Vị Xuyên: Thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi
HGĐT- Trong thời gian qua, nền kinh tế của huyện Vị Xuyên đã có những chuyển biến rõ nét, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh.
Đặc biệt kinh tế nông, lâm nghiệp đã gắn với hàng hóa và đã hình thành các vùng chuyên canh lớn như: Chè, lạc, thảo quả, lúa hàng hóa, chăn nuôi quy mô trang trại... làm cho đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt trên 13,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,56%, xuống còn 29,35%. Đặc biệt, thực hiện chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, huyện Vị Xuyên đã quan tâm chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm thông qua các chương trình hỗ trợ chăn nuôi, với quyết tâm đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính và là động lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Tính đến cuối năm 2011, Vị Xuyên có tổng đàn trâu trên 34.400 con, đàn bò 1.800 con, đàn dê 8.600 con và đàn lợn trên 58.400 con; tổng đàn gia cầm trên 439.000 con. Trong thời gian đầu năm 2011, do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại đã làm hàng nghìn con gia súc bị chết rét. Song huyện đã kịp thời sử dụng nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ, nên đàn gia súc tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định. Đặc biệt trong năm 2011, huyện Vị Xuyên đã thực hiện chương trình hỗ trợ chăn nuôi cho gần 200 hộ gia đình phát triển chăn nuôi lợn, gà, cá với số tiền gần 6 tỷ đồng. Thông qua việc thực hiện hỗ trợ, đã kích thích ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh, các hộ gia đình được hỗ trợ vốn đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, sản lượng lợn, gà xuất chuồng đều tăng hơn 10% so với trước khi được hỗ trợ; tổng đàn lợn, gà tại các xã, thị trấn có các hộ tham gia thực hiện chăn nuôi tăng lên 5%... Đồng chí Vũ Ngọc Hợi, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện cho biết: Ngoài đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, chương trình hỗ trợ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả xã hội như: Tận dụng được lực lượng lao động nhàn rỗi, hình thành vùng chăn nuôi tập trung; nhận thức của người chăn nuôi được nâng lên một bước; hình thành được vùng sản xuất lợn, gà giống, lợn, gà thịt. Đặc biệt việc chăn nuôi theo quy mô tập trung còn góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, dịch bệnh do có sự đầu tư hệ thống xử lý chất thải và công tác thú y cũng được chú trọng hơn. Cùng với chú trọng phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc, toàn huyện còn đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản, trong đó quan tâm phát triển nuôi cá lồng, mở rộng diện tích thâm canh, tận dụng các hồ, đập thuỷ lợi hoặc ruộng một vụ để nuôi trồng, qua đó đã đáp ứng được nhu cầu đa dạng thực phẩm của thị trường, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.
Từ nay đến năm 2015 được coi là giai đoạn phát triển chiều sâu về kinh tế trên địa bàn toàn huyện. Do đó trong thời gian qua, Vị Xuyên đã chú trọng đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, lấy phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng trên 40% trong ngành nông nghiệp, trong đó đặc biệt coi trọng phát triển chăn nuôi theo hình thức quy mô trang trại, với mục tiêu từ nay đến năm 2015 tổng đàn gia súc trên toàn huyện phấn đấu đạt trên 11 vạn con, trong đó đàn trâu 40.00 con, đàn bò 3.000 con, đàn lợn 60.000 con và đàn dê 15.000 con. Theo đó trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ chăn nuôi lợn, gà, thủy sản theo phương pháp hỗ trợ xây dựng chuồng trại cho các hộ nuôi theo quy mô trang trại và chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho chăm nuôi trâu, bò hàng hóa... nhằm đưa nông nghiệp, nông thôn đi lên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cơ sở phát triển nông nghiệp toàn diện và ổn định đời sống nhân dân trong huyện.
Ý kiến bạn đọc