Vai trò mũi nhọn của cây chè trong phát triển kinh tế ở Vị Xuyên
HGĐT- Khoảng trên 28 tỷ đồng là một con số ấn tượng mà cây chè đã mang lại cho người dân Vị Xuyên trong năm 2011. Nó góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con nơi đây và trở thành cây kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện nhà.
Người dân Vị Xuyên chăm chút cho vườn chè của mình. |
Nhớ lại thời gian trước năm 2003, đây là khoảng thời gian mà cây chè ở Vị Xuyên có thể nói là rơi vào “thảm cảnh” khi thị trường đầu ra bấp bênh, bất ổn. Giá trị của chè búp tươi rơi tự do xuống mức thấp kỷ lục dưới 700 đồng/kg. Thậm chí những tháng thu hái chè rộ, giá chè bút tươi chỉ còn 500 đồng/kg. Mất công chăm sóc, chế biến và tốn tiền đầu tư nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế nên người dân chán nản, bỏ bê, không đầu tư vào cây chè nữa, một số cây chè đã bị đốn ngã để trồng các loại cây khác. Nhiều người đã quay lưng lại với cây chè. Theo đó, năng suất, sản lượng từ cây chè cũng giảm xuống rõ rệt. Giá trị kinh tế mà cây chè mang lại cho huyện là không đáng kể. Đây cũng là khoảng thời gian mà những người tâm huyết với cây chè ở Vị Xuyên phải “lao tâm khổ tứ”, trằn trọc để tìm lối đi mới cho cây công nghiệp này.
Dù phải trải qua một thời gian dài khó khăn như thế, nhưng từ năm 2004, nhờ chất lượng và thương hiệu riêng biệt nên khi thị trường chè ổn định trở lại, sản phẩm chè Vị Xuyên đã nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận và khẳng định được vị trí của mình. Giá trị của chè búp tươi dần được nâng lên, từ 1800 đồng/kg (năm 2004) lên 2500 đồng/kg (đối với chè vùng thấp) và 5000đồng/kg (đối với cây chè vùng cao) vào năm 2010. Có những thời điểm, giá chè búp tươi ở vùng cao Thượng Sơn, Cao Bồ có giá đến 8000 đồng/kg. Từ đây, một tương lai phát triển đã mở ra cho cho người dân trồng chè ở Vị Xuyên, cơ hội để họ xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu đã trong tầm tay.
Xác định đây là cây công nghiệp mũi nhọn đối với những vùng phát triển chè và đối với sự phát triển kinh tế của huyện nên những năm qua, người dân trồng chè ở Vị Xuyên đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống, vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển cây chè. Diện tích chè đã không ngừng được mở rộng, đầu tư thâm canh để tăng năng suất và sản lượng. Đến hết tháng 10 năm 2011, tổng diện tích cây chè trên địa bàn toàn huyện là 3.304 ha, trong đó, diện tích chè cho sản phẩm là 2.996,5 ha. Năng suất chè búp tươi bình quân đạt 35 tạ/ha. Sản lượng chè búp tươi thu được là 10.487,7 tấn. Giá chè trong năm giao động từ 3500-5500 đồng/kg. Tổng giá trị thu được từ cây chè trong toàn huyện đạt trên 28 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm và vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá về kinh tế. Cây chè đã thực sự mang lại cuộc sống ấm no và trở thành cây trồng không thể thiếu của nhiều gia đình nơi đây.
Hiện tại, trên địa bàn Vị Xuyên có 80 cơ sở chế biến chè lớn nhỏ, trong đó có công ty TNHH Hùng Cường (với công suất chế biến 45 tấn chè búp tươi/ngày), chuyên thu mua, chế biến và xuất khẩu chè trực tiếp ra ngước ngoài. Từ đây, thương hiệu chè Vị Xuyên đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Đức,
Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui ấy đang có nhiều vấn đề đặt ra đối với sự phát triển và bảo vệ thương hiệu chè Vị Xuyên.
Dẫn chúng tôi đi xem những vườn chè xanh mướt, trải rộng ở các xã Việt Lâm, Trung Thành, Thị Trấn Việt Lâm, Ngọc Linh... gương mặt anh Lê Đình Trung, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Vị Xuyên hiện rõ sự băn khoăn, trăn trở: “Một thực tế cho thấy, hiện tại, hầu hết diện tích chè trên địa bàn đang không được đầu tư và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật từ khâu thiết kế, trồng, chăm sóc và thu hái nên một lượng lớn diện tích đang bị mất khoảng. Bên cạnh đó là việc thu hái không đúng kỹ thuật bằng liềm, máy cắt đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và năng suất các lần hái sau. Việc người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, không đủ thời gian cách ly cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng, hương vị chè. Các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, tự phát chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và gây khó khăn trong việc quản lý chất lượng... ”. Những khó khăn, tồn tại này đang đặt sản phẩm của cây chè Vị Xuyêntrước nhiều thách thức mới.
Trong phương hướng, mục tiêu phát triển cây chè đến năm 2015, huyện Vị Xuyên xác định sẽ tập trung mọi nguồn lực để khai thác hiệu quả và bền vững tiềm năng, lợi thế của cây chè Shan, ổn định diện tích và phát triển đồng bộ quá trình sản xuất, thu hái, chế biến và tiêu thụ chè. Áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến kết hợp với kỹ thuật chăm sóc, thu hái truyền thống nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm hương vị, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng hệ thống quản lý đánh giá chất lượng chè và bảo vệ thương hiệu chè sạch Thượng Sơn - Vị Xuyên.
Theo đó, người trồng chè và các cơ sở chế biến, kinh doanh chè ở Vị Xuyên sẽ tiếp tục nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của huyện để đầu tư và phát triển chè như: Hỗ trợ về giống chè Shan, khoa học kỹ thuật trong thâm canh, thu hái, chế biến, bảo quản sản phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến chè tiên tiến để sản xuất chè chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực sản xuất chè cho người dân... Những chính sách hỗ trợ này sẽ là đòn bẩy kích thích cho sự phát triển cây chè nguyên liệu chất lượng cao ở Vị Xuyên.
Nhìn những ngôi nhà mới khang trang, những xưởng chế biến chè hoạt động không ngưng nghỉ, vànhững người dân phấn khởi chăm chút cho vườn chè của mình... Chúng tôi tin vào tương lai bền vững đối với sản phẩm của chè Vị Xuyên.
Ý kiến bạn đọc