Xanh màu Su su trên Lao Chải
HGĐT- Về với Lao Chải (Vị Xuyên) trong một buổi chiều, khi mà mặt trời vẫn cố hắt những ánh nắng chói chang xuống con đường đất bụi, như muốn cản bước chân người đi. Nổi lên giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng, dễ dàng nhận ra có một màu xanh của những giàn cây su su lay động trước gió. đó là một loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân trên xã vùng cao Lao Chải...
Trồng su su hàng hóa, hướng đi mới trong xóa đói, giảm nghèo ở Lao Chải.
|
Chiều trên Lao Chải
Là một xã vùng cao, giáp biên của huyện Vị Xuyên, đời sống của người dân nơi đây còn gặp vô vàn khó khăn. Cái khó nhất có lẽ là đường xá đi lại, hễ hôm nào trời mưa thì coi như mọi thứ đều phải “án binh bất động”, bởi Lao Chải chủ yếu là đất pha cát, ngấm nước nhanh mà khô cũng rất chóng nên nhiều nơi có nguy cơ sạt lở núi rất cao. Nhớ lại cách đây chưa lâu, có lần về Lao Chải, trời chỉ mưa phùn nhưng cũng đủ làm người đi đường phải khốn khổ bởi con đường lầy lội. Về đây, trực tiếp đi trên con đường đất “trơn như đổ mỡ” ấy mới thấm thía được cái khó, cái khổ của bà con trong những ngày sương gió.
Lao Chải được người dân nơi đây đặt cho cái tên “Sa pa thứ hai” bởi vào mùa đông, sương giăng khắp nơi, sương phủ kín chân đồi, len vào những ngôi nhà nằm bên sườn núi mang theo cái lạnh đến tê người. Mùa hè, dù có nắng nhưng đổi lại có nhiều gió nên cái nóng cũng dịu nhẹ đi nhiều. Chiều trên Lao Chải gió mỗi lúc một to, gió thổi vào vách núi rồi quét xuống lòng đường, khiến con đường độc đạo từ Quốc lộ 2 vào trung tâm xã Lao Chải vẩn bụi mù mịt. Thế nhưng, không thể cản nổi tầm mắt người đi đường khi nhìn vào những giàn su su xanh ngát trong nắng chiều.
Qua tìm hiểu được biết, xã Lao Chải được chia thành 3 thôn, là nơi sinh sống của 307 hộ với 1825 nhân khẩu, trong đó có tới 99% là dân tộc Mông. Đi cùng với đó là điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế không nhiều nên đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp, cây ngô, cây lúa cũng chỉ trồng một vụ nên cuộc sống cứ mãi bấp bênh. Nhìn những đứa trẻ nhem nhuốc, nhễ nhại mồ hôi, còi cọc, ngơ ngác khi có người khách lạ cũng đủ thấy nơi đây còn nghèo lắm.
Anh Mương Văn Lạc, Phó chủ tịch UBND xã Lao Chải chia sẻ: Để ngày một nâng cao đời sống cho người dân, những năm trở lại đây các cấp chính quyền từ huyện đến xã đã vào cuộc một cách quyết liệt, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tạo một bước đột phá trong phát triển kinh tế, giúp người dân dần thoát nghèo bền vững. Bên cạnh việc triển khai và hỗ trợ nông dân trồng các loại cây như chè, thảo quả, ngô lai... thì đến nay, có lẽ cây su su mang lại hiệu quả nhìn thấy rõ nhất.
Xanh ngát màu su su
Trải dọc con đường từ thôn Cáo Sào, dẫn vào trung tâm xã, quanh những ngôi nhà bên vệ đường là rất nhiều cây su su đang bắt đầu leo giàn. Từng cây khỏe khoắn xanh mướt vươn mình,bám vào giàn tre, gỗ được dựng lên vững chắc. Nhận thấy đặc điểm địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng của Lao Chải hợp với loại cây su su, với ý nghĩ không để đất nghỉ lãng phí, đầu năm 2011, UBND xã kết hợp với đội sản xuất số 6, thuộc Đoàn kinh tế quốc phòng 313 đóng trên địa bàn xã triển khai trồng thử nghiệm trên diện tích 1 sào (360 m2). Lặn lội lên tận xã Quyết Tiến (Quản Bạ) tìm giống về trồng, chăm sóc, hồi hộp hy vọng và sản lượng đạt được khiến những người trực tiếp trồng vui mừng đến ngỡ ngàng.
Tâm sự cùng anh Hoàng Ngọc Phong, đội trưởng đội sản xuất số 6 thuộc Đoàn kinh tế quốc phòng 313, được anh chia sẻ: “Người dân bên cạnh trồng ngô, lúa một vụ thì trồng thêm cây su su sẽ tăng thêm thu nhập rất lớn, bởi đây là loại cây cho thu hoạch cả ngọn lẫn quả với giá thành khá cao trên thị trường, trong khi đó vốn đầu tư không đáng kể”. Anh Phong là người trực tiếp chăm sóc, chứng kiến sự phát triển của cây su su và tổng kết thu hoạch nên đã khẳng định cây su su sinh trưởng tốt, cho sản lượng cao, đặc biệt là có thể để được giống cho vụ sau.
Theo tính toán, mỗi một sào cho thu hoạch 3 tạ ngọn, 4 tạ quả một vụ. Trong khi đó giá bán trên thị trường 18.000 đồng/1kg ngọn, 12.000 đồng/1kg quả. Một vụ su su thường thì tháng 3 trồng xong, đến tháng 5 đã cho thu hoạch tới tận tháng 11 trong năm. Giàn su su lấy ngọn thì một tháng cắt 3-4 lần, mang lại cho người dân nguồn thu nhập thường xuyên. Chính vì vậy mà năm 2011 Lao Chải còn 105 hộ nghèo, đến nay chỉ còn 92 hộ nghèo.
Bà con chỉ cần tận dụng những khoảnh đất quanh nhà, tốt nhất là chỗ ven chuồng trâu, bò, dê để trồng. Kỹ thuật trồng cây su su cũng rất đơn giản, chỉ cần đào hố 60cm x 60cm, lót phân chuồng ải, NPK, làm đất tơi rồi trồng mỗi hố 2 quả giống, cách nhau 30cm. Tùy vào người trồng muốn lấy ngọn hay lấy quả mà làm giàn khác nhau. Lấy ngọn thì giàn cao khoảng 1m và bón thêm đạm, còn lấy quả thì cao hơn để tiện trong chăm sóc và thu hoạch.
Theo chân người đội trưởng đội sản xuất số 6, có mặt tại thửa ruộng của gia đình anh Sùng Thái Lìn, thôn Cáo Sào mới thấy được bát ngát màu xanh của cây su su. Trong cái nắng vàng vọt khi chiều xuống, từng cơn gió thổi qua giàn cây su su càng làm cho lòng người thêm phấn khởi. Cây su su đang được triển khai trồng theo quy mô hàng hóa ở Lao Chải. Tính ngay từ thôn Cáo Sào vào trung tâm xã đã có 29 hộ tham gia trồng, được 238 hố với diện tích giàn 3800m2. Ngần ấy nếu chăm sóc tốt thì sẽ cho một sản lượng không nhỏ, đời sống của người dân sẽ ngày một nâng cao. Chia tay Lao Chải khi mặt trời đã xuống núi, tin tưởng rằng bà con nơi đây sẽ ngày một ấm nohơn nhờ loại cây mang tên... su su.
Ý kiến bạn đọc