Xã Phương Độ (thành phố Hà Giang): Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi

16:53, 21/10/2011

HGĐT- Nằm cách trung tâm tỉnh không xa, trước đây cuộc sống của người dân xã Phương Độ chưa bao giờ vơi bớt khó khăn, là xã thuần nông nhân dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Với trình độ sản xuất của bà con còn lạc hậu, cộng với tư tưởng ngại áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, là những nguyên nhân dẫn đến năng suất, sản lượng nông nghiệp thấp, không ổn định, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.


 

 Mô hình trồng dưa lai đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.


Xác định rõ những khó khăn tác động đến phát triển kinh tê, xã hội của địa phương, trong những năm qua Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, trong đó chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao giá trị sử dụng đất. Nhờ vậy đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã có những đổi thay đáng kể.


Chủ tịch UBND xã - ông Nguyễn Xuân Diệu cho biết: Xã có 784 hộ dân với trên 3.852 nhân khẩu, 9 thôn bản và 1 tổ dân phố. Với lợi thế là xã có diện tích đất nông nghiệp tương đối thuận lợi, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân tận dụng quỹ đất nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho phù hợp, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm xã đều có nghị quyết chuyên đề về phát triển trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi các loại cây, con có giá trị kinh tế vào thâm canh, sản xuất, xây dựng các mô hình hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế. Phối hợp với các đoàn thể, các phòng chức năng của thành phố như: Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trạm khuyến nông, khuyến lâm, Trạm bảo vệ thực vật... tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi nhằm nâng cao kiến thức cho người dân, bố trí cây trồng hợp lý, nâng cao giá trị sử dụng đất, rút ngắn thời gian quay vòng, cho năng suất cao. Các giống lúa, ngô, đậu tương cho năng suất được đưa vào thay cho những giống cũ của địa phương đã bị thoái hóa và đưa các loại cây màu như lạc, đậu tương, dưa lai... trồng xen canh trên đất 2 vụ lúa và đất chuyên màu mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, từng bước làm thay đổi, nâng cao mức sống của người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay, ngoài diện tích 261 ha lúa, xã cũng đã chuyển đổi mở rộng diện tích trồng ngô lên hơn 90ha, đậu tương 2,06ha sản lượng đạt 39,1 tấn. Đặc biệt trong những năm gần đây, được sự hỗ trợ của các ngân hàng trên địa bàn thành phố cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, nên bà con nông dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây ngô, dưa chuột, các loại rau màu hàng hóa khác (xã có 2ha trồng rau chuyên canh ở thôn Tân Tiến và thôn Lúp), xã cũng đã khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân chuyển đổi diện tích ao, hồ để nuôi thả cá. Hiện nay bà con đang mở rộng diện tích nuôi cá bỗng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, người tiêu dùng cũng đã biết đến sản phẩm cá bỗng của Phương Độ. Mới đây xã đang triển khai mô hình hỗ trợ sản xuất của nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới đưa vào trồng hoa cúc đại đóa và nuôi vịt bầu xiêm (1.500 con) vào áp dụng tại thôn Tha với 15 hộ dân đang tham gia thực hiện. Khi chúng tôi đến thôn Tha tham quan mô hình trồng dưa chuột lai của bà con trong thôn, trước mắt chúng tôi là một ruộng dưa rộng khắp xanh mướt một màu sai trĩu quả. Chị Trương Thị Hoa là hộ dân trong thôn có diện tích trồng dưa nhiều nhất tâm sự: cuộc sống của người dân chúng tôi giờ đây đã tiến bộ hơn, thay đổi nhiều hơn so với cách đây khoảng năm, sáu năm về trước, khi đó người dân không chỉ đói ăn, đói mặc mà còn đói cả con chữ nữa. Nhưng giờ đây cuộc sống của chúng tôi đã đầy đủ hơn, con em chúng tôi cũng được đi học cao hơn! Song song với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Phương Độ cũng đẩy mạnh phát tiển chăn nuôi và trồng rừng. Đặc biệt là công tác trồng và bảo vệ rừng hàng năm được cấp ủy ra nghị quyết chuyên đề chỉ đạo thực hiện, do làm tốt công tác chăm sóc bảo vệ rừng, trồng rừng phân tán ở các thôn vùng thấp được 86,5ha. Từ những cố gắng trên Phương Độ đã dần vươn lên, đời sống từng bước cải thiện, nếu như năm trước cả xã có 130 hộ nghèo thì sang năm nay giảm xuống còn 25 hộ, thu nhập bình quân đầu người đạt 8,5 triệu đồng/năm, 100%các gia đình có phương tiện nghe nhìn.

Có thể nói, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã đem lại những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; thể hiện những bước đi đúng đắn của cấp ủy Đảng, chính quyền xã trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững. Bà con nông dân trong xã đang phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa phong phú và đa dạng nhưng vẫn giữ gìn được cảnh quan, bản sắc văn hóa của một vùng quê.


TRẦN HIỀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quang Bình đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
HGĐT- Trong thời gian qua huyện Quang Bình đã tích cực chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn toàn huyện. Huyện đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, nhà thầu thi công tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng công trình thủy điện Sông Chừng, đồng thời đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thủy điện Sông Bạc theo
21/10/2011
Huyện Mèo Vạc: Tập trung mọi nguồn lực để xóa nghèo bền vững
HGĐT- Mỗi khi nhắc tới Mèo Vạc, thì mọi người đều nghĩ ngay tới đó là một huyện nghèo, khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Cái nghèo nơi đây đã "ăn" sâu vào từng thớ đá, khóm ngô... bởi vậy, huyện Mèo Vạc được nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất của cả nước.
19/10/2011
Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh góp phần xây dựng, đổi mới môi trường đầu tư của Hà Giang
HGĐT- Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (gọi tắt là PCI,) là chỉ số do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, xếp hạng các tỉnh, thành trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển của các doanh nghiệp.
19/10/2011
Xã Na Khê trồng cây hồng không hạt theo hướng hàng hóa
HGĐT- Cây hồng không hạt được người dân xã Na Khê (Yên Minh) đưa về trồng từ rất lâu. Đây là loại cây hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, chất lượng quả thơm, ngon không kém so với hồng không hạt Quản Bạ. Tuy nhiên, trước kia bà con trồng tự phát, phân tán nên chưa hình thành vùng sản xuất hàng hoá, tập trung.
19/10/2011