Phát triển chăn nuôi gia súc ở Bắc Mê
HGĐT- Thực hiện Nghị quyết của Ban đại HĐQT các cấp, sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, ngay từ những ngày đầu năm, Ngân hàng CSXH huyện Bắc Mê đã phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp; cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong huyện, đẩy mạnh công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; đôn đốc thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi dân cư và huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ TK&VV để đạt được chỉ tiêu kế hoạch.
Đồng thời tham mưu cho UBND huyện phân bổ nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các xã, thị trấn kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Với lợi thế là huyện vùng sâu núi đất, địa hình thuận lợi cho việc phát triển rừng kinh tế và chăn nuôi đại gia súc; trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, chăn nuôi luôn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Nhằm phát huy những lợi thế về tài nguyên đất đai và đồng cỏ, Đảng bộ huyện đã có những chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích nhân dân trong huyện đẩy mạnh phát triển đàn gia súc thông qua các nguồn vốn vay và các chương trình, dự án gắn với việc trồng cỏ đảm bảo thức ăn tại chỗ cho đàn gia súc. Với chính sách đó, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư trồng cỏ phát triển đàn trâu, bò hàng hóa và nuôi trâu, bò sinh sản... Cùng với việc giải ngân cho vay cho vay hộ nghèo, quyết việc làm theo chương trình 120, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay các hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay NS &VSMTNT, cho vay hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và cho vay hộ nghèo về nhà ở theo QĐ 167 của Chính phủ. Chỉ tính trong 3 năm trở lại đây, Ngân hàng CSXH huyện Bắc Mê đã giải ngân cho hàng nghìn gia đình vay đầu tư chăn nuôi trâu bò với số tiền 34 tỷ đồng tương đương với 4.400 con trâu, bò.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Tâm, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Bắc Mê cho biết: Trong những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi gia súc của huyện đang có những bước chuyển biến khá mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hiện đàn trâu của huyện có 18.369 con và đàn bò là 11.020 con. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 14, BCH Đảng bộ huyện khoá VII đã ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển và bảo vệ đàn gia súc giai đoạn 2008 - 2010, có tính đến năm 2015. Huyện tiếp tục có những chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho các hộ vay đầu tư nuôi trâu, bò, đồng thời chăm sóc và khai thác hiệu quả số lượng trâu, bò giống đã được bình tuyển qua các năm, bổ sung những con giống đủ điều kiện, nhằm cải tạo chất lượng đàn giống. Chăn nuôi trâu, bò của người dân trong huyện giờ đây không chỉ thu nhập cao, mà còn tạo điều kiện giải quyết việc làm và có mức thu nhập ổn định cho nhiều hộ ở các thôn, bản và xã vùng sâu, vùng xa. Việc đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hoá và phát triển chăn nuôi theo nhóm hộ gia đình giờ cũng đang đang được người dân ở các địa phương trong huyện chú trọng, điểm hình như thôn Kẹp A, Kẹp B (xã Minh Sơn); thôn Phia Vèn, xã Lạc Nông và xã Phiêng Luông. Đặc biệt qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhận thức trong chăn nuôi của người dân cũng được thay đổi, bà con đã biết làm chuồng trại tránh rét, phòng bệnh cho đàn gia súc và tạo nguồn thức ăn dự trữ... Ông Tâm cho biết thêm: Trong thời gian tiếp theo, Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục bám sát chủ trương của NHCSXH T.Ư, NHCSXH tỉnh, Nghị quyết Ban đại diện HĐQT các cấp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đặc biệt Ngân hàng huyện sẽ tập trung ưu tiên vốn cho các xã có tỷ lệ hộ chiếm cao, thực hiện giải ngân các chương trình chính sách theo chỉ tiêu kế hoạch được giao. Hiện nay, Ngân hàng CSXH huyện đang thực hiện cho vay 8 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đó là: Cho vay hộ nghèo, cho vay GQVL, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay hộ sản xuất KD ở vùng khó khăn, cho vay nước sạch và VSMTNT, cho vay hộ đồng bào đân tộc TSĐBKK, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo QĐ 167 của TTg Chính Phủ. Mức cho vay bình quân đạt 15 triệu đồng/hộ đã phần nào đáp ứng được nguồn vốn đối với sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và kinh doanh nhỏ lẻ tại nông thôn. Từng bước làm chuyển biến tích cực về mặt xã hội, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa đã và đang được cải thiện đáng kể, tạo thêm được lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn huyện. Do có nguồn vốn được đầu tư phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hộ của nhân dân các dân tộc trong huyện nên đã tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Tỷ lệ hộ đói nghèo của huyện giảm xuống từ 5 - 6% qua các năm, nhiều hộ gia đình đã thoát được đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Ý kiến bạn đọc