Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra giám sát các ngân hàng thương mại trên địa bàn
HGĐT- Trong năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế, giá cả hàng hóa biến động, đặc biệt là giá Đô la Mỹ, giá vàng tăng mạnh, gây những ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là ảnh hưởng đến công tác huy động vốn tại địa phương. Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, của cấp ủy chính quyền địa phương, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toán thể cán bộ CCVC, người lao động, nên ngành Ngân hàng tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngoài các nhiệm vụ của ngành, công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động của các Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh được quan tâm đặc biệt, bởi đây là yếu tố quyết định mọi thắng lợi trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Năm qua Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành 12 cuộc thanh tra, giám sát theo kế hoạch và thanh tra đột xuất đối với các TCTD trên địa bàn, qua thanh tra đã đánh giá những mặt được, đồng thời phát hiện và chỉ ra các tồn tại, sai sót cần phải chấn chỉnh. Cụ thể như Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay sai đối tượng hộ nghèo theo tiêu chí của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho vay nhiều sổ trên 1 hộ nghèo, cho vay vượt mức phê duyệt trên danh sách hộ nghèo, cho vay mới để thu nợ cũ, gia hạn sai quy định, không thực hiện kiểm tra vốn sau khi cho vay theo quy định, không chuyển nợ quá hạn theo quy định vv...Đối với các chi nhánh Ngân hàng thương mại sai sót trong khâu thẩm định và xét duyệt cho vay, việc kiểm tra sử dụng vốn sau cho vay; việc đánh giá giá trị tài sản bảo đảm nợ vay; hồ sơ cho vay không đầy đủ theo quy định; phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; nguyên tắc, điều kiện bảo lãnh...Hoặc các quỹ tín dụng ở cơ sở còn hạn chế về công tác quản trị điều hành, chất lượng công tác kiểm soát còn hạn chế, phân loại nợ không kịp thời, hồ sơ vay vốn không bảo đảm, thẩm định và xét duyệt cho vay còn nhiều hạn chế....
Do thực hiện tốt công tác thanh tra, giám sát nên tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn toàn tỉnh đạt 25% so với năm trước, cơ bản đã phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Một số đơn vị có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao là Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tăng 36,5%, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương tăng 145,6%, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tăng 35,4%...Nguyên nhân là do các đơn vị này có xuất phát điểm dư nợ tín dụng thấp nên đã được trụ sở chính cho phép đầu tư tín dụng ở mức cao, chủ yếu tiếp tục giải ngân đối với các dự án đã cam kết tài trợ từ năm 2010 để đảm bảo tiến độ thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng đối với các dự án thủy điện. Đối với các TCTD chú trọng công tác kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh. Vì vậy tổng nợ xấu đến hết năm 2011 ước là 51 tỷ đồng, chiếm 0,72% tổng dư nợ, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhìn chung hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở luôn bảo đảm an toàn và phát triển, đã giúp các thành viên mở rộng sản xuất – kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước tỉnh bám sát vào nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề ra phương hướng nhiệm vụ cụ thể, với mục tiêu quản lý chính sách tiền tệ chặt chẽ và linh hoạt theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời tăng cường vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng, đặc biệt đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng theo hướng kết hợp giữa thanh tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng với thanh tra, giám sát rủi ro, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát và coi đây là công cụ quản lý chủ yếu, thường xuyên của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra trực tiếp là công cụ hỗ trợ quá trình quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội ở địa phương....
Ý kiến bạn đọc