Xã Na Khê trồng cây hồng không hạt theo hướng hàng hóa
HGĐT- Cây hồng không hạt được người dân xã Na Khê (Yên Minh) đưa về trồng từ rất lâu. Đây là loại cây hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, chất lượng quả thơm, ngon không kém so với hồng không hạt Quản Bạ. Tuy nhiên, trước kia bà con trồng tự phát, phân tán nên chưa hình thành vùng sản xuất hàng hoá, tập trung.
Nhằm duy trì và phát triển diện tích, tiến tới hình thành vùng sản xuất hàng hoá, Đảng bộ xã xây dựng, triển khai Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây hồng không hạt trên địa bàn và coi đây là cây trồng mũi nhọn giúp người dân xoá đói, giảm nghèo.
Người dân Na Khê không còn nhớ cây hồng không hạt được đưa về trồng từ khi nào, chỉ biết rằng, loại cây trồng này sinh trưởng, phát triển tốt trên đất quê mình. Trước kia, chỉ một vài hộ trồng hồng với số lượng rất ít để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Tuy nhiên, chất lượng hồng không hạt nơi đây rất ngon, dễ trồng, không mất nhiều công, chi phí chăm sóc lại hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương nên người dân trong xã đã tự triết cành để nhân rộng, diện tích. Theo thời gian, diện tích hồng không hạt ở xã tăng lên, số hộ trồng hồng nhiều hơn. Đến năm 2010, toàn xã có khoảng 3 nghìn gốc hồng cho thu hoạch, diện tích tập trung chủ yếu ở các thôn Thèn Phùng, Lùng Vái, Lùng Búng. Nhiều gia đình trồng từ 5 đến 10 gốc hồng, đến kỳ thu hoạch mang sản phẩm ra chợ hoặc bày bán dọc theo Quốc lộ 4C. Do chất lượng quả ngon nên người tiêu dùng rất thích, bán cũng được giá. Năm nay, mỗi cân hồng không hạt bán được từ 20 đến 25 nghìn đồng giúp nhiều hộ có nguồn thu rất khá. Tiêu biểu như gia đình anh Phàn Chỉn Lìn, thôn Thèn Phùng. Gia đình anh Lìn trồng hồng cách đây chục năm, chỉ trồng trong khuôn viên vườn nhà chật hẹp với khoảng chục gốc hồng nhưng đã mất năm nay, năm nào gia đình anh cũng có nguồn thu vài triệu đồng. Giống như gia đình anh Lìn, ở trong xã còn nhiều hộ có nguồn thu không nhỏ từ cây hồng.
Đồng chí Vũ Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Na Khê cho biết: “Mấy năm gần đây, diện tích hồng không hạt ở xã ngày một tăng, lợi ích kinh tế từ cây hồng đem lại cho người dân không nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế bà con vẫn trồng theo hướng tự phát, diện tích không tập trung, chưa biết đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật nên lợi ích kinh tế còn thấp. Do đó, Đảng bộ xã xây dựng, triển khai Nghị quyết chuyên đề về cây hồng không hạt, xác định đây là cây ăn quả mũi nhọn giúp dân xoá đói, giảm nghèo. Mục tiêu của Nghị quyết đó là vận động bà con trồng hồng tập trung, tiến tới hình thành vùng sản xuất hàng hoá tiến tới hình thành thương hiệu hồng không hạt Na Khê, phấn đấu bình quân mỗi năm mở rộng diện tích trồng hồng tập trung 5 ha. Cùng với đó là áp dụng các tiến bộ khoa học vào trồng, chăm sóc để nâng cao năng suất, sản lượng”. Ngay sau khi xã triển khai Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây hồng không hạt, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai mô hình: “Ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, xây dựng mô hình trồng hồng không hạt tại xã Na Khê”, việc triển khai mô hình nhằm mục đích giúp xã hiện thực hoá Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây hồng không hạt theo hướng hàng hoá. Mô hình thực hiện trên diện tích 11 ha với 5.500 gốc hồng và thu hút 92 hộ gia đình ở thôn Thèn Phùng, Lùng Vài tham gia. Trạm Khuyến nông phân công cán bộ phụ trách kỹ thuật, hướng dẫn người dân thực hiện quy trình kỹ thuật ngay từ khâu nhân giống hồng từ những cây hồng cho thu hoạch tới việc hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Chính vì thế nên tỷ lệ cây hồng trồng trong mô hình đạt tỷ lệ sống trên 90%, hiện cây đang phát triển tốt, thân mọc cao từ 25 đến 35 cm và phát triển 10 đến 15 lá, sâu bệnh hại ít. Việc xây dựng, thực hiện mô hình có tác động không nhỏ đến nhận thức của nhân dân trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp tại địa phương. Dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn khoa học kỹ thuật giúp bà con nắm bắt kỹ thuật và có khả năng ứng dụng thực tế lâu dài, bền vững, hiệu quả cao hơn so với hình thức trồng tự phát trước đây. Anh Vũ Văn Quân cho biết: “Có thể nói, mô hình phát triển cây hồng không hạt do Trạm Khuyến nông huyện triển khai không chỉ giúp xã mở rộng diện tích trồng hồng không hạt tập trung mà còn giúp người dân có thêm kinh phí để phát triển diện tích hồng của gia đình”.
Dù sản phẩm hồng không hạt Na Khê chỉ mới bước vào thị trường, những với quyết tâm phát triển diện tích cùng sự giúp đỡ của ngành chức năng, thương hiệu hồng không hạt Na Khê sẽ được xây dựng và được người tiêu dùng ưa thích. Để cây hồng không hạt trở thành cây xoá đói, giảm nghèo của người dân Na Khê.
Ý kiến bạn đọc