Hiệu quả từ chăn nuôi bò vỗ béo ở Cán Tỷ
HGĐT- “Chăn nuôi gia súc hàng hóa ở Cán Tỷ chưa thật sự rõ nét, nhưng những năm qua, nhiều hộ gia đình đã biết tận dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách để đầu tư phát triển chăn nuôi bò vỗ béo và bước đầu đã mang lạihiệu quả, giúp họ thoát nghèo. Đó cũng là chiến lượcphát triển kinh tế của xã trong giai đoạn hiện nay”.
Lời giới thiệu của ông Chủ tịch UBND xã Cán TỷSùng Mý Lùng đã khẳng định vai trò của chăn nuôi gia súc trong đời sống của người dân nơi đây.
Bò vỗ béo chuẩn bị xuất bán của gia đình anh Sùng Sè Say.
Với trên 4000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông, tập quán sản xuất bao đời nay của người dân xã Cán Tỷ (Quản Bạ) vẫn là trồng cây ngô, cây lúa nhưng điều kiện tự nhiên khó khăn, đất sản xuất ít, đặc biệt là 4 thôn vùng cao không có đất để sản xuất nông nghiệp nên người dân đã chủ động để chuyển sang chăn nuôi tổng hợp trâu bò, dê, lợn... Từ năm 2005, một số người dân trong xã đã tận dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách để chăn nuôi bò vỗ béo. Ban đầu là 1 đến 2 con,sau đó thấy hiệu quả kinh tế nên đàn bò của các hộ dân đã tăng dần lên. Bò mới mua về có giá từ 1-2 triệu đồng/con, sau thời gian khoảng một năm, người dân tận dụng thức ăn từ cây ngô, sắn, trồng cỏ vỗ béo đàn bò và bán ra với giá khoảng từ 15-17 triệu đồng/con. Nhiều hộ gia đình trong chuồng lúc nào cũng có từ 5-6 con bò nuôi quay vòng, mỗi năm thu lãi từ 20-30 triệu đồng. Có mặt tại gia đình anh Sùng Sè Say, tận mắt thấy đàn bò 11 con đang trong giai đoạn chuẩn bị xuất chuồng bán và đàn lợn gần 20 con lớn nhỏ, chúng tôi thật sự cảm phục cách làm giàu của đồng bào nơi đây. Là một trong những hộ có đầu tư chăn nuôi lớn trong xã, từ nguồn vốn vay ban đầu, giờ đây gia đình anh Say đã trả hết nợ và có đủ vốn để quay vòng đàn bò vỗ béo. Với thu nhập mỗi năm khoảng trên 50 triệu đồng, anh Say nhiều năm liền vinh dự là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của huyện.
Được biết, thôn Đầu Cầu II là thôn có nhiều hộ chăn nuôi bò vỗ béo nhất của xã Cán Tỷ, có 6 hộ gia đình chuyên nuôi bò vỗ béo, trong chuồng lúc nào cũng có trên 5 con bò, các hộ gia đình còn lại trung bình mỗi hộ có 1-2 con bò nuôi vỗ béo.
Trong năm 2011, mặc dù thời tiết đầu năm rét đậm, rét hại kéo dài làm chết trên 100 con trâu, bò, nhưng nhờ sự hỗ trợ của cấp trên và nỗ lực của người dân nên tổng đàn trâu, bò trên địa bàn xã đã nhanh chóng được phục hồi. Đến thời điểm hiện tại, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn xã gần 1500 con, có 30 hộ biết mua bán, trao đổi và chăn nuôi bò vỗ béo trong đó có 10 hộ chuyên chăn nuôi bò vỗ béo với số lượng lớn, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt người dân ở 4 thôn vùng cao, không có đất sản xuất nông nghiệp, họ đã biến lợi thế trồng cỏ để đẩy mạnh chăn nuôi gia súc. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ khá về kinh tế.
Trao đổi về hướng phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa trên điạ bàn xã trong giai đoạn tiếp theo, ông Sùng Mý Lùng cho biết: “Từ hiệu quả thực tế nuôi bò vỗ béo hiện nay, xã sẽ tập trung khuyến khích người dân tiếp tục đầu tư chăn nuôi bò vỗ béo và tiến tới chăn nuôi gia súc hàng hóa, nhằm giúp người dân xóa nghèo bền vững... Năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đạt tới 68%, nhưng nhờ người dân biết cách làm ăn và phát triển kinh tế bằng chăn nuôi gia súc nên đến nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn 48,5%. Đó thật sự là một tín hiệu đáng mừng”.
Bên cạnh những thửa ruộng khoai tây, đậu tương giống mới đang cho năng suất cao, tạo bước đột phá cho ngành trồng trọt thì chăn nuôi bò vỗ béo cũng đang được phát triển mạnh ở Cán Tỷ, tạo bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế nông nghiệp nơi vùng cao núi đá này.
Ý kiến bạn đọc