Bàn kế hoạch đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu khoáng sản
HGĐT- Ngày 27.3, tại huyện Vị Xuyên, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức họp bàn kế hoạch đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu khoáng sản. Dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, các doanh nghiệp chế biến khoáng sản…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi họp. |
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ TN-MT, UBND tỉnh cấp 41 giấy phép khai thác khoáng sản sắt, mangan cho 29 doanh nghiệp; UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 35 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1,8 nghìn tỷ đồng. Tổng trữ lượng quặng sắt theo giấy phép khai thác và tài liệu thăm dò, đánh giá khoáng sản trên 99 triệu tấn; trữ lượng mangan trên 9 triệu tấn. Trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng 2 nhà máy luyện Feromangan và Silicomangan tại KCN Bình Vàng với tổng công suất 40 nghìn tấn sản phẩm/năm. Trong đó, Nhà máy luyện Feromangan của Công ty TNHH Ban Mai, công suất 10 nghìn tấn/năm, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 4; Nhà máy luyện Feromangan và Silicomangan của Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc dự kiến đi vào hoạt động tháng 6 tới. Để đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu, UBND tỉnh xây dựng 3 phương án đó là: Bố trí, sắp xếp theo đăng ký của các doanh nghiệp; theo vùng địa lý; theo cơ chế thị trường có sự giám sát, điều tiết của Nhà nước. Trên cơ sở dự thảo các phương án được UBND tỉnh xây dựng, đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp đóng góp ý kiến, phân tích các ưu, nhược điểm từng phương án.
Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, sớm hoàn thiện các thủ tục còn thiếu; đối với các doanh nghiệp còn thiếu 1 thủ tục ký Quỹ phục hồi môi trường, trong quá trình hoàn thiện, tỉnh đồng ý cho tiếp tục khai thác. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng cần vào cuộc, giúp doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn; giao UBND huyện Vị Xuyên phối hợp với BQL các KCN, giải quyết dứt điểm việc bồi thường, GPMB, đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở KCN và khu tái định cư; Sở Công Thương, Công ty Điện lực Hà Giang, Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc sớm thống nhất phương án lắp đặt hệ thống điện phục vụ sản xuất của nhà máy; BQL các KCN có giải pháp về nguồn vốn xây dựng hạ tầng khu tái định cư. Đối với phương án đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu, quan điểm của tỉnh không can thiệp vào giá mua, giá bán, việc này hoàn toàn tuân theo cơ chế thị trường và thoả thuận giữa các doanh nghiệp trên cơ sở hai bên cùng có lợi; các doanh nghiệp cần sớm công bố sản lượng khai thác, các thông tin về sản phẩm, doanh nghiệp chế biến công bố nhu cầu, số lượng, giá thu mua cụ thể theo từng thời điểm, từng vị trí; doanh nghiệp chế biến có trách nhiệm làm việc cụ thể với các doanh nghiệp khai thác để tạo sự thống nhất, chặt chẽ trong quá trình hoạt động.
Ý kiến bạn đọc