Cần nâng cấp cải tạo đường vào xã Cao Bồ (Vị Xuyên)

16:49, 14/03/2012

HGĐT- Cao Bồ là một trong những xã vùng III của huyện Vị Xuyên nên còn muôn vàn gian khổ. Đây chính là cảm nhận đầu tiên đối với những ai dù lần đầu tiên đặt chân tới mảnh đất này. Vẫn con dốc dài tưởng như vô cùng, lắm cua, nhiều suối, "ổ gà, ổ voi"... làm cho chúng tôi luôn phải gồng mình lên để đến với mảnh đất "gần mà xa" của huyện Vị Xuyên. Và, có vậy mới thấu hiểu được sự "gồng mình" vượt khó đi lên của bà con nơi đây...


 

 Đường vào thôn Lùng Tao đi lại rất khó khăn nhất là vào mùa mưa.


Khác với những lần trước, vì trước khi bắt đầu hành trình ngược dốc lên với mảnh đất có hơn 95% dân tộc Dao đang sinh sống, để tìm hiểu về điều kiện ăn ở, sinh hoạt, sản xuất của người dân nơi đây. Nhất là sau khi thực hiện theo dự án bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm đến định cư tại thôn Làng Tao, bà con đã được gì và đang cần những gì!?


Lùng Tao thuộc xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên. Mặc dù chỉ cách Thành phố Hà Giang 28 km và cách trung tâm huyện lỵ Vị Xuyên 27 km. Từ Quốc lộ 2 rẽ vào, chỉ khoảng trên, dưới 2 giờ đồng hồ vất vả leo dốc, tránh ổ gà, vượt suối... Chúng tôi đã có măt tại thôn Lùng Tao. Và nếu theo cảm nhận đầu tiên khi mới đến đây, chính là Lùng Tao có một lợi thế rất lớn về du lịch. Vì nơi đây có cảnh quan đẹp và phong phú bởi rừng nguyên sinh đại ngàn, là nơi hợp lưu của 3 dòng suối với nhiều ghềnh thác hùng vĩ và đặc sắc. Du khách sẽ cảm nhận được một khung cảnh thật thanh bình, một vẻ đẹp nguyên sơ của bản làng dân tộc vùng cao.


Đến với Lùng Tao, du khách sẽ thấy thích thú với những ngôi nhà sàn dựng theo kiểu rất đặc trưng khá cao, rộng rãi và thoáng mát; kiến trúc nhà sàn lợp lá cọ còn giữ nguyên bản sắc dân tộc, nếp sinh hoạt cũng như về trang phục còn tương đối giữ nguyên vẹn. Đây chính là một trong những lợi thế to lớn cho phát triển du lịch khám phá gắn liền với duy trì, bảo tồn những nét đặc sắc, truyền thống của người Dao tại thôn... nếu thực hiện tốt và tạo được sự gắn kết trong tour du lịch khám phá Khu du lịch Pan - Hou, xã Thông Nguyên. Chính là một điểm nhấn, trợ lực cho bà con nhân dân vươn lên làm giàu bằng chính nguồn nội lực, thế mạnh sẵn có của địa phương... Tuy nhiên, đó mới chỉ là những điều mong muốn trong tương lai xa. Còn hiện nay, cuộc sống nơi đây vẫn còn nhiều điều phải nhắc tới bởi sự thiếu thốn đã tồn tại bao năm nay, gắn bó với người dân tưởng như không thể thay đổi... Người bạn đồng hành cũng chúng tôi đã phải thốt lên khi vào tới thôn: “Tại sao chỉ có hơn 20km đường mà không biết đến khi nào mới hoàn thiện để người dân đỡ vất vả...?”. Quả đúng vậy! Một con đường hoàn chỉnh chính là một trong những điều mong muốn nhất của người dân nơi đây và cần phải làm ngay. Vì dù ở bất cứ nơi nào, nếu cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm mà không đảm bảo thì nền kinh tế ở đó và nhất là kinh tế hộ gia đình rất khó phát triển. Mặc dù, nơi đây có rất nhiều thế mạnh để phát triển. Trưởng thôn Đặng Văn Tài, một người sinh ra và lớn lên tại đây tâm sự: “Nếu cho chúng tôi một con đường tử tế, thì chắc chắn tỉ lệ hộ nghèo sẽ giảm nhanh lắm. Vì quê tôi có nhiều sản phẩm đã thực sự trở thành hàng hóa nhưng do việc vận chuyển khó khăn, tự người dân mang đi bán thì không được nhiều mà dân buôn vào làng mua thì hay bị ép giá. Nên nguồn thu nhập bị hạn chế theo chính con đường đấy...”. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tổng diện tích chè toàn xã có gần 1.000ha, sản lượng thu hoạch trong năm 2011 đạt trên 1.500 tấn chè búp tươi, nhưng giá bình quân chỉ hơn 5.000 đồng/kg, tính riêng về thu hoạch và bán chè tươi thì toàn xã Cao Bồ trong năm 2011 đã thu về trên 8 tỷ đồng. Người dân ở đây có truyền thống và kinh nghiệm trồng chè bao đời đúng kết lại, những nương chè cổ thụ có hàng trăm năm tuổi, thân to người ôm không xuể ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, chè ở Cao Bồ sạch và có vị thơm đặc trưng. Nếu được đầu tư hợp lý, thuận lợi trong vận chuyển, trao đổi hàng hóa thì mặt hàng chè San tuyết nơi đây sẽ còn phát triển hơn rất nhiều. Cùng với đó, phát huy lợi thế về tài nguyên đất, với diện tích trên 11.000ha, khí hậu thời tiết mát mẻ, rừng nguyên sinh và rừng tái sinh còn khá phong phú, nguồn nước thuận lợi cho việc phát triển nông, lâm nghiệp, nên bà con còn chú trọng phát triển trên 600ha cây thảo quả. Đây là loại cây mọc dưới tán cây rừng, không mất nhiều diện tích mà lại cho thu nhập cao. Ước tính trung bình mỗi ha cây Thảo quả năm thứ 3 cho thu hoạch trên 1 tấn quả tươi, thu về 25-30 triệu đồng/vụ. A Đặng Văn Chắn, Công an viên của xã tâm sự khi đưa chúng tôi đi tìm hiểu thực tế tại thôn Lùng Tao: “Các anh đi thì thấy đó, người dân nơi đây chịu khó lao động, chăn nuôi lắm. Nhà nào cũng có ít nhất từ 2 con trâu, 5 con lợn trở lên, gà, vịt thì nhiều lắm nên mình không nhớ. Bây giờ mà chúng ta vào nghỉ ở nhà nào là gia chủ cũng có thể mổ gà, vịt đãi khách đó...”.


Chỉ tính riêng 2 sản phẩm chè, thảo quả đã cho một nguồn thu nhập trên 10 tỷ đồng/năm, một số tiền không nhỏ đối với một xã vùng 3 và nếu thêm thu nhập từ chăn nuôi gia súc, gia cầm cùng một số mặt hàng nông nghiệp khác thì đúng ra cuộc sống của người dân nơi đây phải khá hơn nhiều. Tuy nhiên, thực tế cả xã hiện vẫn còn hơn 600 hộ nghèo và cận nghèo, chỉ có duy nhất 7 hộ giàu; hơn 70 hộ khá. Thiết nghĩ, nếu chính quyền địa phương từ huyện tới xã có sự đầu tư hợp lý, trọng điểm thì chắc rằng nền kinh tế hộ của bà con các dân tộc nơi đây sẽ phát triển hơn rất nhiều chứ không như hiện nay cái nghèo vẫn tồn tại cùng con đường vào xã như bao năm nay...


PHI ANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Mê chủ động kiểm soát dịch lở mồm, long móng
HGĐT- Bệnh dịch lở mồm, long móng (LMLM) xuất hiện trên địa bàn 2 thôn Hạ Sơn 1, Hạ Sơn 2, xã Lạc Nông, huyện Bắc Mê đã qua 25 ngày, có trên 100 con trâu, bò bị mắc bệnh trong đó 5 con chết.
29/02/2012
Mèo Vạc chủ động nguồn giống cây trồng cho người dân
HGĐT- Trồng cây gì, nuôi con gì để xóa đói, giảm nghèo? đây chính là câu hỏi mà bao năm nay, chính quyền, nhân dân huyện Mèo Vạc nỗ lực nhằm tìm ra nhiều giải pháp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực của địa phương.
29/02/2012
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa
HGĐT- Là một tỉnh có chiều dài đường biên giới hàng trăm km, Hà Giang có 11 đơn vị hành chính, gồm 1 Thành phố và 10 huyện, trong đó có 7 huyện với 32 xã tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc).
27/02/2012
Giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm
HGĐT- Chiều ngày 23.2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
24/02/2012