Tạo vị thế cho sản phẩm hàng hoá địa phương
Với đặc thù của tỉnh biên giới, nhiều cặp cửa khẩu, lối mở thông thương với nước bạn Trung Quốc, rất thuận lợi cho hoạt động thương mại, XNK hàng hóa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hàng hoá địa phương tham gia xuất khẩu còn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. nguyên nhân, do năng lực của doanh nghiệp yếu, công nghệ hạn chế, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh. Từ thực tế đó, rất cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, chế biến, xuất khẩu hàng hoá.
NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY
Tỉnh ta được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp khai khoáng, năng lượng, chế biến nông - lâm sản và kinh tế cửa khẩu; nhiều sản phẩm mang nét đặc trưng của vùng cao, rất giá trị, khác biệt so với hàng hoá cùng chủng loại ở các địa phương khác. Những mặt hàng nông sản như trâu, bò, lợn, dê, mật ong, ngô, đậu tương, lạc, chè, cam quýt thương phẩm; hàng lâm sản như đồ gia dụng, ván bóc được sản xuất từ gỗ vườn rừng; cây dược liệu các loại; hàng thủ công nghiệp gồm mây tre đan, dệt thổ cẩm, thêu ren, gốm sứ...rất được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, các sản vật địa phương mới đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh, số vươn ra thị trường bên ngoài chiếm tỷ lệ rất thấp.
Cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy luôn tấp nập những chuyến xe chở hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, nhu cầu sản phẩm nông sản như đậu tương, ngô hạt, lạc...sẽ tăng cao do các nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn gia súc luôn cần khối lượng hàng hoá khổng lồ và tăng liên tục qua các năm. Sản phẩm cam sành, quýt có xuất xứ, chỉ dẫn địa lý từ Hà Giang luôn hấp dẫn người tiêu dùng ở các tỉnh, thành phố lớn trong nước. Đối với thị trường xuất khẩu, nhu cầu về sản phẩm chè, gỗ ván ép công nghiệp, các loại cây dược liệu ngày càng tăng, bởi lẽ sản lượng xuất khẩu chè củaẤn Độ, Trung Quốc, Xrilanca đã bị sụt giảm do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Nguồn cung cấp cũng như sản lượng các loại cây dược liệu quý để bào chế sản phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh luôn thấp hơn cầu, tạo ra cuộc cạnh tranh gom hàng rất lớn.
Từ thực trạng trên, với điều kiện của tỉnh ta, nếu biết tận dụng, có cơ chế, chính sách hợp lý, thì đây sẽ là thời cơ vàng không chỉ đối với nhà đầu tư địa phương, nó còn là điểm đến lý tưởng của các doanh nhân trong và ngoài nước.
NHIỀU CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI
Trong những năm gần đây, việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đã bước đầu thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đến tìm hiểu môi trường, triển khai dự án đầu tư ở một số lĩnh vực. Nhưng, sản phẩm làm ra chưa đa dạng, giá trị xuất khẩu hàng hoá ở những lĩnh vực thế mạnh còn thấp, chưa có tác động lớn đến sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tận dụng lợi thế của vùng nguyên liệu hàng hoá phục vụ ngành công nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu, tỉnh ta đang tập trung xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hợp lý để đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ sản vật địa phương.
Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể tham gia chế biến, xuất khẩu hàng hoá, tỉnh sẽ tiếp tục có những chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, vốn sản xuất, khuyến công, xúc tiến thương mại... Đặc biệt, theo Đề án Đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ hàng xuất khẩu sắp được ban hành, có nhiều cơ chế, chính sách mạnh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, cá nhân hoạt động ở lĩnh vực này.
Theo đề án: Các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể thành lập theo quy định của pháp luật, có trụ sở chính tại Hà Giang, trong quá trình sản xuất, chế biến hàng hóa sử dụng tối thiểu từ 80% nguyên liệu địa phương, từ 50% lao động địa phương, nếu có nhu cầu vốn thu mua nguyên liệu chế biến hàng hóa, được hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh trong 12 tháng, mức vay không quá 350 triệu/đơn vị. Dự án đầu tư sản xuất, chế biến hàng hóa chủ lực của địa phương được ngân sách hỗ trợ 50% lãi suất trong vòng 36 tháng, với mức vay không quá 500 triệu đồng/dự án. Doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đăng ký trồng mới các loại giống cây, con có năng suất, chất lượng cao theo quy mô trang trại, được hỗ trợ 100% chi phí mua giống, 50% chi phí vật tư thiết yếu, nhưng không quá 100 triệu đồng/đơn vị. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu được ngân sách hỗ trợ một lần 50% giá trị máy móc, thiết bị và chuyển giao công nghệ, nhưng không quá 100 triệu đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhưng không quá 35 triệu/doanh nghiệp/sản phẩm.
PHÁT HUY LỢI THẾ
Việc xây dựng Đề án Đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 được kỳ vọng sẽ khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương phục vụ xuất khẩu, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa địa phương cả về chất và lượng; hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô giá trị thấp, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, đảm bảo sản xuất hàng hóa phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, chuyển nhanh sản xuất hàng hóa từ khép kín, tự sản - tự tiêu, từ đơn giản, quy mô nhỏ lẻ sang quy mô tập trung công nghiệp, hướng đến thị trường xuất khẩu quốc tế; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, chế biến những nguyên liệu thô thành sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng quốc tế.
Từ nhận thức đó, tỉnh ta hy vọng đến năm 2015, giá trị hàng hóa XNK qua các cửa khẩu đạt 700 triệu USD, kim ngạch XNK hàng hóa địa phương đạt 78 triệu USD. Trong đó, giá trị hàng xuất khẩu đạt 36 triệu USD gồm: Xuất khẩu chè đạt 12 triệu USD, cây dược liệu 3 triệu USD, gỗ ván ép MDF đạt 8 triệu USD, hàng thủ công mỹ nghệ 0,5 triệu USD, các loại hàng hóa khác đạt 12,5 triệu USD. Trong giai đoạn 2011-2015, tập trung, khuyến khích sản xuất, chế biến và tiêu thụ mặt hàng chủ lực gồm sản phẩm chè, đậu tương, ngô hàng hoá, lạc, đại gia súc, cam quýt, Thảo quả, Hương thảo, Đỗ trọng, gừng, nghệ, Hà thủ ô, Ý dĩ, Sa nhân, Hoàng tinh...tại các huyện có điều kiện phù hợp.
Ý kiến bạn đọc