Mèo Vạc chủ động nguồn giống cây trồng cho người dân
HGĐT- Trồng cây gì, nuôi con gì để xóa đói, giảm nghèo? đây chính là câu hỏi mà bao năm nay, chính quyền, nhân dân huyện Mèo Vạc nỗ lực nhằm tìm ra nhiều giải pháp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực của địa phương.
Người dân xóm Tát Ngà, xã Tát Ngà (Mèo Vạc) gieo trồng đậu tương. |
Sản xuất đậu tương DT84 để chủ động nguồn giống chính là sự lựa chọn cho phát triển sản xuất hàng hóa nông sản của huyện. Với một định hướng đúng nên ngay sau những ngày Tết cổ truyền tới nay, bà con rất hăng hái lao động, sản xuất vì một tương lai no, ấm cho chính mình...
Năm nay, Mèo Vạc đã chủ động xác định những loại cây trồng chính, chủ yếu vẫn là cây ngô, lúa cùng một số loại hoa màu khác. Trong đó, cây đậu tương là một trong những cây trồng ngắn ngày quan trọng mà huyện lựa chọn. Bởi vì, trong những năm qua, địa phương đã luôn duy trì diện tích đậu tương trên 2.000ha. Anh Hứa Đình Tuấn, Phó Phòng No&PTNT huyện cho biết: “Với diện tích lớn như vậy, nhu cầu về nguồn giống trên địa bàn là rất lớn, huyện thường phải nhập từ các đơn vị cung ứng. Ngoài ra, với điều kiện địa hình đi lại phức tạp, xa, đôi khi vận chuyển không kịp thời so với mùa vụ...; cước vận chuyển cao, dẫn tới giá giống tăng lên nhiều so với các vùng khác trong khu vực. Mặt khác, trong thành phần hạt đậu tương chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nên dễ bị côn trùng gây hại, hạt giống khó bảo quản, dễ bị hư hỏng, không để được lâu... Vì vậy, nếu cung ứng giống không kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giống và thời vụ gieo trồng. Để từng bước giải quyết nhu cầu giống đậu tương tại chỗ, giảm cước phí vận chuyển, nhằm dần chuyển đổi từ việc sản xuất đậu tương tự cung, tự cấp sang sản xuất đậu tương hàng hóa nên Phòng đã tham mưa cho huyện xây dựng phương án “Sản xuất đậu tương giống vụ xuân 2012 tại xã Tát Ngà và phát triển đậu tương hàng hóa vụ hè thu 2012 trên địa bàn toàn huyện”. Với những gì đã, đang làm, nếu thuận lợi thì những mùa vụ tới huyện sẽ cung ứng kịp thời cho bà con bằng chính nguồn hạt giống địa phương làm ra...”.
Sau buổi làm việc với lãnh đạo Phòng No&PTNT huyện, chúng tôi thực tế tại xã Tát Ngà, nơi mà huyện đã chọn để thực hiện mô hình. “Không phải vô cớ khi Phòng chọn xóm Tát Ngà làm điểm. Bởi địa hình, tính chất đất nơi đây rất phù hợp với cây đậu tương và trong nhiều năm qua bà con nông dân ở xóm đã thực hiện rất thành công dự án “Mở rộng mô hình sản xuất đậu tương” của huyện và nhất là những năm gần đây, do diện tích đất gieo trồng cây lúa xuân không hiệu quả vì thời tiết khô hạn nên người dân chuyển sang trồng cây đậu tương... Kết quả, sản phẩm sau thu hoạch đạt sản lượng khá cao, rất có lợi cho người dân”. Đây chính là lời khẳng định của Trưởng phòng No&PTNT huyện Mèo Vạc Vũ Thành Lâm khi đưa chúng tôi đi thực địa. Ngay sau Lễ phát động ra quân sản xuất vụ Xuân 2012, hàng trăm bà con cùng cán bộ khuyến nông của huyện, xã hồ hởi xuống đồng. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ, người dân tiến hành gieo trồng những mẻ giống đầu tiên. Trên mặt ai cũng ngời lên một niềm vui, nụ cười rạng rỡ vì mùa này được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí vật tư, phân bón và cũng bởi vụ đậu tương năm nay có ý nghĩa rất quan trọng: Là tiền đề cho việc chủ động nguồn giống lâu dài của địa phương. Anh Chu Đức Văn, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện sau khi hướng dẫn chi tiết cách trồng cho bà con, tâm sự: “Năm nay, huyện hỗ trợ cho bà con 2 tấn giống đậu tương DT84, do Viện di truyền Nông nghiệp chọn tạo và đã được công nhận giống Quốc gia. Đây là loại giống thuần chủng nên có thể để giống cho những vụ sau mà không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng nếu được chăm sóc, thu hoạch và bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật. Vì vậy, đội cán bộ khuyến nông từ huyện tới xã, thôn phải rất tích cực hướng dẫn cho bà con sao cho thực hiện đúng cách nhất nhằm đảm bảo đạt chất lượng cao ngay từ khâu gieo trồng và chăm sóc”. Mô hình gieo trồng đậu tương tại xóm Tát Ngà được thực hiện trên 33ha diện tích đất nông nghiệp và dự kiến khi thực hiện thành công mô hình, năng suất ước đạt 12 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 40 tấn giống đậu tương với chất lượng đảm bảo. Sau khi thu hoạch, huyện sẽ thu mua với mức giá cao hơn giá đậu tương thương phẩm và thấp hơn so với giá đậu tương giống do các đơn vị cung ứng trên địa bàn. Ông Vi Văn Kim không giấu được niềm vui khi trao đổi với chúng tôi: “Vui quá đi, năm nay được Nhà nước hỗ trợ. Cả nhà có hơn 2ha đất sẽ trồng hết vì như những mùa trước đậu tương trồng ở đây rất phù hợp, hiệu quả cao lắm. Chắc chắn mùa này nhà mình thắng to mà lại không lo đầu ra vì huyện sẽ mua hết sản phẩm cho nhà mình. Yên tâm lắm, nhà nào cũng vui lắm!”.
Ông Sùng Mí Thề, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Nhằm từng bước chuyển đổi từ việc sản xuất đậu tương mang tính tự cung, tự cấp theo hướng hàng hóa. Phương án sản xuất đậu tương giống tại xã Tát Ngà không chỉ góp phần thay đổi nhận thức của người dân mà còn góp phần giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập và từng bước xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Ngoài ra, cây đậu tương ngoài hiệu quả kinh tế còn có tác dụng cải tạo đất sản xuất, cung cấp cho cây trồng vụ sau một lượng đạm không nhỏ. Chính bởi những lợi thế mà cây đậu tương đem lại, huyện đã giao cho các ngành chức năng, nhất là Phòng No&PTNT huyện trong quá trình thu mua, phải tiến hành chọn lọc và bảo quản giống thật tốt để cung ứng giống cho vụ Hè thu 2012, đặc biệt là hỗ trợ cho các hộ nghèo trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, công tác bảo quản sẽ gặp rất nhiều khó khăn và huyện chỉ mong được cấp trên hỗ trợ kinh phí đầu tư xây lắp một nhà bảo quản nguồn giống tại địa bàn. Nếu được như vậy, trong những năm tới huyện Mèo Vạc sẽ chủ động được nguồn giống tại địa phương, giảm chi phí đầu tư ban đầu, tạo thuận lợi, sự chủ động cho người nông dân trong lao động, sản xuất, từng bước vươn lên làm giàu bằng chính nguồn lực của địa phương”.
Ý kiến bạn đọc