Nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch phục vụ cho bảo tồn và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
HGĐT - Những năm qua, du lịch Hà Giang nói chung, du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV) nói riêng đang ngày càng được du khách trong và ngoài nước quan tâm, biết đến. Đặc biệt là khi CNĐĐV được công nhận là Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu thì số lượng du khách đến Hà Giang ngày càng tăng. Để đáp ứng những nhu cầu mới trong việc bảo tồn, phát huy giá trị to lớn của CVĐC đòi hỏi chúng ta cần phải đánh giá lại thực trạng và chất lượng các hoạt động du lịch, dịch vụ cung cấp cho nhu cầu du lịch trên CNĐĐV nhằm phát huy bền vững giá trị to lớn của di sản này.
Tiến sĩ Nguyễn Lê Huy, Trưởng BQL CVĐC toàn cầu CNĐĐV trong buổi gặp mặt các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cho CVĐC CNĐĐV mới đây đã cho biết, trước cơ hội mới cho việc phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ, trong thời gian qua, mạng lưới kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã được phát triển. Các công ty du lịch, doanh nghiệp vận tải hành khách, các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Hà Giang và trên CNĐĐV tăng cả về số lượng, chất lượng. Sự xã hội hóa các hoạt động du lịch, dịch vụ ngày càng được phát huy. Nhờ đó, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư nâng cấp các trang thiết bị, nâng cấp các dịch vụ và đổi mới phương thức kinh doanh. Nhiều đơn vị đã đưa ra các sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn, kết hợp giữa các dịch vụ ăn, nghỉ với các loại hình hội thảo, hội nghị, cho thuê xe... Các đơn vị bước đầu có sự liên kết, tương trợ lẫn nhau để thu hút được nhiều khách du lịch. Các công ty kinh doanh vận tải hành khách của tỉnh cũng thể hiện sự cạnh tranh, phát triển mạnh, khiến cho việc đi lại từ Hà Giang – Hà Nội, Hà Giang – CNĐ ĐV và từ thành phố Hà Giang đi nhiều vùng sâu, vùng xa của các huyện khó khăn ngày càng dễ dàng, thuận lợi. Chất lượng các phương tiện vận tải cũng được nâng lên mạnh khi Hà Giang đã có những chiếc xe khách hạng sang giá trị hàng tỷ đồng. Từ những nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ nên năm 2011, chúng ta đã đón lượng khách đạt trên 300.000, một con số lớn nhất từ trước đến nay, góp phần đáng kể vào sự phát triển KT – XH của tỉnh.
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực nhằm khai thác tiềm năng du lịch của CNĐĐV nói riêng. Song, trước lượng khách đến với Hà Giang đang tăng lên từng ngày, điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải nhìn nhận, đánh giá lại thực trạng hoạt động du lịch, dịch vụ cung cấp cho CNĐĐV hiện nay. Theo thông kê, toàn tỉnh hiện chỉ có 2 công ty kinh doanh lữ hành quốc tế đang hoạt động, nhưng quy mô nhỏ, mới chỉ khai thác chủ yếu là thị trường nội địa. Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của tỉnh ta còn rất thiếu và yếu. Hiện toàn tỉnh chỉ có hơn 100 cơ sở lưu trú với 2 khách sạn hạt chuẩn 2 sao, 9 khách sạn đạt 1 sao, 89 nhà nghỉ du lịch. Các khách sạn, cơ sở lưu trú lại chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố Hà Giang, ở các huyện CNĐĐV thì lại rất ít, quy mô nhỏ, nghèo nàn về dịch vụ, một số xuống cấp những vẫn chưa được đầu tư lại... Từ đó, vào các dịp đông khách như lễ, tết, ngày nghỉ dài, lượng khách đến CNĐĐV đông khiến các nhà nghỉ ở đây quá tải. Bên cạnh đó, mặc dù hệ thống vận tải hành khách đã được phát triển, nhưng nhìn vào thực tế, chúng ta vẫn thấy rằng, để di chuyển từ Hà Nội lên với CNĐĐV mất rất nhiều chi phí về thời gian và tiền bạc. Đặc biệt là quốc lộ 4C từ Hà Giang – Đồng Văn vừa bé, vừa xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, đây là rào cản lớn đối với khách du lịch muốn đến khám phá CNĐĐV. Cùng với đó, mặc dù có sự đầu tư của Nhà nước và nhân dân trong việc xây dựng một số làng văn hóa du lịch cộng đồng ở CNĐĐV. Song, sự đầu tư còn chưa đồng bộ, chưa thể tạo thành điểm nhấn thu hút du khách bền vững bởi sự nghèo nàn về dịch vụ và nhân lực...
Từ thực trạng đó, mặc dù công tác quảng bá hình ảnh đã được đẩy mạnh. Song để có thể thu hút du khách đến với CVĐC một cách bền vững và để hình ảnh du lịch CNĐĐV ngày cảng trở nên ấn tượng là rất khó khăn. Chúng ta đang có những rào cản nhất định khi sự đầu tư cho hoạt động du lịch, dịch vụ hiện nay có vẻ giống như việc “đầu tư ngắn” để “cắn dài”. Vì thế, du khách tìm đến với CNĐĐV giường như chỉ là đi tìm sự hoang sơ của nó chứ chưa phải là đi thăm quan và nghỉ ngơi như thường thấy ở những nơi mà du lịch, dịch vụ được phát triển có tính quy hoạch cao. Trong khi đó, tình trạng du lịch “bao cấp” lên với Hà Giang và lên với CNĐĐV khá nhiều hiện nay đang làm cho hình ảnh ngành du lịch của chúng bị đánh giá thấp và trở thành ghánh nặng cho ngân sách địa phương...
Để phát huy bền vững giá trị của CVĐC, việc nâng cao chất lượng, mở rộng các hoạt động du lịch, dịch vụ được xem như là yếu tố quan trọng bậcnhất. Trên cơ sở đó, chúng ta cần phải thúc đẩy mạnh sự liên kết đầu tư giữa các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân phát triển du lịch, dịch vụ, tránh để tình trạng mạnh ai người nấy làm. Hiện nay, tiềm năng đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân cho vùng CNĐĐV còn rất hạn chế. Vì thế, việc nghiên cứu, liên kết để tạo nên một sản phẩm du lịch với đầy đủ các tiện ích cho hoạt động du lịch – dịch vụ trên CNĐĐV sẽ từng bước tạo ra được một dịch vụ du lịch hoàn hảo. Khi đó, chúng ta mới thoát khỏi cảnh mạnh ai người đó khai thác theo cách của mình.
Bài, ảnh: GIAO THƯ
Ý kiến bạn đọc