Hợp tác phát triển giữa Tổng Công ty thương mại Hà Nội và tỉnh Hà Giang
HGĐT - Ngày 24.11, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch giữa Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) với các cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Dự Hội nghị, về phía Tổng Công ty Thương mại Hà Nội có ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp trực thuộc Hapro như Công ty Thực phẩm Hà Nội, Công ty Cổ phần Hapro Holdings, Công ty Cổ phần phát triển siêu thị, Công ty Cổ phần rượu Hapro, Công ty Cổ phần Thuỷ Tạ, Công ty Vang Thăng Long... Về phía tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Đình Bảy, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công Thương được Thường trực UBND tỉnh uỷ quyền chủ trì; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố, doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Sản phẩm của Hà Giang thu hút sự quan tâm rất lớn của các đại biểu đến từ Hapro.
Tại buổi hội đàm, hai bên thông báo cho nhau những tiềm năng thế mạnh và cơ hội hợp tác, phát triển lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ. Trong lĩnh vực đầu tư chế biến nông sản, thực phẩm, Hà Giang có các vùng nguyên liệu nổi tiếng như chè Shan với diện tích gần 19 nghìn ha, sản lượng đạt trên 43 nghìn tấn; vùng cam, quýt nổi tiếng với diện tích gần 2,6 nghìn ha, sản lượng gần 18 nghìn tấn; ngoài ra, còn các sản phẩm đặc trưng như thảo quả, gạo đặc sản, miến dong, đậu tương, mật ong Bạc Hà, nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm rồi rào. Đối với lĩnh vực đầu tư trung tâm thương mại, Hà Giang có nhu cầu đầu tư ở các vị trí: Km3 xã Phương Độ (thành phố Hà Giang), thị trấn Việt Quang (Bắc Quang), các siêu thị tại đường 19/5, phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang), thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên), trung tâm huyện Yên Minh, Đồng Văn.
Tổng Công ty Thương mại Hà Nội là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con với 35 đơn vị thành viên. Các lĩnh vực kinh doanh của Hapro gồm XNK hàng thủ công mỹ nghệ, hàng nội thất làm từ mây tre, lá buông, cói, gỗ và các nguyên liệu tự nhiên khác, đồ sắt, thuỷ tinh, gốm sứ; hàng công nghiệp nhẹ, dệt may thời trang, đồ nhựa, hàng tiêu dùng; hàng nông sản như lạc nhân, tiêu đen, gạo, tinh bột sắn, cà phê, chè, gia vị, hoa hồi, quế, gừng, hành tỏi, nghệ, ớt; thực phẩm chế biến cá đóng hộp, thịt hộp, trái cây, rau, củ, quả đóng hộp, sấy khô. Đối với thị trường nội địa, Hapro quản lý hệ thống trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, chuỗi siêu thị cửa hàng rau, thực phẩm an toàn Haprofood, chuỗi nhà hàng dịch vụ Hapro Bốn Mùa, chuỗi cửa hàng thời trang, điện máy. Ngoài ra, Hapro còn đầu tư phát triển hạ tầng thương mại như kinh doanh bất động sản, khách sạn, trung tâm thương mại, siêu thị, đại siêu thị, chuỗi cửa hàng; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất; kinh doanh hàng miễn thuế, du lịch quốc tế và nội địa, du lịch thương gia, du lịch thắng cảnh...
Phát biểu tại buổi hội đàm, đại diện tỉnh ta và Tổng Công ty Thương mại Hà Nộikhẳng định: Các địa phương, doanh nghiệp Hà Giang và Hapro có tiềm năng, thế mạnh rất lớn trong quá trình hợp tác cung cấp, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp, địa phương của Hà Giang và Hapro cần thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, tiến tới ký kết hợp tác, xây dựng đầu mối tiêu thụ sản phẩm để mở rộng sản xuất.
Buổi làm việc giữa Tổng Công ty Thương mại Hà Nội với tỉnh ta là bước cụ thể hoá kết quả chuyến thăm, làm việc của đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội tại Hà Giang vào đầu tháng 10 vừa qua.
Ý kiến bạn đọc