Thành phố Hà Giang đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch
HGĐT- Với lợi thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, xã hội của tỉnh. Những năm gần đây thành phố đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và xác định lấy thương mại, dịch vụ, du lịch là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế cho những năm tiếp theo.
Hiện nay thành phố có trên 1.600 cơ sở và hộ kinh doanh trên địa bàn, hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Hệ thống bán buôn, bán lẻ hàng hóa ngày càng phát triển đa dạng, hiện đại như siêu thị, shop, quầy bán hàng tự chọn, giao hàng tại nhà... Hoạt động của chợ trung tâm và các chợ xép đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng được nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa. Riêng chợ trung tâm có 202 hộ kinh doanh cố định, thu hút trên 2000 lao động làm ổn định trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ tạo điều kiện cho việc thông thương hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Giá trị thương mại dịch vụ năm 2011 đạt 1.393 tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với năm 2005. Ngoài ra hệ thống siêu thị ngày càng phát triển. Hoạt động kinh doanh dịch vụ cũng phát triển nhanh, đa dạng phong phú đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, với các lọai hình dịch vụnhư: dịch vụ thuê xe tự lái, taxi, viễn thông, thẩm mỹ, ẩm thực, lưu trú du lịch...doanh thu từ các loại hình dịch vụ đạt trên 120 tỷ đồng. Bà Đào Thu Thủy, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: những năm qua với lợi thế là trung tâm giao lưu kinh tế, xã hội của tỉnh nên kết cấu hạ tầng kinh tế được quan tâm chú trọng, tốc độ đô thị hóa cũng tăng nhanh hơn. Không chỉ những hộ cá thể trong mà cả ngoài địa phương cũng tìm đến đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhiều hộ kinh doanh đã đầu tư vốn và mở rộng kinh doanh cũng cho hiệu quả cao, nhất là những hộ sống gần trung tâm chợ lớn.
Nằm cách thành phố 20km, Khu cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy đã được Chính phủ ban hành cơ chế chính sách tài chính nhằm phát triển thành một khu kinh tế năng động, đây là cơ hội để thành phố chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển thương mại dịch vụ và du lịch đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giao dịch thương mại với các đô thị vùng biên của nước bạn. Thành phố đã và đang tập trung huy động các nguồn lực để phát triển toàn diện về dịch vụ du lịch với hình thức vừa đầu tư vừa khai thác, đẩy mạnh tăng cường và phát triển đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, du lịch gắn với hoạt động dịch vụ. Thành phố đã hoàn thành quy hoạch tổng thể du lịch đối với trung tâm bao gồm: Khu du lịch Núi Cấm, làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Tày. Hiện nay, với 4 khu du lịch sinh thái, 10 điểm tham quan, 3 làng văn hóa du lịch, 4 đơn vị lữ hành du lịch với 50 cơ sơ lưu trú (trong đó có 4 khách sạn đạt chuẩn 1 sao, 3 khách sạn 2 sao), trên 400 cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực (với 56 nhà hàng, 360 quán ăn vừa và nhỏ) với nhiều món ăn đậm đà bản sắc dân tộc đã thu hút đông đảo khách du lịch và tạo dấu ấn riêng biệt đối với mọi người. Nhiều nhà hàng khách sạn đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách với nhiều phòng nghỉ lịch sự. Liên kết phát triển các tua du lịch của thành phố với các khu điểm trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia các dự án phát triển du lịch, để quảng bá giới thiệu vềtiềm năng thế mạnh của địa phương.
Theo ông Đỗ Văn Như, Trưởng phòng Văn hóa thành phố, mục tiêu phát triển du lịch của thành phố là đẩy mạnh thu hút du khách qua việc tổ chức lễ hội, hiện nay trên địa bàn có 3 lễ hội cấp thành phố gồm: lễ hội Lồng Tồng tổ chức vào đầu xuân tại 3 xã của thành phố; lễ hội Đền vào tháng 2 âm lịch và lễ hội đường phố vào dịp Tết trung thu. Tất cả các lễ hội đều được phục dựng trên cơ sở lễ hội truyền thống để trở thành dịp sinh hoạt văn hóa của người dân và thu hút khách du lịch về thăm Hà Giang. Tại những buổi lễ hội đều tổ chức các phần thi, khâu chấm thi và trao giải được thực hiện nghiêm túc, công bằng để động viên, khuyến khích nhân dân hào hứng tham gia.
Để nâng cao chất lượng hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, thành phố đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, tăng cường giới thiệu quảng bá các tiềm năng thế mạnh của địa phương, thu hút vốn đầu tư, xây dựng các cơ sở hạ tầng khang trang hiện đại từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, văn minh thương mại để hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế. Đầu tư xây mới, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống chợ, mở chợ đêm, đảm bảo hoạt động nề nếp có hiệu quả. Duy trì, củng cố chợ phiên các xã ngoại thành, thực hiện quy hoạch các tuyến phố dịch vụ theo ngành nghề, các khu văn hóa ẩm thực gắn với xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị, văn minh thương mại, ra mắt thêm các làng văn hóa du lịch cộng đồng, phát triển các tua tuyến du lịch liên huyện, liên tỉnh trong và ngoài nước. Mở rộng các loại hình dịch vụ như Viễn thông, thẩm mỹ, tín dụng ngân hàng và nhiều loại hình dịch vụ khác, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên môn phục vụ trong các ngành dịch vụ, du lịch...
Với những bước đi đúng đắn và đột phá trong lĩnh vực phát triển kinh tế, trong một tương lai không xa, Thành phố sẽ phát triển nhanh và bền vững, tạo một dấu ấn riêng cho một thành phố trẻ, năng động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.
Ý kiến bạn đọc