Để chè Hà Giang khẳng định vị thế trên thị trường
HGĐT- Từ lâu, chè Hà Giang đã nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước với thương hiệu Chè Shan tuyết được trồng ở độ cao từ 500 đến 2.000m so với mặt nước biển. Tỉnh ta có diện tích chè lớn thứ 3 trong cả nước, chỉ sau tỉnh Lâm Đồng và Thái Nguyên. Cây chè được tỉnh xác định là loại cây góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; một trong những cây hàng hoá chiến lược trong phát triển kinh tế, XĐGN của tỉnh. Tuy nhiên trong những năm gần đây, sản phảm chè Hà Giang đang bị trầm lắng tên tuổi trên thị trường, sức cạnh tranh kém, giá trị sản phẩm đạt thấp, trong khi tiềm năng là rất lớn.
Là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây chè sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là cây chè Shan tuyết có hương vị đậm đà mang nét đặt trưng riêng, tạo ấn tượng mạnh đối với khách hàng mỗi khi được thưởng thức chè Hà Giang, điển hình như sản phẩm chè (Hoàng Su phì), chè Lũng Phìn (Đồng Văn). Trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp cũng như chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh chè, nhờ đó diện tích chè tăng dần qua các năm. Hiện toàn tỉnh có trên 20.000 ha và tập trung ở các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Với tổng số 8 doanh nghiệp, 23 HTX, trên 700 cơ sở sản xuất, chế biến chè. Tuy nhiên, diện tích chè ở các địa phương chưa tập trung, mật độ vườn chè chưa đảm bảo, việc đầu tư thâm canh chưa được chú trọng; chè chủ yếu là trồng bằng hạt, đến nay nhiều diện tích chè đã bị già cỗi có biểu hiện suy thoái. Đối với các huyện vùng cao, phần lớn người dân trồng quảng canh, chế biến thủ công, công tác quảng bá thương hiệu chưa được chú trọng, dẫn đến năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm đạt thấp, tiêu thụ không ổn định, đời sống của người dân trồng chè còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm giúp các địa phương có diện tích chè trong tỉnh có thêm kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh chè, tìm ra hướng đi mới, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm chè Hà Giang trên thị trường. Những năm qua, tỉnh ta đã tổ chức các đoàn đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm về lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh chè tại tỉnh Phú Thọ và Thái Nguyên là 2 tỉnh có quy mô sản xuất lớn và có thương hiệu, vị thế trên thị trường chè trong và ngoài nước. Qua trao đổi về kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh chè, Bà Đỗ Thị Đức Lý, Tổng giám đốc, Tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình (Thái Nguyên) cho biết: để thành công đưa được sản phẩm chè ra thị trường, Tổng công ty đã chú trọng hướng dẫn người nông dân cách sản xuất chè sạch, chè an toàn, cho đến nghiên cứu mẫu mã, bao bì làm sao cho bắt mắt khi đưa ra hệ thống siêu thị, các cửa hàng phải được người tiêu dùng chấp nhận, phải xây dựng được nhãn mác, Lôgô của sản phẩm, đặc biệt là chất lượng sản phẩm luôn luôn phải là tốt. Hiện nay sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên chiếm 70% thị phần sản phẩm tiêu thụ trong nước và 30% xuất khẩu; Phát triển chè Tân Cương được Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên coi đây là chiến lược, hiệu quả nhất đểổn định thị trường bền vững và xuất khẩu. Qua tham quan đã tác động trực tiếp, giúp cho các địa phương và cơ sở sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh ta có thêm kinh nghiệm, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm chè, tăng cường sức cạnh tranh, lấy lại tên tuổi thương hiệu chè Hà Giang trên thị trường.
Được biết Sở NN&PTNT tỉnh ta đang xây dựng đề án, tham mưu cho UBND tỉnh về kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm chè với các giải pháp cụ thể, có sự đầu tư thoả đáng, tạo đà cho cây chè Shan tuyết Hà Giang được nâng cao giá trị, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần tác động trực tiếp đến đời sống của hàng chục vạn hộ nông dân vùng chè trong tỉnh. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có trên 17.000 ha chè cho thu hoạch ổn định, năng suất bình quân đạt 53tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 90.000 tấn; đưa cây chè thực sự trở thành cây mũi nhọn trong phát triển NLN của tỉnh. Để thực hiện thành công mục tiêu trên, bên cạnh công tác chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành thì cơ chế, chính sách đối với cây chè cũng là yếu tố quan trọng, mở rộng hành lang, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh vào sản xuất, chế biến chè theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng với yêu cầu của thị trường.
Tại hội thảo định hướng phát triển ngành chè Hà Giang giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn đến 2020 diễn ra ngày 13.12.2011, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Tỉnh ta có 6 tiềm năng cần tập trung khai thác để phát triển cây chè đó là: Về năng suất, lao động, đất đai, khí hậu, khoa học, thị trường và tỉnh luôn tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho phát triển ngành chè. Do vậy các doanh nghiệp cần phải linh hoạt vận dụng cơ chế chính sách vào phát triển cây chè, đầu tư đúng mức để thúc đẩy sản phẩm chè Hà Giang vươn mạnh ra thị trường, xứng tầm với tiềm năng lợi thế của địa phương; đồng thời cần lưu ý, trong khâu sản xuất chế biến chè, các doanh nghiệp cần phải biết phân chia lợi nhuận với người trồng chè, coi họ như một bộ phận không thể thiếu để phát triển bền vững; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm chè Hà Giang.
Từ những kinh nghiệm sản xuất, chế biến và kinh doanh chè của tỉnh bạn, cùng với sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương, tinh thần cần cù, sáng tạo của người dân vùng chè; tin tưởng rằng trong thời gian không xa, sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang sẽ khẳng định được thương hiệu trên thị trường và cây chè thực sự trở thành cây mũi nhọn trong sản xuất NLN của tỉnh.
Ý kiến bạn đọc