Xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững ở Xín Mần
HGĐT - Thực hiện 14 mô hình, trong đó có mô hình "liên kết" theo Nghị quyết 80CP, mô hình tự nhân giống để thay đổi cơ cấu giống, bố trí lại mùa vụ... đã tạo cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn huyện xín mần những đổi thay thực sự theo hướng bền vững.
Những “lát cắt” hiệu quả.
Lúa gạo Già Dui tại xã Thèn Phàng năm nay thực sự đã mang lại sự đổi thay cho đồng bào trong xã khi nó “Hữu xạ, tự nhiên hương“. Trưởng phòng NN - PTNT huyện Bùi Minh Hiệu cho biết: Với hơn 50 ha lúa Già Dui trồng trong thôn Khâu Tinh nay mới độ cho thu hoạch mà đã có không biết bao nhiêu nơi đặt mua trước, thế nhưng đồng bào trong thôn chưa ai dám nhận lời. Trong chuyến đi tiếp xúc cử tri cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII, tôi có liên hệ thực tế và được biết, lúa tuy được mùa cầm chắc trong tay nhưng chưa ai muốn bán vì tin giá lúa đặc sản của họ sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Cả thôn Khâu Tinh đã có khoảng gần 200 tấn thóc hàng hoá. Giá thấp nhất như cùng kỳ năm ngoái thôn cũng đạt doanh thu bán thóc Già Dui trên 2 tỷ đồng. Tại xã Thèn Phàng có HTX gạo Thèn Phàng vừa là chủ nhân, cũng vừa là tác nhân tạo ra giá trị hạt gạo đặc sản kích thích đồng bào trồng cấy trong những năm qua. Anh Bùi Minh Hiệu cho hay, năm nay Phòng NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo thực hiện mối liên kết trong sản xuất lúa gạo đặc sản tại Thèn Phàng. Diện tích nằm trong chỉ đạo là 50 ha trồng ở thôn Khâu Tinh. Năng suất ước đạt trên 55 tạ/ ha. Thóc hàng hoá tại thôn đã là trên 300 tấn. Giá lúa đặc sản Già Dui hiện nay nhận định trên 10 ngàn đồng/kg. Anh Hiệu cho biết, nếu không chủ động mua ngay đầu vụ e khó có thể mua tranh được lúa Già Dui để ăn trong năm. Thực tế khảo sát tại trung tâm huyện Xín Mần cho thấy gần 100% người dân, cán bộ, đều sử dụng sản phẩm gạo Già Dui để ăn quanh năm. Tại thị trường thành phố Hà Giang hiện có không ít gia đình tìm mua gạo Già Dui của Xín Mần về ăn xem như một sự “Tự thưởng“ cho gia đình sau những ngày làm việc cật lực.
Trong 14 mô hình tạo “lắt cắt“ ấn tượng trong nông nghiệp Xín Mần năm nay phải kể đến là mô hình “Liên kết“ với Công ty Cổ phần phát triển Xín Mần trồng ngô hàng hoá.Với 147 ha ngô lai, trên 300 hộ, trồng trong 2 vụ, tại 2 xã: Nấm Dẩn, Bản Díu, sản lượng trên 784 tấn ngô hàng hoá được doanh nghiệp thu mua đã thực sự mở ra hướng làm ăn bám theo Nghị Quyết 80 CP của Thủ Tướng Chính Phủ. Trong liên kết đó cả quyền, lợi ích giữa nhà nông và doanh nghiệp đều được bảo đảm. Giám đốc Công ty Ngô Trung Sơn khẳng định, đồng bào trồng theo kế hoạch công ty đề ra. Công ty đầu tư toàn bộ giống, phân bón, hỗ trợ KHKT và thu mua 100% sản phẩm thu ngay tại ruộng cho dân theo giá thị trường thời điểm. Qua thăm dò thực tiễn đồng bào rất vui khi lợi ích giữa các bên đều đảm bảo, lãi thu hoạch ngô từ 27- 30 triệu đồng/ha, gấp đôi cách làm trước kia. Lợi ích lớn hơn giá trị trước mắt là sự bền vững trong sản xuất mà chính người dân được hưởng. Cách làm trên sẽ được mở rộng trong vụ tới tại các xã trong huyện.
Cùng với cây ngô là cây đậu tương Siêu nguyên chủng, trồng nhân giống và thay toàn bộ cơ cấu giống cho đồng bào trong năm 2012, cũng tạo ra điểm nhấn trong sản xuất tại Xín Mần năm 2011. Theo nhận định của cơ quan chức năng, vụ xuân này đậu tương DT 84 sẽ được trồng mở rộng tại 115 thôn bản bằng chính giống do đồng bào làm ra có sự giúp đỡ của cơ quan chức năng. Ưu điểm của giống nhân tại chỗ là thích ứng cao, giá rẻ, chất lượng đảm bảo. Và quan trọng hơn là đồng bào tự làm ra trong lúc họ tự học nên hiệu quả sẽ cao hơn. Cách làm giống và trang bị kiến thức tại chỗ tạo cho sản xuất chủ động chắc làm, chắc ăn. Lát cắt tiếp đó là mô hình liên doanh trồng, chế biến dong giềng, loại cây thực phẩm, cây lương thực giữa Công ty TNHH Gia Long, chế biến chè Gia Long, chè Chế Là cùng nhiều mô hình chăn nuôi gia súc khác cũng đã và đang mang lại, mở ra hướng làm cho sản xuất nông nghiệp nơi đây những cơ hội, triển vọng, làm ăn bền chắc.
Bài học hay.
Ngoài những thuận lợi về thời tiết ra phải khẳng định, sự đổi mới và mạnh bạo trong tư duy, cách làm thực tế của Đảng bộ, chính quyền các cấp ở Xín Mần. Thành quả đó còn có sự tác động, hỗ trợ rất lớn của các nhà khoa học. Sự áp dụng và sử dụng hiệu quả, đúng chỗ trong việc áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về các Nghị quyết giảm nghèo của Đảng vào thực tế địa phương. Sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, các đoàn thể và sự nỗ lực vượt khó của đồng bào các dân tộc trong huyện. Quan trọng hơn cả là nguồn lực để thực hiện các chương trình chính là: Nguồn lực tại chỗ và nguồn lực từ các Chương trình 30a, cùng các nguồn lực khác trong và ngoài xã hội. Cộng vào đó là sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền các cấp.
Hy vọng cách làm từ Xín Mần sẽ được đánh giá tổng kết, nhân rộng để tạo ra nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá bền vững.
Ý kiến bạn đọc