Bắc Mê chủ động kiểm soát dịch lở mồm, long móng
HGĐT- Bệnh dịch lở mồm, long móng (LMLM) xuất hiện trên địa bàn 2 thôn Hạ Sơn 1, Hạ Sơn 2, xã Lạc Nông, huyện Bắc Mê đã qua 25 ngày, có trên 100 con trâu, bò bị mắc bệnh trong đó 5 con chết.
Cán bộ Thú y huyện Bắc Mê tích cực hướng dẫn bà con thôn Hạ Sơn 1 phòng chống dịch cho gia súc
|
Đây là loại bệnh dịch chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mà chủ yếu phòng bệnh là chính, bệnh có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt trong thời gian thời tiết lạnh kéo dài, độ ẩm cao như hiện nay, nguy cơ tiềm ẩn bùng phát bệnh ra diện rộng là rất lớn.
Ngay sau khi nhận được thông tin,huyện Bắc Mê đã tích cực chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch:Thành lập tổ công tác, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, huy động toàn bộ đội ngũ cán bộ thú y viên và khuyến nông xã Lạc Nông lập chốt kiểm dịch, phân công cán bộ phụ trách 2 thôn có dịch trực tiếp xuống tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân cách ly gia súc mắc bệnh, tiêu độc khử trùng và vệ sinh chuồng trại, cấm giết mổ, vận chuyển gia súc, tiêu hủy gia súc chết đảm bảo đúng quy trình, tăng cường chăm sóc đàn gia súc mắc bệnh. Hơnnửa tháng nay, cán bộ ngành thú y của xã Lạc Nông luôn thay phiên nhau túc trực thường xuyên tại chốt kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc, phun khử trùng các phương tiện ra vào vùng dịch. Gia đình anh Giàng A Màn, thôn Hạ Sơn 2, có 5 con trâu đều bị mắc bệnh, trong đó có 1 con đã chết. Đây là con gia súc đầu tiên của vùng dịch bị chết, được cán bộ thú y huyện lấy máu xét nghiệm và phát hiện ra ổ dịch. Được sự hướng dẫn của cán bộ thú y trong cách phòng chống bệnh, qua 15 ngày điều trị, đến nay 4 con gia súc còn lại của gia đình cơ bản đã được khỏi bệnh. Tại thôn Hạ Sơn 1, đa số người dân đều nhận thức rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh đồng thời vai trò quan trọng của vật nuôi có giá trị lớn trong gia đình, đặc biệt là sức kéo trong thời điểm sắp bước vào gieo cấy vụ Xuân, nên các hộ gia đình đã thực hiện tốt công tác phòng chữa dịch bệnh theo sự hướng dẫn của ngành chuyên môn. Nhờ vậy đến nay, 44 con gia súc mắc bệnh trong thônđã khỏi về triệu chứng lâm sàng, khống chế được dịch bệnh không cho lây lan sang các địa phương khác. Trong thời gian có dịch, huyện Bắc Mê đã vào cuộc quyết liệt, có nhiều biện pháp phòng chống dịch được triển khai đồng bộ tại tất cả các địa phương trong huyện cùng với công tác điều trị số gia súc đã mắc bệnh tại xã Lạc Nông. Đã có 12.000 liều thuốc LMLM týp O được cấp cho 13/13 xã, thị trấn trong huyện để tiêm phòng cho gia súc với phương châm tiêm phòng dịch LMLM ở xã chưa có dịch trước, ở xã có dịch tiêm sau. Riêng vùng có dịch, huyện đẫ cấp 96 lít hóa chất Benkocid, 600 lọ Penicilin, 600 lọ Streptomycin, 120 lọ B1, 670 lọ xanhmetylen, 50 kg axít chanh, 7 bộ dụng cụ tiêm phòng. Nhờ làm tốt công tác triển khai tổ chức phòng chống dịch LMLM trên địa bàn, đến nay dịch bệnh đã được khống chế, không để lây lan ra diện rộng, số gia súc mắc bệnh đang dần hồi phục. Tuy nhiên tại 2 thôn xảy ra dịch bệnh, trong số các hộ gia đình thực hiện tốt sự hướng dẫn của ngành chuyên môn, vẫn có nhiều gia đình chưa ý thức trong phòng chống dịch mà phó mặc cho cán bộ thý y phụ trách thôn trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, thói quen thả rông gia súc của người dân vùng dịch đã gây khó khăn trong công tác phòng dịch. Khi được hỏi tại sao khôngnhốt gia súc ở nhà để trị bệnh cho khỏi hẳn, Anh Giàng Mí Thành, thôn Hạ Sơn 1 cho biết: “Nhà tôi có 3 con trâu đều bị mắc bệnh, bữa nay đã khỏi được 50%, trâu đi lại được rồi, nhốt ở nhà không có thức ăn cho trâu nên phải thả lên đồi thôi”.Đây là những nguy cơ lớn tiềm ẩn lây lan dịch bệnh trên diện rộng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Trung Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê khẳng định: “Trong thời gian qua, huyện đã có nhiều biện pháp quyết liệt để khống chế và ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng, đảm bảo duy trì tổng số đàn gia súc, và sức kéo cho người dân trong mùa vụ. Tuy vẫn còn rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch do địa bàn tương đối phức tạp, diện tích trồng cỏ để dự trữ thức ăn hạn chế, cùng với thói quen thả rông gia súc khiến cho nguy cơ lây lan và bùng phát lại dịch bệnh là rất lớn. Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh đồng thời tuyên truyền để người dân nhận thấy sự nguy hiểm của dịch bệnh và có ý thức tự phòng chống bệnh cho đàn gia súc của mình...”.
Ý kiến bạn đọc