Chuối ngự Tân Thành, cây kinh tế và “mô hình” tự phát của người nông dân
HGĐT- Nhiều năm qua, chúng ta vẫn hay nghe những trăn trở như “nuôi con gì, trồng cây gì”!?. Câu hỏi ấy được trả lời bằng không ít những mô hình nuôi, trồng các loại cây, con.
Chuối ngự Tân Thành, một đặc sản được tiêu thụ ngay tại địa phương.
|
Trong đó, có những mô hình thành công, được ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn, nhưng cũng có những mô hình đã thất bại với biết bao sự đầu tư của Nhà nước mà tìm người đứng ra chịu trách nhiệm cho sự thất bại ấy là rất khó. Nhưng trong thực tế, cũng có không ít những nơi, những hộ dân đã không trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, không mô hình, không dự án đầu tư mà tự đi tìm lời giải cho việc “nuôi con gì, trồng cây gì” và đã bước đầu tạo nên thành công như không ít hộ nông dân trồng chuối ngự ở một số thôn thuộc xã Tân Thành (Bắc Quang).
Đến thôn Tân Tấu, xã Tân Thành vào những ngày đầu tháng 4, khi mà những cây chuối ngự đang bước vào mùa thu chính. Hai ven đường, xuất hiện không ít hộ dân bày bán những nải chuối ngự vàng óng, phảng phất mùi thơm của một loại trái... cung đình. Dừng lại một quán ven đường và hỏi mua một nải chuối ngự chừng 15 quả, bà chủ quán có tên là Hà nói, bán rẻ cho các chú, chị lấy 20 ngàn thôi. Qua trao đổi, được biết, chuối ngự ra quả quanh năm, nhưng rộ rất là vào mùa nóng. Món quà quê đặc sản này chủ yếu là bán cho khách... thành phố chứ người quê chẳng mấy nhà dám dùng. Thấy chúng tôi tò mò muốn tìm hiểu về việc phát triển loại chuối này ở địa phương, chị chủ quán liền chỉ đến một gia đình trồng nhiều chuối ngự nhất ở Tân Thành với một câu nói, muốn xem thì được, nhưng muốn lấy giống không dễ đâu...!
Đến gia đình bác Vũ Văn Tỉnh, ở thôn Tân Tấu, một trong những gia đình trồng nhiều chuối ngự nhất ở đây. Tiếp chúng tôi, bác Tỉnh nhẩm đếm rồi cho biết, gia đình trồng được trên 100 gốc chuối ngự từ khoảng 5 năm nay. Trước đó, người dân ở Tân Tấu đã trồng loại chuối này từ khoảng 6 – 7 năm rồi. Chuối được lấy giống ở xã Tân Quang với số lượng rất ít rồi đem về trồng một cách lẻ tẻ. Dần dần, người dân thấy hiệu quả mới xin hoặc mua của nhau về nhân ra các thôn. Đến nay, riêng ở Tân Tấu, có vài hộ đã trồng được vài chục gốc chuối ngự, những hộ trồng 5 – 7 gốc thì cũng có khá nhiều. Bác Tỉnh cho biết, loại chuối này rất khó trồng, vì thế nên nhiều gia đình sau khi mua về trồng, do không biết chăm sóc, không hợp đất nên đã bị hỏng do các bệnh như bị gon nõn, bạc lá khiến cây chết hoặc không ra buồng... Chính vì thế, việc nhân rộng loại chuối này hiện chỉ có ở các thôn như Tân Tấu, Ngần Hạ, Ngần Trung với số lượng cũng không nhiều. Bác Tỉnh cũng cho biết, chỉ có những gia đình anh em thì mới lấy được giống, thậm chí có người trả 20.000đ/1 cây chuối con cũng không mua được.
Tìm hiểu được biết, chuối ngự Tân Thành chính là giống chuối ngự nổi tiếng ở xứ Huế.
Trao đổi với đồng chí Trần Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành, được biết, những năm qua, mặc dù có nhiều mô hình sản xuất, nhưng mô hình phát triển chuối của bà con ở các thôn Tân Tấu, Ngần Trung, Ngần Hạ là rất đáng ghi nhận. Bà con đã tự phát triển được một loại chuối không phải là giống bản địa. Cùng với việc tận dụng tốt lợi thế là đường Quốc lộ 2 đi qua nên bà con ở hai ven đường cũng rất dễ dàng tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, loại chuối này đang được địa phương khuyến khích bà con phát triển trở thành cây hàng hóa, đem lại nguồn thu nhập ổn định...
Sự thành công bước đầu của những hộ dân trồng chuối ngự ở Tân Thành cho thấy sự năng động trong việc tìm tòi các loại cây trồng và việc trồng chuối ngự xen kẽ với những loại cây ăn quả truyền thống để có thể khai thác nhiều loại cây quả trong năm. Tuy nhiên, bác Vũ Văn Tỉnh, một hộ trồng nhiều chuối ngự ở Tân Tấu tâm sự, trong điều kiện hiện nay, khi người nông dân đang phải tự mình tìm hướng sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm thì nếu việc nhân rộng loại chuối này một cách ồ ạt, thiếu tính toán thì chắc chắn người nông dân sẽ gặp bất lợi do nguồn cung quá dồi dào dẫn đến giá cả bất lợi cho người trồng.
Ý kiến bạn đọc