Phát triển kinh tế, XĐGN ở Tả Ván
HGĐT- Trong chuyến đi công tác gần đây tại huyện Quản Bạ, tôi có dịp trở lại với xã Tả Ván - một xã biên giới của huyện và được nghe anh Nguyễn Đăng Hiếu, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Thời gian qua, xã Tả Ván được huyện Quản Bạ đánh giá có nhiều cố gắng trong việc phát triển kinh tế, XĐGN, góp phần không nhỏ vào công cuộc XĐGN ở địa phương.
Chăn nuôi bò hàng hoá - hướng ưu tiên của người dân xã Tả Ván (Quản Bạ).
|
Năm 2011, toàn xã xoá được gần 40 hộ nghèo, nguyên nhân chủ yếu đạt được thành quả đó là do cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã nỗ lực cùng nhân dân lồng ghép các chương trình, dự án của Nhà nước đang triển khai tại xã với việc phát triển ngành kinh tế chủ lực trồng trọt và chăn nuôi một cách khoa học, có trọng tâm, trọng điểm trên quy mô rộng, cụ thể: Lĩnh vực trồng trọt, chỉ tính riêng trong quý 1 năm 2012, mặc dù tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán kéo dài, nhưng diện tích gieo trồng các loại cây lương thực trên địa bàn xã vẫn không ngừng tăng lên. Đến nay, toàn xã đã có 556 ha diện tích gieo trồng cây lương thực, trong đó diện tích ngô 425 ha, lúa 68 ha, đậu tương 26 ha, dong giềng 25 ha, khoai lang 20 ha. Cơ cấu cây trồng ngày càng trở lên đa dạng, đã có sự chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá, đẩy mạnh phát triển các loại cây lương thực, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như lúa lai, ngô lai, đậu tương, cây lanh, thảo quả... trên diện rộng. Không chỉ vậy, cơ cấu cây trồng hiện nay của xã cũng đang được phát triển rất phong phú, bao gồm lúa nước, lúa nương, ngô lai, ngô địa phương, khoai lang, cây dong giềng, sắn và cỏ voi phục vụ cho việc chăn nuôi đại gia súc. Trong qúa trình phát triển các loại cây này, xã Tả Ván đặc biệt chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, có sự đầu tư, theo dõi tình hình dịch bệnh trên cây trồng của đội ngũ cán bộ khuyến nông xã, đảm bảo cây trồng luôn sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần vào nâng cao sản lượng lương thực, qua đó đã nâng mức lương thực bình quân theo đầu người của xã lên 600 kg/người/năm. Lĩnh vực chăn nuôi của xã cũng đang được khuyến khích phát triển theo hướng hàng hoá, không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng, trong đó tập trung chủ yếu vào các loại gia súc có giá trị kinh tế cao như lợn, bò, dê, trâu. Đây là những loại gia súc vừa cho hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và vừa tận dụng được sức kéo, phân bón phục vụ cho ngành trồng trọt. Chăn nuôi có sự chuyển biến tích cực từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát sang chăn nuôi hàng hoá, tập trung theo nhu cầu thị trường, có sự chăm sóc của đội ngũ cán bộ thú y cơ sở và gia đình, kết hợp trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Qua đó đã nâng tỷ lệ hộ khá, giàu tại địa phương, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Đăng Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tả Ván thì vấn đề phát triển kinh tế, XĐGN của xã vẫn chưa thực sự vững chắc, tình trạng tái nghèo vẫn xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa nắm được phương thức canh tác, làm ăn tiên tiến và một phần là do thiếu vốn đầu tư cho sản xuất. Trước thực tế trên, bài toán về phát triển kinh tế, XĐGN ở xã được đặt ra, trong năm 2012 trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế tại địa phương. Giải pháp trước mắt, xã đang kiên trì thực hiện là huy động sự đóng góp, giúp đỡ từ nhiều phía, thông qua các chương trình, dự án của tỉnh, huyện, phát huy tinh thần tự lực bằng sự đóng góp của nhân dân để tạo đòn bẩy. Đây được xem là giải pháp được nhiều địa phương áp dụng, dựa trên tinh thần tương thân, tương ái giữa cộng đồng. Nhưng về lâu dài, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục làm cuộc cách mạng về tư tưởng, tạo sự nhận thức trong dân làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng những thôn, hộ điển hình trong phát triển kinh tế để nhân ra diện rộng, phân cử những hộ có điều kiện, biết cách làm ăn chịu trách nhiệm hướng dẫn những hộ không có điều kiện, cùng dìu dắt nhau phát triển kinh tế, về phía chính quyền các cấp cần tiếp tục theo dõi, trợ giúp về vốn, khoa học kỹ thuật.
Không trông chờ ỷ lại, phát huy tốt nội lực trong dân, đẩy mạnhthâm canh, phát triển diện tích cây ngô, đậu tương, phát huy thế mạnh trồng cỏ gắn với chăn nuôi hàng hoá... đó là những nét chính đã và đang được Đảng ủy, chính quyền và người dân trong xã Tả Ván tích cực triển khai, thực hiện có hiệu quả. Với những định hướng, biện pháp triển khai phù hợp, xã Tả Ván sẽ còn có bước tiến mới, tạo đà để thoát nghèo trong những năm tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc