Đột phá trong phát triển kinh tế ở Nà Thác
HGĐT - Đến nà thác - một thôn vùng sâu của xã phương độ (thành phố Hà Giang) được nghe phản ánh sự đổi thay trong đời sống củahơn 60 hộ dân đồng bào dao nơi đây, đang tiến những bước vững chắc nhờ sự năng động trong phát triển kinh tế bằng những cách làm mang tính đột phá.
Thông điệp từ những con số
Lên thăm thôn Nà Thác vào một ngày nắng đẹp theo lời mời của chàng trai bản có tên Bàn Văn Thạu, chúng tôi thực sự bị thuyết phục không chỉ bởi vẻ đẹp của những đồi cọ, của những vườn chè Shan trải rộng, mà còn bị lôi cuốn bởi những câu chuyện làm kinh tế của người dân.
Người dân Nà Thác lắp ráp máy cày mi ni để cung cấp ra thị trường.
Nà Thác bị cách biệt bởi địa hình, giao thông và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên khó khăn ấy không ngăn được sự cần cù, chịu khó và ý chí làm giàu của người dân. Còn nhớ trước đây, con đường độc đạo lên Nà Thác xa xôi cách trở, như sợi dây thừng vắt ngược lên triền dốc, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc thường xuyên... Nhưng hôm nay, Nà Thác đang từng ngày “thay da đổi thịt”, nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình xuất hiện, nhiều cách làm hay, hiệu quả trong phát triển kinh tế đang giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững. 61 hộ dânchỉ với 25 ha đất trồng cây thảo quả và 31 ha cây chè Shan tuyết cổ thụ, một ít diện tích đất sản xuất lúa... nhưng cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 10 triệu đồng/người. Trên 80 % hộ gia đình có máy cày sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, gần 100 %hộ dân đã di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà ở và láng nền nhà xi măng, gần 100% đường giao thông nội thôn đã được cứng hóa, mỗi năm phối hợp với xãtổ chức 6 - 7 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phát triển sản xuất cho người dân, thôn chỉ còn 11 hộ nghèo và không còn nhà tạm, thành lập được một HTX dịch vụ chế biến nông, lâm sản... Đó thực sự là những con số ấn tượng mang thông điệp về sự năng động trong phát triển kinh tế của người dân Nà Thác như lời nhận xét của người đứng đầu Đảng ủy và chính quyền xã Phương Độ Nguyễn Xuân Diệu: “Nà Thác khó về điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp hơn so với các thôn vùng thấp nhưng lại là một trong những thôn “tốp đầu” trong phát triển kinh tế của xã. Có được thành công ấy, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành thì Nà Thác đã phát huy được lợi thế địa phương từ chính trong khó khăn cùng với ý chí vươn lên thoát nghèo và sự năng động của người dân...”.
Và cách làm ăn mang tính đột phá
Có thể không xa lạ với một địa phương vùng thấp, nhưng ở một thôn vùng cao, địa hình phức tạp, khó khăn như Nà Thác thì hình ảnh hàng loạt chiếc máy cày cùng xuống đồng thay cho sức kéo của con trâu, con bò quả thật là một sự đột phá đầu tiên đáng ghi nhận. Nếu ai bảo trình độ thâm canh của người dân vùng cao còn hạn chế thì điều đó giờ không còn đúng với người dân Nà Thác. Đưa cơ giới hóa vào sản xuất và sử dụng các loại giống mới, thâm canh cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng là điều mà Nà Thác đang thực hiện một cách hiệu quả. Có mặt tại gia đình anh Bàn Văn Thạu khi mọi người đang tập trung hoàn thiện chiếc máy cày mi ni tự lắp đặt. Phân trần về sự tò mò của chúng tôi, anh Thạu chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi mua máy cày về để phục vụ sản xuất, sau đó tự nghiên cứu, học hỏi về cách lắp đặt, giờ chỉ cần mua phụ tùng về là mình tự lắp được máy cày, giá lại rẻ hơn rất nhiều. Người dân Nà Thác đủ máy cày để dùng rồi, lại lắp để đi bán cho bà con nơi khác thôi, thu nhập từ công việc này rất khá”. Câu chuyện giản đơn tưởng như chẳng có gì ấy lại chứng minh một điều rằng người dân Nà Thác rất năng động và chịu khó học hỏi. Trong khi chiếc máy cày mới đang thu hút sự chú ý của mọi người thì ông trưởng thôn Lý Văn Hơn lại góp vào câu chuyện làm ăn của bà con bằng thương hiệu chè Shan Nà Thác: “Tận dụng lợi thế về diện tích chè Shan tuyết cổ thụ có sẵn và kinh nghiệm chế biến chè lâu đời của người dân nên giờ đây gần 100 % hộ dân trong thôn đều phát triển cây chè,mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. HTX chế biến nông, lâm sản Nà Thác được thành lập từ cuối năm 2011, thương hiệu Chè Nà Thác dù mới góp mặt trên thị trường với mẫu lôgô được đăng ký bản quyền, nhưng đã nhanh chóng được đông đảo người tiêu dùng đón nhận và thời điểm hiện tại Nà Thác không đủ chè để cung cấp cho thị trường”. Chè shan Nà Thác là một sự khởi đầu tốt đẹp, là một bước ngoặt tạo đà cho việc khuyến khích người dân phát triển kinh tế từ cây chè đồng thời góp phần bảo vệ những vườn chè cổ thụ hàng trăm tuổi trên địa bàn. Bên cạnh đó, cây thảo quả cũng đang chiếm một vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống của người dân. Nhiều hộ gia đình đã giàu lên nhờ thảo quả. Cùng với cây chè, nó đang trở thành cây trồng chính giúp người dân Nà Thác thoát nghèo. Một điều nữa hấp dẫn chúng tôi khi đi thăm các hộ gia đình ở Nà Thác là phần lớn họ đều phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình. Dù quy mô còn nhỏ nhưng hàng trăm con gà, lợn, hay hàng đàn cá quẫy nước kia không chỉ phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày của người dân trong thôn mà còn góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho đồng bào. Được biết, năm nay thôn Nà Thác mới được xã Phương Độ triển khai xây dựng nông thôn mới, nhưng người dân đã tự ý thức nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần, đạt nhiều kết quả tốt, là tiền đề để thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong thời gian tiếp theo.
Một ngày “mục sở thị” Nà Thác, giờ thì chúng tôi tin lời mời chào hấp dẫn của chàng trai Thạu về cuộc sống mới của người dân Nà Thác là có thật và tin rằng Nà Thác sẽ không còn cảm giác xa xôi, lặng lẽ mà thay vào đó là nhịp sống sinh sôi đang trỗi dậy giữa núi rừng...
Ý kiến bạn đọc