Giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm
HGĐT- Chiều ngày 23.2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến chủ trì hội nghị. |
Đồng chí Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT chủ trì hội nghị. Dự và chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Giang có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Theo nhận định của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm bắt đầu tái phát tại 12 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, dịch phát ra lẻ tẻ, rải rác ở 1 hoặc 2 hộ chăn nuôi, các ổ dịch được địa phương phát hiện sớm, xử lý gọn nên chưa có dấu hiệu lây lan rộng. So với tình hình dịch cúm cùng kỳ năm trước, cho thấy năm nay dịch xuất hiện chủ yếu trên vịt. Hiện nay thời tiết bất lợi, làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, các hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm tăng cao, nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch hoặc được nuôi mới chưa có vắc xin phù hợp để tiêm phòng chủng vi rút đã biến đổi… do đó trong thời gian tới, dịch có thể sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương. Hiện tại cả nước còn 9 tỉnh có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày là: Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị, Hà Nam, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh. Từ đầu năm đến nay đã có 2 trường hợp người tử vong do nhiễm cúm A (H5N1) và từ năm 2003 đến 2012, toàn quốc có 121 ca nhiễm cúm A H5N1, trong đó có 61 ca tử vong.
Trước những diễn biến của dịch cúm gia cầm, ngay từ đầu năm đến nay, Bộ Nông nghiệp-PTNT, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát tại các địa phương việc triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng…
Hội nghị cũng đã nghe báo cáo tình hình diễn biến của dịch tại một số địa phương và các biện pháp phòng, chống. Đồng thời kiến nghị T.Ư tiếp tục hỗ trợ vắc xin cho các tỉnh hiện đang có dịch.
Thay mặt Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các địa phương trong việc triển khai phòng, chống dịch. Đồng thời nhấn mạnh: Hiện tại các nhóm vi rút luôn biến đổi, gây khó khăn cho công tác tiêm phòng vắc xin. Trước những diễn biến phức tạp như hiện nay đề nghị các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành T.Ư thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Ban chỉ đạo Quốc gia, thực hiện quyết liệt hơn nữa để chặn đứng dịch cúm gia cầm, không để dịch lây lan. Mặc dùhiện nay dịch bệnh lây lan có xu hướng giảm dần, tuy nhiên số tỉnh chưa qua 21 ngày còn cao. Do đó các địa phương không chủ quan, tiếp tục triển khai và ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch…
Đối với Hà Giang trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2011, đàn gia cầm phát triển tương đối ổn định, tuy có gia cầm phát bệnh lẻ tẻ tại một số địa phương nhưng chủ yếu là do các bệnh THT, Niu cát xơn gây ra và thường được khống chế trong diện hẹp. Từ đầu năm 2012 đến nay, theo báo cáo của Trạm thú y các huyện, thành phố không có gia cầm ốm và chết. Công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm được UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp - PTNT chỉ đạo triển khai từ cuối năm 2011 đến nay, đồng thời tổ chức các đợt đi kiểm tra, đôn đốc tại các địa phương về phòng, chống dịch bệnh, kết hợp với phòng chống đói rét cho gia súc. Qua đánh giá, các địa phương đều đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Các địa phương đã phun 1.166 lít hóa chất tiêu độc và dùng gần 25 tấn vôi bột rắc tiêu độc truồng trại, đường làng ngõ xóm…
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đề nghị các ngành cần tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch;các cơ quan tuyên truyền phối hợp với các ngành chức năng để xây dựng kế hoạch tuyên truyền và đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; các thành viên BCĐ phối hợp với các ngành thực hiện tốt chức năng của mình; các trạm cửa khẩu và trạm kiểm dịch tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết không cho vào tỉnh những loại gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, kiểm soát chặt chẽ và chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc