Bạch Đích – điểm sáng vùng biên

17:00, 16/04/2012

HGĐT - Lên với xã vùng cao, biên giới Bạch Đích (Yên Minh) đúng vào dịp bà con nông dân nơi đây đang khẩn trương làm đất, gieo cấy lúa vụ mùa. Tiếng máy phay đất rộn vang khắp các cánh đồng trong xã khiến tôi thực sự bất ngờ, ngỡ như mình đang đi giữa vùng đồng bằng bắc bộ. Tiếng máy cày cũng là dấu hiệu đầu tiên để tôi nhận biết về một xã vùng cao đang đổi mới và phát triển.


Máy cày thay trâu xuống đồng

 

Chúng tôi lên với xã vùng cao biên giới Bạch Đích vào một sáng cuối xuân. Ánh nắng ấm áp tràn ngập khắp núi đồi, ruộng đồng xua đi cái giá lạnh của mùa đông vừa mới đi qua. Tranh thủ thời tiết ấm áp, bà con trong xã khẩn trương xuống đồng, gieo cấy lúa vụ mùa. Chủ tịch Hội Nông dân xã Vàng Dũng Sèn dẫn tôi đến nhiều cánh đồng trên địa bàn để cảm nhận không khí làm mùa của bà con nông dân. Ở cánh đồng nào chúng tôi cũng thấy không khí náo nhiệt, vui vẻ bởi tiếng máy phay đất nổ rộn vang hòa cùng tiếng cười, nói của bà con. Ông Chủ tịch Hội Nông dân xã vui vẻ cho biết: “Xã vùng cao biên giới giờ đổi mới rồi, bà con biết đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, sản lương cây trồng và giải phóng sức lao động”. Khởi đầu cho phong trào này là vào năm 2010, một số hộ kinh tế khá giả, nhà có nhiều đất trồng lúa, ngô đã mạnh dạn mua máy phay đất từ bên Trung Quốc về sử dụng. Các hộ sử dụng máy phay đất vào sản xuất dẫn đến hiệu quả, ý nghĩa chông thấy ngay từ vụ đầu tiên. Trước hết nó giúp các hộ rút ngắn được thời gian làm đất, dẫn đến gieo cấy kịp thời vụ. Sử dụng máy phay đất nên ruộng lúa, nương ngô được cầy sâu, bừa kỹ, cây lúa phát triển tốt hơn. Không nhưng thế nó còn giúp giải phóng sức lao động cho bà con nông dân. Nhìn thấy lợi ích từ việc đầu tư máy phay đất vào sản xuất, đến năm 2011 và đầu năm nay, nhiều hộ nông dân trong xã đăng ký mua máy phay đất, huyện cũng khuyến khích bà con cơ chế hỗ trợ 40% tổng kinh phí mua may. Đến nay, hầu khắp các thôn trong xã đều có máy phay đất với tổng số 177 cái. Ông Chủ tịch Hội Nông dân nói vui: “Bây giờ trên khắp các cánh đồng lúa, nương ngô vào vụ sản xuất tuyệt nhiên không còn cảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau nữa”, đó thực sự là cuộc cách mạng lớn trong tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con vùng cao biên giới”. Rẽ xuống cánh đồng thôn Nà Sàng 3, chúng tôi gặp anh Nguyễn Sinh Giáp, nhà ở thôn Nà Sàng 3 khi anh đang sử dụng máy để làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa mùa. Rừng tay máy, anh tâm sự: “Nhà tôi có gần 4 ha ruộng lúa và nương ngô. Trước kia, muốn hoàn thành việc cày, bừa cần có mấy con trâu làm hàng tuần mới hoàn thành việc cày, bừa, vất vả vô cùng. Năm 2010, tôi mua 1 cái máy phay đất từ bên Trung Quốc về sử dụng, từ ngày có máy, gia đình tôi không phải thuê người làm đất như trước kia nữa, cày, bừa hơn 2 ha ruộng lúa cũng chỉ cần hơn ngày là hoàn thành, rất tiện lợi và nhàn hạ. Không những thể, làm đất bằng máy cũng kỹ hơn, nhờ đó năng suất ngô và lúa tăng cao hơn so với trước khi mua máy”. Xã Bạch Đích có tổng số 136 ha đất trồng lúa, trong đó có 44 ha đất trồng lúa 2 vụ. Trong mấy năm trở lại đây, năng suất, sản lượng lúa ở xã luôn đứng trong tốp đầu trên địa bàn huyện. Riêng trong năm 2011, năng suất lúa ở xã đạt cao nhất huyện, đạt bình quân gần 62 tạ/ha, cánh đồng thâm canh đạt 86 tạ/ha, sản lượng thóc đạt 1.106 tấn. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Bình cho biết: “Không chỉ riêng cây lúa mà hầu hết các loại cây lương thực, hoa màu khác như ngô, đậu tương, rau xanh đều đạt năng suất, sản lượng cao. Có 4 yếu tố chính để tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ đó là: Bà con đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất; trình độ thâm canh được nâng cao nhờ kế thừa trình độ sản xuất truyền thống từ trước cũng như hấp thụ được tiến bộ sản xuất từ nước bạn Trung Quốc; tỷ lệ diện tích lúa, ngô, đậu tương được trồng bằng giống mới cao; hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu kịp thời. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, Bạch Đích đã đảm bảo an ninh lương thực, không còn hộ thiếu đói, nhiều hộ còn dư thừa lượng thực”.   



         Người dân xã Bạch Đích sử dụng máy cày thay trâu làm đất.
 

Một xã có 3 chợ phiên

 

Ngoài trung tâm thành phố, các thị trấn thì Bạch Đích là xã duy nhất trên địa bàn tỉnh ta có đến 3 chợ phiên họp đều đặn và động đúc hàng tuần: Chợ Cửa khẩu Bạch Đích; chợ Bản Muồng và chợ Tráng Lệ. Chợ nào cũng đông người mua, kẻ bán phần nào trứng minh sự giao thương hàng hóa mạnh mẽ và khẳng định sự phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa của người dân trên địa bàn. Nhờ có chợ nên hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có sự phát triển vượt bậc so với các xã trong khu vực. Toàn xã có gần 100 hộ kinh doanh, buôn bán hàng hóa và làm dịch vụ. Đó là những người nông dân thực thụ, hàng ngày gắn bó với ruộng lúa, nương ngô nhưng khi đến ngày chợ họ lại “lột xác” trở thành những tiểu thương buôn bản đủ các loại hàng hóa, từ cây kim, sợi chỉ cho đến buôn bán quần áo, làm hàng ăn... qua đó tạo sự đa rạng về thu nhập, cuộc sống kinh tế ổn định, khấm khá hơn. Nói về chợ, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Bình nhận định: “Trên địa bàn xã vùng cao mà có đến 3 chợ phiên họp hàng tuần, đó là điều kiện giúp địa phương phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ. Đặc biệt, việc thường xuyên tiếp xúc với môi trường kinh doanh, thường xuyên xuống chợ giúp các hộ thay đổi tư duy phát triển kinh tế. Bà trong xã giờ đây hộ nào cũng biết phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Trong đó mạnh nhất là phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm”. Toàn xã có 592 hộ đang sinh sống ở 19 thôn, hộ nào cũng phát triển chăn nuôi. Bà con xưa kia chỉ nuôi để phục vụ nhu cầu của gia đình, nay đã biết đầu tư truồng trại kiên cố để chăn nuôi hàng hóa. Nhà nuôi ít cũng có vài ba con lợn thịt, còn có đến 50% số hộ trong xã nuôi bình quân 10 con/lứa, còn gia cầm thì nhà nào cũng có vài chục cho đến hàng trăm con gà, ngan, vịt. Bà con chăn nuôi lợn và gia cầm rất có lãi bởi sản xuất nông nghiệp phát triển, ngô, lúa dư thừa bà con để giành phát triển chăn nuôi. Gia đình chị Lầu Thị Don, nhà ở thôn Na Ca là một trong số rất nhiều hộ trong xã phát triển chăn nuôi lợn thịtvà gia cầm, hiện tại trong truồng nhà chị đang có 9 con lợn thịt, mỗi con cũng gần 1 tạ. Chị Don cho biêt: “Nhà mình tập trung phát triển chăn nuôi lợn, gà mấy năm gần đây. Năm nào cũng nuôi gần 2 lứa lợn, mỗi lứa khoảng chục con. Chăn nuôi lợn giúp gia đình nhà mình tích cóp được khoản tiền lớn. Còn tiền tiêu pha hàng ngày là nhờ gà, vịt...”. Nhờ bà con tích cực phát triển sản xuất, chăn nuôi hàng hóa nên phiên chợ nào trong xã cũng đầy ắp các sản phẩm của bà con làm ra, các phiên chợ trên địa bàn cứ thế mà phát triển, đông đúc hơn. Chợ và sản xuất, chăn nuôi hàng hóa có sự tác qua lại, giúp xã Bạch Đích ngày thêm phát triển.

 

Bạch Đích đang có sự phát triển khá toàn diện cả ở thôn nội địa cũng như thôn biên giới. Hiện xã đã có trên 50 hộ khá giàu; năm 2011 đã xóa được 120 hộ nghèo góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn gần 20%, xã phấn đấu cơ bản xóa xong hộ nghèo trong năm 2012. Tỷ lệ hỗ nghèo trên địa bàn vẫn còn nhiều nhưng các hộ vẫn đủ lương thực ăn trong năm. Kinh tế phát triển kéo theo sự phát triển trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Thời điểm hiện tại, xã đang tập trung xây dựng nông thôn mới ở tôn Đồng Sao và Bản Muồng 5. Trung tâm xã cũng đang được huyện đầu tư để trở thành thị tứ đổi mới. Khu kinh tế cửa khẩu Bạch Đích cũng đang được đâu tư xây dựng. Đời sống kinh tế của người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn đang dần đổi mới, Bạch Đích thực sự là điểm sáng trên vùng cao, biên giới Hà Giang.

 

                                                                Bài, ảnh: KHÁNH TOÀN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hiệu quả từ mô hình trồng cây khoai tây ở thị trấn Đồng Văn
HGĐT- Trong những năm trở lại đây, thị trấn Đồng Văn với việc làm tốt công tác tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tìm ra những loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của vùng cao nguyên đá, đã tạo ra bước đột phá về năng suất, sản lượng. Nhiều mô hình đã được áp dụng, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, trong đó hiệu quả từ mô
30/03/2012
Thành phố Hà Giang đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch
HGĐT- Với lợi thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, xã hội của tỉnh. Những năm gần đây thành phố đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và xác định lấy thương mại, dịch vụ, du lịch là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế cho những năm tiếp theo.
30/03/2012
Hà Giang, chỉ số CPI tháng 3 tăng 0,07%
HGĐT- Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng toàn tỉnh trong tháng 3 tăng 0,07% so với tháng 2và tăng 14,87% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng có chỉ số giá tiêu dùngtăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (tăng 0,07%). Có 10/11 nhóm hàng tăng, trong đó có 1/11 nhóm hàng tăng trên 2%. Đây là mức thấp dù giá một số mặt hàng được điều chỉnh tăng.
30/03/2012
Họp Ban vận động và quản lý, sử dụng vốn ODA tỉnh
HGĐT- Chiều 28.3, Ban vận động và quản lý, sử dụng vốn ODA tỉnh tiến hành họp để đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ quý I; thông qua dự thảo quy chế hoạt động.
29/03/2012