Hiệu quả từ hướng đi phát triển kinh tế ở Khuổi My

16:38, 27/04/2012

HGĐT- Khuổi My là thôn vùng sâu của xã Phương Độ, thành phố Hà Giang.Thôn có 47 hộ đều là dân tộc Dao, trước kia muốn xuống trung tâm xã phải đi bộ cả ngày trời, cuộc sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.


 

 Thảo quả là một trong những cây trồng chính giúp cho bà con thôn Khuổi My thoát nghèo.


Người dân trước đây sinh sống theo kiểu tự cung tự cấp, sống dựa vào cây lúa nước mỗi năm một vụ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, năng suất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Vậy mà những năm gần đây, phát huy lợi thế, địa hình, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống của bà con ngày một nâng lên, bộ mặt của Khuổi My đang đổi thay rõ rệt.


Nhắc đến Khuổi My, bà Nguyễn Thị Vân, Phó chủ tịch xã Phương Độ chia sẻ: ít ai biết rằng cách đây mấy năm trước, Khuổi My là thôn khó khăn của xã, đường giao thông đi lại đi rất khó, rồi nhiều hủ tục ma chay, cưới hỏilạc hậu đè nặng trong đời sống tinh thần và vật chất của người dân. Bà con luôn trong tình trạng “cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm”, nhưng giờ đã thay đổi nhiều lắm rồi.


Vượt con đường dốc gần 11km được bê tông hóa dẫn đến đầu thôn,chúng tôi đến Khuổi My vào một ngày cuối tháng Tư. Thôn Khuổi My hiện ra trước mắt, đẹp như một bức tranh với những ngôi nhà sàn lợp ngói lẫn trong màu xanh ngát của những thửa ruộng bậc thang. Nhà nào cũng lắp chảo thu sóng vô tuyến truyền hình, đầy đủ tiện nghi, vật dụng hiện đại trong gia đình thể hiện sự no ấm của toàn thôn. Có được những đổi thay ấy, bên cạnh sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, Đảng ủy và chính quyền xã đã mạnh dạn lập đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung vào phát triển cây thảo quả và cây chè San tuyết cổ thụ là hướng đi chính cho sự phát triển kinh tế xã hội của thôn. Lúc đầu cây thảo quả được trồng 1 ha, từ một vài hộ trồng thí điểm, đến nay cây thảo quả đã phát triển nhanh về diện tích và sản lượng tăng theo hàng năm. Năm 2007 diện tích thảo quả của thôn là 1 ha thì nay đã có hơn 29 ha trong đó có 20 ha đã cho thu hoạch, hầu hết các hộ dân đều có diện tích trồng thảo quả, thu nhập bình quân 15 triệu đồng/vụ. Thực tế cho thấy, những năm gần đây thảo quả là “cây vàng, cây bạc” làm đổi đời cuộc sống của bà con. Cùng với đó cây chè của thôn cũng khẳng định được lợi ích của mình, mang lại thu nhập đáng kể. Với 25 ha, chèđang trở thành cây trồng chính giúp bà con thoát nghèo. Nhờtrồng thảo quả và những cây chè, nhiều hộ gia đình đồng bào Dao ở Khuổi My có thu nhập bình quân trên 8triệu đồng/người/năm. Có thu nhập là có điều kiện phát triển mọi mặt của đời sống, năm 2010, Khuổi My được đầu tư làm đường mới với lòng đường rộng 3m, việc đi lại của bà con từ thôn đến xã, đến chợ được dễ dàng, các sản phẩm của bà con từ đó mà được thông thương, không bị ép giá do chi phí vận chuyển, mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế. Khu rừng thuộc địa phận của thôn là rừng già của dãy núi Tây Côn Lĩnh, có độ cao so với mực nước biển trên 1.000 mét, độ ẩm lớn, khí hậu mát mẻ, đây là lợi thế thiên nhiên ban tặng cho người dân của thôn trong việc mở rộng, phát triển trồng thảo quả và cây chè cổ thụ. Tận dụng những điều kiện tự nhiên, và diện tích rừng khá lớn, nhiều khe suối, thích hợp cho cây thảo quả sinh trưởng và pháp triển; cùng với kinh nghiệm lâu đời của người dân về chăm sóc chè San tuyết cổ thụ, nên giờ đây cả thôn đều phát triển hai loại cây trồng chính này. Bước sang năm nay, xã đã và đang có chủ trương nhân rộng mô hình trồng thêm 22,5ha cây thảo quả tại địa bàn của thôn, đây là tín hiệu vui, mang thêm thu nhập, lợi nhuận thiết thực cho người dân.


Mang lại hiệu quả kinh tế cao, là cây chủ lực phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, từ việc trồng và mở rộng diện tích thảo quả và chăm sóc những cây chè San tuyết cổ thụ, giờ đây nhận thức của người dân trong thôn đã được nâng lên, biết quý rừng vàcó ý thức trách nhiệm cao trong việc bảo vệ rừng. Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên, tình trạng tảo hôn, hủ tục thách cưới, rồi tổ chức lễ cưới linh đình, ăn uống lu bù nay không còn, người dân cần mãn lao động sản xuất. Ông Tương Văn Kẻng, trưởng thôn Khuổi My không giấu được niềm vui, bộc bạch: “Bây giờ trong thôn có 40 cái máy sao chè, 20 máy cày để phục vụ sản xuất, có thu nhập từ thảo quả và chè bà con trong thôn hầu hết đều phát triển kinh tế hộ gia đình, đầu tư trồng rừng, đào ao thả cá nuôi lợn, nuôi gà, tăng thêm thu nhập cho gia đình, có những nhà có đến 15 con trâu như gia đình ông Bách, ông Đán... những nhà ít thì cũng có vài con. Giờ thì nhà nào cũng có điện, có xe máy, ti vi, số hộ nghèo của Khuổi My giảm xuống đáng kể, nhiều hộ đã có nhà kiên cố, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, đường bê tông trong thôn cũng đang được bà con tích cực triển khai”.


Chia tay Khuổi My khi trời đã về chiều, từng đàn trâu lốc cốc khua mõ về đầu thôn, mọi người sau ngày lao động trong rừng, ngoài đồng ruộng đang hối hả trở về đoàn tụ cùng gia đình. Nhịp sống đang từng ngày đổi thay, với bản tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi hoàn cảnh của người dân nơi đây, chắc chắn Khuổi My sẽ đổi thay hơn, rạng rỡ hơn, hứa hẹn một sự phát triển bền vững, no ấm một vùng quê.


TRẦN THỊ HIỀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xanh màu Su su trên Lao Chải
HGĐT- Về với Lao Chải (Vị Xuyên) trong một buổi chiều, khi mà mặt trời vẫn cố hắt những ánh nắng chói chang xuống con đường đất bụi, như muốn cản bước chân người đi. Nổi lên giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng, dễ dàng nhận ra có một màu xanh của những giàn cây su su lay động trước gió. đó là một loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ
26/04/2012
BIDV Hà Giang - đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh
HGĐT- Ngày 26.4 này, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tròn 55 tuổi. 55 năm xây dựng, trưởng thành của BIDV gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước. Mỗi chặng đường đã qua, mỗi phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên mọi miền Tổ quốc đều có dấu ấn của BIDV. Là một đơn vị thành viên của BIDV, Chi nhánh BIDV Hà Giang cũng trải qua những thăng trầm với
25/04/2012
Vị Xuyên: Sơ kết 1 năm thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển chăn nuôi
HGĐT- Ngày 24.4, UBND huyện Vị Xuyên tổ chức hội nghị sơ kết để đánh giá 1 năm thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Dự hội nghị có các đồng chí trong BTV huyện ủy; lãnh đạo các ban, ngành và các hộ chăn nuôi tiêu biểu trong huyện.
24/04/2012
Tháng Tư trên công trường xây dựng Khu kinh tế biên mậu Giáp Trung
HGĐT- Sau gần một năm triển khai xây dựng, trong Khu phát triển kinh tế biên mậu, ổn định dân cư biên giới thôn Giáp Trung, xã Thàng Tín (Hoàng Su Phì) đã có nhiều hạng mục công trình được hình thành, nhiều hộ dân đến dựng nhà trên khu đất mới. Và nơi đây đang trở thành hình mẫu của chương trình đưa dân ra biên giới.
23/04/2012