IAN 873, giống cao su đang phát triển tốt trên đất Hà Giang
HGĐT - Đợt rét đậm, rét hại kéo dài kỷ lục cuối năm 2010 và đầu năm 2011 chính là một kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho những người trồng cao su. Nhưng qua 3 mùa đông và gần 1 năm kể từ cái rét lịch sử, một loại giống cao su đã khẳng định khả năng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, vượt qua được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đó là giống cao su ian 873.
Thử thách ban đầu nhưng lại là thử thách gian nan nhất đối với cây cao su, bởi hàng chục năm qua trên địa bàn Hà Giang lại mới ghi nhận một đợt rét kéo dài kỷ lục như vừa qua. Tuy nhiên, sau những chuỗi ngày thử thách cả cây lẫn người ấy, tại 2 vườn thực nghiệm trồng cây cao su ở xã Vô Điếm (Bắc Quang) và xã Trung Thành (Vị Xuyên) có khoảng 1,5ha cao su giống IAN 873 vẫn tồn tại và phát triển một cách mạnh mẽ. Trong đó, đặc biệt phải kể đến những cây cao su tại vườn thực nghiệm Vô Điếm đã và đang phát triển rất tốt; thân cây đang mở rộng, tán lá sinh trưởng rất đẹp, tạo nên những hàng cây cao su chắc khỏe.
Giống cao su IAN 873 phát triển tốt sau 3 mùa đông trên đất Hà Giang.
Qua tìm hiểu, được biết trước đây khi triển khai trồng thực nghiệm tại 2 địa bàn Bắc Quang và Vị Xuyên, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và tỉnh ta đã lựa chọn một số giống cao su để trồng. Một trong số đó là giống IAN 873, đây là loại giống có sự thích nghi rất tốt trong nhiều điều kiện thời tiết, đặc biệt là thời tiết lạnh. Từ đó, qua đợt rét vừa qua cho đến nay, trong số các giống được lựa chọn, chỉ gần như còn tồn tại loại giống IAN 873 là sống đều và sinh trưởng rất tốt sau rét.
Tính đến thời điểm hiện nay, cây cao su tại 2 vườn thực nghiệm ở Vô Điếm và Trung Thành đã trải qua 3 mùa đông. Nhưng, tác động của thời tiết khắc nghiệt gần như không ảnh hưởng đến sự phát triển của giống IAN 873, có chăng là điều kiện chăm sóc và độ mầu mỡ của đất đai mới ảnh hưởng đến sự phát triển nhanh, chậm của giống này. Theo đánh giá của Công ty CP Cao su Hà Giang và thực tế tại 2 vườn ươm cho thấy, với thời gian hơn 3 năm thì sự phát triển của các cây cao su giống IAN 873 tại Vô Điếm và Trung Thành là tương đối tốt. Có những cây độ cao đã đạt trên 5 - 6m với thân cây khá to và chắc. Cây không chỉ thể hiện khả năng kháng chịu rét mà còn cho thấy rất ít bị sâu bệnh...
Vừa qua, trong chuyến thăm và kiểm tra việc trồng tái canh cây cao su tại Vô Điếm, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã cùng với lãnh đạo huyện Bắc Quang đến kiểm tra vườn thực nghiệm trồng cây cao su. Qua quan sát giống cao su IAN 873 đã vượt qua đợt rét đậm vừa qua và hiện đang phát triển rất tốt tại vườn, đồng chí Nguyễn Văn Sơn đã động viên, khích lệ cán bộ, công nhân viên Công ty CP Cao su Hà Giang, đồng thời chỉ đạo Công ty cần phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền các địa phương phát triển cây cao su, tập trung vận động, tuyên truyền cán bộ, nhân dân tiếp tục thực hiện chương trình phát triển cây cao su mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Với chủ trương của tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam khẳng định, việc tiếp tục phát triển cây cao su tại Hà Giang, đến nay trên địa bàn các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình đã trồng tái canh được gần 600 ha cao su giống chịu lạnh và đang ươm một lượng giống phục vụ cho việc trồng vào vụ xuân 2012. Phía Công ty CP Cao su cho biết, qua vụ xuân 2012, phấn đấu diện tích trồng tái canh sẽ đạt khoảng trên 1 ngàn ha bằng các giống IAN 873 và VN 772, VN 774...
Có thể nói, khác với nhiều chương trình khác, chương trình phát triển cây cao su đang thực hiện sự tiên phong trong việc tìm một hướng đi cho việc tìm ra một loại cây trồng có tính đột phá về kinh tế ở vùng đất vốn ngàn đời nay chỉ gắn với nông nghiệp. Trên rất nhiều quả đồi rộng, không ít gia đình chỉ khai thác được những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế thấp như cọ, trám, măng, củi đun. Nhưng khi tham gia góp đất phát triển cao su, người nông dân nhận được sự hỗ trợ về chuyển đổi đất của Nhà nước. Trên các diện tích đầu tư của chương trình phát triển cây cao su, người dân không phải chi phí cho bất cứ một khâu đầu tư nào, nhưng giá trị đất đai góp vào được tính như cổ phần đóng góp để tham gia sản xuất và sẽ được ăn chia lợi nhuận khi cây cao su đi vào khai thác trong một chu kỳ khá dài khoảng trên 20 năm... Đây là điều khác biệt so với một số chương trình hỗ trợ người nông dân trước đây khi họ phải đứng ra vay vốn từ ngân hàng, chỉ được hỗ trợ một phần về giống, vốn và tự làm, tự chịu.
Ý kiến bạn đọc