2003. Sau nhiều thăng trầm, đến nay trang trại đang phát triển và cho hiệu quả kinh tế cao từ chăn nuôi lợn thịt, nuôi gà Ai Cập siêu trứng. Niềm tin và nguồn lực để trang trại phục hồi sản xuất sau một thời gian dài
21/05/2012
Đồng vốn giúp gia đình tôi thoát nghèo
HGĐT - Đó là lời tâm sự của anh Viên Văn Vấn, thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ (Quản Bạ) trong buổi làm việc với chúng tôi khi tìm hiểu về những hiệu quả của đồng vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT trên địa bàn xã.
21/05/2012
Quyết tâm lấy: Mùa – cây vụ Đông “bù” Chiêm xuân
HGĐT - Đối diện với hạn hán và nguy cơ giảm sụt sản lượng lương thực vụ Chiêm xuân, quyết tâm lấy sản xuất vụ Mùa và trồng cấy cây vụ Đông là một trong các giải pháp chỉ đạo của tỉnh, nhằm giải quyết thiếu hụt lương thực cho nhân dân trong thời gian tới.
18/05/2012
Quy hoạch mạng lưới chợ nông thôn ở Quản Bạ
HGĐT - Quy hoạch, mở mới chợ nông thôn ở những nơi có điều kiện là chủ trương lớn của tỉnh. Thực hiện chủ trương này, nhiều huyện, thành phố đã và đang tiến hành quy hoạch, sắp xếp hệ thống chợ nông thôn, mở mới chợ. Nhiều chợ nông thôn được hình thành, hoạt động có hiệu quả và trở thành đầu mối tiêu thụ nông sản của nông dân trong xã và các vùng lân cận, thúc đẩy phát triển
18/05/2012