Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa
HGĐT- Là một tỉnh có chiều dài đường biên giới hàng trăm km, Hà Giang có 11 đơn vị hành chính, gồm 1 Thành phố và 10 huyện, trong đó có 7 huyện với 32 xã tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc).
Các hoạt động thương mại giao lưu trao đổi hàng hóa, xuất nhập khẩu được thông qua 4 cửa khẩu chính là Thanh Thủy, Xín Mần, Săm Pun và Phó Bảng, trong đó Thanh Thủy là cửa khẩu quốc gia có quy mô hoạt động lớn nhất. Ngoài các cửa khẩu chính còn có 7 lối mòn và 30 chợ biên giới, chợ cửa khẩu. Trong năm qua, do có nhiều biến động về giá cả hàng hóa, các mặt hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới còn hạn chế, vì thế hoạt động xuất nhập khẩu có phần kém sôi động.
Theo thống kê của ngành chức năng cho thấy trong năm 2011 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu đạt 297,02 triệu USD, tăng 59,69% so với năm trước và đạt 106,08% so với kế hoạch năm. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, hàng tiêu dùng, phân bón, lá thuốc lá, năng lượng điện, linh kiện ô tô và hoa quả tươi. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là chè, các sản phẩm từ gỗ vườn rừng, hàng nông lâm thuỷ sản, quặng đã qua chế biến các loại. Tìm hiểu nguyên nhân vì sao các loại hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới cửa khẩu còn ít và rất hạn chế, được biết: trên địa bàn tỉnh ta hiện nay còn rất nhiều chợ tạm, có chợ mở nhưng không duy trì được hoạt động, thiếu các mô hình sản xuất kinh doanh thương mại tiên tiến ở trung tâm tỉnh và trung tâm các huyện, thành phố, nhất là ngành thương mại điện tử chưa phát triển. Vì thế không phát huy được hiệu quả của việc trao đổi buôn bán và hợp tác xuất nhập khẩu với nước bạn. Cùng đó là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu không cao, chủ yếu là các sản phẩm nông, lâm sản, khoáng sản, giá trị thấp nhưng khối lượng lại khá lớn, các lối mở cơ sở vật chất thấp kém, đường giao thông đến các cặp cửa khẩu còn rất khó khăn nên chủ yếu là hoạt động trao đổi hàng hóa của dân cư biên giới, các doanh nghiệp rất ít thực hiện, đặc biệt là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu, hàng hóa trong tỉnh chưa có sức cạnh tranh cao, trên 90% trị giá hàng hóa trao đổi qua cửa khẩu do doanh nghiệp ngoài tỉnh thực hiện nên không thể theo dõi, đôn đốc chỉ đạo thực hiện được kế hoạch. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu lại là nguyên liệu thô, giá trị không cao, các sản phẩm chế biến từ nông, lâm sản chưa nhiều chủ yếu mang tính nhỏ lẻ nên không có hàng hóa xuất khảu thường xuyên, không hình thành được dòng ngoại thương ổn định từ xuất khẩu. Một vấn đề nữa cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu đó là công tác hội nhập kinh tế quốc tế và công tác xúc tiến thương mại chưa hiệu quả, các hội chợ chưa có sự thay đổi về hình thức và nội dung tổ chức, bản chất của hội chợ chỉ là bán hàng, không mang tính kết nối giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặc biệt là chất lượng hàng hóa tại hội chợ còn thấp và chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các gian hàng ẩm thực. Mặt khác, sự phối kết hợp giữa cấp và ngành có lúc chưa chặt chẽ, thiếu thông tin hai chiều....
Để đáp ứng yêu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay, tỉnh ta cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng, nhất là ngành Công thương năm 2012 tiếp tục đề ra các giải pháp cụ thể, tập trung hỗ trợ và khai thác thế mạnh tại địa phương ở một số ngành nghề sản xuất, chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng, gia công cơ khí...cần khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới, từng bước hình thành nghề mới tại địa phương. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trên cơ sở tổ chức hội chợ thương mại quốc tế tại tỉnh ta trong năm nay, tập huấn về thương mại cho cán bộ các huyện, thành phố, các chủ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tổ chức cho các doanh nghiệp đi tham quan, học tập tìm kiếm đối tác đầu tư trong nước và quốc tế, tham gia hội chợ triển lãm tại một số tỉnh trong nước nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các huyện, thành phố tỏ chức các đợt đưa hàng về nông thôn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có điều kiện tiếp xúc trực tiếp và mở rộng, duy trì thị trường nội địa, mặt khác tạo cơ hộ cho người dân được mua hàng tận địa phương. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế, mặt hàng truyền thông của tỉnh. Nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu thô, sản phẩm sơ chế, đẩy mạnh các mặt hàng xuát khẩu có giá trị cao, có kim ngạch lớn...Phấn đấu năm 2012 tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu và trao đổi hàng hóa qua biên giới đạt 320 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 100 triệu USD, nhập khẩu 220 triệu USD.
Ý kiến bạn đọc