Hiệu quả từ mô hình trồng cây khoai tây ở thị trấn Đồng Văn
HGĐT- Trong những năm trở lại đây, thị trấn Đồng Văn với việc làm tốt công tác tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tìm ra những loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của vùng cao nguyên đá, đã tạo ra bước đột phá về năng suất, sản lượng. Nhiều mô hình đã được áp dụng, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, trong đó hiệu quả từ mô hình trồng cây khoai tây mang lại là rất lớn...
Mô hình trồng cây khoai tây tạo ra một hướng đi mới trong xóa đói, giảm nghèo trên Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Vào những ngày trung tuần tháng 3, dạo quanh thị trấn Đồng Văn, thấy trên mỗi thửa ruộng, rải rác lại có đám đông cần mẫn thu hoạch khoai tây. Cái nắng nhẹ không đủ làm nóng người, nhưng trên mỗi khuôn mặt của người nông dân lấm tấm mồ hôi, chứa đựng trong nét tươi cười, phấn khởi đó, chúng tôi nhận thấy rằng đây là vụ khoai tây thắng lợi.
Trò chuyện với Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đồng Văn, đồng chí Lương Đình Đoàn chia sẻ: “Cây khoai tây được người dân đưa vào trồng rải rác ở một số nơi trên địa bàn huyện, nhưng do chưa có kỹ thuật chăm sóc nên không mang lại nhiều hiệu quả. Cuối năm 2011, chúng tôi triển khai trồng theo mô hình và đạt được năng suất rất cao”. Theo như đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện Đồng Văn thì việc đưa cây khoai tây vào trồng vụ đông - xuân hàng năm đã được xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và được bàn đưa ra Nghị quyết gieo trồng 80 ha. Đến UBND thị trấn Đồng Văn, được anh Dương Ngọc Đức, Chủ tịch UBND thị trấn niềm nở: “tuy gặp nhiều khó khăn trong triển khai mô hình trồng cây khoai tây trên địa bàn, như khó làm đất, độ PH trong đất cao, thiếu nước... nhưng do chủ động và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc nên năng suất đạt được ngoài dự kiến”. Theo đó, bà con được hỗ trợ toàn bộ giống và phân bón hóa học, người dân chỉ cần chuẩn bị đất, phân chuồng và thực hiện theo đúng hướng dẫn.
Kỹ thuật trồng cây khoai tây với định mức phân chuồng 16-20 tấn/ha, phân đạm u-rê 120-150 kg/ha, phân lân 250-300 kg/ha, phân ka-li 120-150 kg/ha. Mật độ hàng cách hàng 60cm, hốc cách hốc 30cm, mật độ 45.000-50.000 khóm/ha, sau mọc kiểm tra, tỉa để lại mỗi khóm 3-4 cây. Để mô hình mang lại hiệu quả cao nhất, UBND thị trấn đã phân công các thành viên phụ trách và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Chính vì vậy, chỉ sau 4 tháng, loại cây này đã cho thu hoạch với năng suất và sản lượng bình quân ước đạt 20-21 tấn/ha.
Để cảm nhận rõ hơn niềm vui của người dân về vụ khoai tây thắng lợi, chúng tôi cùng anh Dương Ngọc Đức, Chủ tịch thị trấn Đồng Văn có mặt tại một số thửa ruộng mà bà con đang thu hoạch. Trên thửa ruộng của gia đình chị Cầm Thị Nghĩa, bên cạnh những bao tải lớn đựng đầy củ khoai tây, nhanh tay thu những củ khoai tây đang nằm ngổn ngang, chị vui vẻ: “năm nay được mùa lắm, có thêm loại củ này nên gia đình rất phấn khởi và cuộc sống cũng khá hơn”. Theo như chia sẻ của người dân thì sau khi thu hoạch sẽ phân loại lấy củ bé làm giống cho vụ sau, còn củ to sẽ làm thương phẩm bán ra thị trường.
Hiệu quả kinh tế trực tiếp và hiệu quả xã hội mà cây khoai tây mang lại theo như hạch toán và đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện Đồng Văn thì bình quân mỗi ha lãi 41.050 triệu đồng, giải quyết việc làm tại chỗ cho 1.662 hộ tham gia trồng, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ. Góp phần tăng sản lượng lương thực, thực phẩm của huyện, tăng thu nhập cho người dân, ổn định an ninh lương thực tại chỗ và ổn định chính trị địa phương. Qua mô hình trồng cây khoai tây, có thể khẳng định cây khoai tây có khả năng phát triển tốt trong vụ đông – xuân và thiết lập được công thức luân canh lúa mùa + khoai tây đông xuân. Đồng thời giúp người nông dân tiếp thu nhanh và áp dụng những tiến bộ KHKT đầu tư thâm canh tăng năng suất, thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Trong nhiều năm qua, được sự hỗ trợ, quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều loại cây trồng, vật nuôi được đưa vào nuôi trồng. Cuộc sống của người dân đã bớt đói nghèo. Mô hình cây khoai tây đã mở ra một hướng đi mới cho nhân dân vùng cao núi đá thực hiện gieo trồng tăng vụ. Tuy nhiên, để góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào huyện Đồng Văn cần có sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể. Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư giống và thu mua tiêu thụ sản phẩm cho nông dân sau thu hoạch, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước – nhà nông – nhà doanh nghiệp.
Ý kiến bạn đọc