Yên Bình tập trung nguồn lực phát triển thị trấn

17:31, 30/12/2011

HGĐT- Chúng tôi đến Yên Bình vào những ngày cuối năm 2011 dương lịch, mặc dù trời rất lạnh, mưa phùn bay lất phất nhưng trên các trục đường người, xe đi lại vẫn nhộn nhịp hối hả. Được biết cách đây tròn một năm, ngày 24.12.2010, xã Yên Bình vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký Nghị quyết thành lập thị trấn Yên Bình. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành lớn mạnh của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Yên Bình sau gần 10 năm xây dựng và phát triển.


Phấn khởi trước những thành quả đạt được trong những năm qua, nhất là năm 2011 vừa qua, Bí thư Đảng ủy thị trấn Hoàng Trọng Khoắn nói rằng: Từ khi được nâng cấp lên thị trấn, Đảng bộ thị trấn đã xác định rõ nhiệm vụ nặng nề mà Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ huyện giao cho, căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã đề ra, Đảng bộ thị trấn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời quy hoạch đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng như trụ sở làm việc, đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi, nước sinh hoạt, chợ trung tâm cùng các cơ sở chế biến sản xuất nông, lâm sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.


Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Lê Mạnh Cường, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Để xây dựng thành một thị trấn có tầm vóc, không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chính địa phương phải vận dụng nội lực của mình, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hoá thì mới có thể đạt được những kết quả tốt nhất. Quan điểm của chúng tôi là phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tốt, từ đó tạo tiền đề để người dân trong xã vận động, tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp, bền vững. Khi người dân đã có thu nhập cao thì các cuộc vận động cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.


Để khẳng định những gì đã làm được, các đồng chí lãnh đạo thị trấn đưa chúng tôi đi thăm các cơ sở dịch vụ thương mại, một số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất đồ gỗ gia dụng, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại cây rau mầu xung quanh địa bàn thị trấn. Qua đó chúng tôi được biết: Từ khi nâng cấp lên thị trấn, Đảng ủy đã chỉ đạo chính quyền giao cho ngành chức năng kiểm tra, rà soát, chẩn chỉnh việc quản lý sử dụng đất, nhất là các trường hợp san đất dựng nhà trái phép trên đất sản xuất tại các thôn và trục đường giao thông 279, cho đến nay hầu hết các hộ đã được cấp giấy chuyển quyền sử dụng đất. Hoạt động thương mại dịch vụ ngày càng sôi động, chợ trung tâm hoạt động bình thường ổn định, các mặt hàng ngày càng phong phú đa dạng, tạo môi trường thuận lợi trao đổi hàng hóa giữa các thôn trong thị trấn nói riêng và các xã trong huyện nói chung. Công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa được duy trì thường xuyên. Hiện nay chợ trung tâm vẫn đang tiếp tục được mở rộng và quy hoạch xây dựng đồng bộ khoảng 3000m2, chủ trương là xây từng ki ốt cho các hộ kinh doanh và những người có nhu cầu thuê lâu dài.


Đến thăm cơ sở sản xuất gạch bê tông của 2 hộ gia đình anh: Nguyễn Mạnh Công, thôn phố mới và anh Vũ Văn Quang, thôn Luổng, các anh cho biết: Hiện nay nhu cầu xây dựng của nhân dân trên địa bàn khá lớn, trong khi đó gạch nung giá đắt hơn nhiều so với gạch bê tông, chúng tôi xác định làm nghề này vừa kinh doanh nhưng cũng vừa phục vụ nên đã mở rộng quy mô sản xuất và thuê người địa phương đến làm, vừa tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho họ, mỗi tháng lương bình quân đạt 2,5 đến 3 triệu đồng. Quy trình sản xuất loại gạch này đơn giản, không phức tạp như sản xuất gạch nung, chỉ cần một máy trộn bê tông và một máy ép thành gạch, đóng xong đưa ra bãi xếp thành kiêu để va#i ngày là đưa vào xây được. Mỗi ngày mỗi cơ sở sản xuất được khoảng 1.500 đến 2000 viên nhưng vẫn không đủ bán vì nhu cầu sử dụng loại gạch này của người dân trên địa bàn khá lớn...Cùng với các hoạt động thương mại dịch vụ, sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cũng đang từng bước phát triển mạnh, các loại cây trồng như lúa, ngô được đưa vào thâm canh tăng vụ, cho năng xuất sản lượng cao, bảo đảm ổn định lương thực cho nhân dân. Ngoài ra cây đậu tương, cây lạc, các loại cây rau đậu khác cũng được bà con nhân dân đưa vào gieo trồng để cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập. Đặc biệt cây giong giềng được bà con nông dân trồng khá nhiều, toàn thị trấn có 11 thôn thì có 7 thôn trồng cây giong giềng, với tổng diện tích 9,36 ha, năng suất 170 tấn/ha, với giá bán bình quân 1.000 đồng/kg. Tính sơ bộ tổng thu nhập từ cây giong giềng năm 2011 của các thôn đã cho nguồn thu trên 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí các loại còn khoảng 800 đến 900 triệu đồng. Như vậy cây giong giềng cũng cho một nguồn thu khá lớn góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương.


Vào thăm một số hộ gia đình nông dân thực hiện tốt các mô hình phát triển kinh tế chúng tôi mới thấy được tiềm năng và nguồn lực của thị trấn khá dồi dào, đây chính là động lực để phát triển kinh tế, làm giàu cho từng gia đình và cho địa phương. Chị Đỗ Thị Tình, Hội trưởng hội phụ nữ thôn Tân Tiến đưa chúng tôi ra ruộng rau cách nhà hơn 200 m, chị cho biết: Sau khi thu hoạch xong vụ mùa, gia đình đã sử dụng 1.000m2 diện tích hiện có để trồng các loại rau đậu vụ 3 như su hào, cải bắp, rau bí, đậu đũa...hiện nay đang lên xanh tốt, đến kỳ thu hoạch gia đình sử dụng phần nào, còn lại đem ra chợ thị trấn bán, thu nhập cũng khá. Còn gia đình anh, chị Nguyễn Văn Sĩ, Hoàng Thị Duyên, thôn Luổng khi chúng tôi đến thăm không khỏi ngạc nhiên vì anh chị có một cơ ngơi khá khang trang, ngôi nhà 2 tầng vừa mới xây xong vẫn đang thơm mùi sơn mới được xây dựng lên từ sự cần cù chịu khó làm nghề mộc và từ chăn nuôi lợn của gia đình. Chị Duyên khiêm tốn cho biết: Mỗi năm nuôi được 4 lứa lợn thịt, mỗi lứa 10 con, mỗi con nặng từ 70 – 80 kg, mỗi năm bán được khoảng 2,8 tấn, theo thời giá hiện tại từ 50 – 60.000 đồng/kg, như vậy tổng thu nhập từ nuôi lợn mỗi năm của gia đình thu được khoảng 145 – 150 triệu đồng...


Với những cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn thị trấn, năm 2011 tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.473,8 tấn, tăng 168,8 tấn so với năm 2010, lương thực bình quân đầu người đạt 584 kg/người/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 13,5 triệu đồng/năm. Những kết quả đạt được như hôm nay chính là sự đoàn kết, sáng tạo, năng động của tập thể BTV, BCH Đảng bộ cùng sự ủng hộ đồng thuận của nhân dân. Chúc cho Đảng bộ và nhân dân thị trấn Yên Bình ngày càng phát triển, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh.


HIẾN CHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kinh tế năm 2011: Tăng trưởng khá cao trong bối cảnh khó khăn
GDP năm 2011 ước tăng 5,89%, một số ngành đạt được mức tăng trưởng khá so với năm 2010 là kết quả rất đáng khích lệ của kinh tế nước ta khi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức.
30/12/2011
Hiệu quả từ quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư
HGĐT- Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh ta có 1.194 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 10 nghìn tỷ đồng.
28/12/2011
Thành phố Hà Giang sử dụng bê-tông thương phẩm trong xây dựng
HGĐT- Hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong xây dựng từ lâu nay luôn được TP Hà Giang quan tâm. Hiện nay, trong sản xuất bê-tông, TP đã có 1 dây chuyền hiện đại bằng công nghệ bê-tông tươi hay còn gọi là bê-tông thương phẩm. Việc đưa dây chuyền vào hoạt động đã góp phần xây dựng những công trình mang tầm vóc hiện đại của một đô thị hiện đại.
28/12/2011
Công ty Lâm nghiệp Cầu Ham nhiều chỉ tiêu kế hoạch về đích trước thời gian
HGĐT- Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến với cán bộ công nhân Công ty Lâm nghiệp Cầu Ham, mặc dù công việc cuối năm bận rộn nhưng các anh lãnh đạo công ty vẫn dành thời gian đưa chúng tôi đi thăm vùng nguyên liệu trên địa bàn các xã thuộc huyện Quang Bình và Bắc Quang.
27/12/2011