Thoát nghèo, làm giàu từ thảo quả ở Mào Phìn
HGĐT- Đỉnh 2.000 trên dải Tây Côn Lĩnh quanh năm mây mù bao phủ, dưới tán rừng rậm là bạt ngàn thảo quả. Rừng và thảo quả trên đỉnh núi này là nguồn sống, là phương tiện thoát nghèo, làm giàu của người dân thôn Mào Phìn, xã Phương Tiến (Vị Xuyên).
Bác Bàn Văn Vắn, thôn Mào Phìn, xã Phương Tiến cùng vợ thu hoạch thảo quả. |
Từ trung tâm xã Phương Tiến, mất gần hai tiếng tôi mới vượt hơn 12 cây số đường dốc để lên đến trung tâm thôn Mào Phìn. Nghe các anh lãnh đạo xã Phương Tiến giới thiệu đây là thôn vùng 3, xa nhất xã nhưng lại đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế.n tượng đầu tiên khi đặt chân đến trung tâm thôn đó là cảnh vẻ đến lạ. Trung tâm thôn có đến vài chục nóc nhà nằm quần tụ một khu nhưng nhà nào cũng cửa đóng, then cài. Vậy nên mãi tôi mới tìm được nhà ông Bàn Văn Vằn, hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, nguyên là Trưởng thôn lâu năm trên vùng đất này. Gặp tôi, bác Vằn bảo: “May cho cậu, hôm nay tôi không phải trực cơ quan nên chậm tí nữa là tôi lên rừng thảo quả rồi. Giờ này cả thôn lên rừng thảo quả hoặc ra ruộng gặt mùa, trẻ con thì đến lớp, ở nhà chỉ toàn người già thôi”. Giữa tháng 10, dưới chân núi thời tiết còn oi nóng, nhưng trên Mào Phìn trời đã lạnh, ngồi bên bếp lửa cùng ấm chè nóng, ông Vằn kể cho tôi nghe về sự chuyển mình, vươn lên của người dân thôn mình.
Thôn Mào Phìn nằm trên dải Tây Côn Lĩnh ở độ cao khoảng 1.000 m so với mặt nước biển, cả thôn có 63 hộ người dân tộc Dao sống quần tụ, đoàn kết, chịu khó làm ăn. Thế nhưng trước kia, cuộc sống của bà con rất khốn khó vì cả thôn sống nhờ vào hơn 10 ha ruộng bậc thang, chỉ sản xuất được một vụ lúa mùa. Thôn xa trung tâm xã, đường đi khó khăn nên từ sản xuất cho đến chăn nuôi đều mang tính tự cung tự cấp. Thế nên, dù làm lụng quanh năm nhưng đời sống của hầu hết các hộ dân vẫn nghèo, nhiều hộ thiếu đói. Ánh mắt ông Vằn sáng lên khi nói về cây thảo quả: “Đó chính là cây xoá đói, giảm nghèo, làm giàu của người dân trên vùng đất khó khăn này”. Vừa nói, ông Vằn vừa chỉ lên ngọn núi mây mù bên trên thôn: “Đó là đỉnh 2.000, cách đây một tiếng đi bộ, dân bản gọi là núi 2.000. Trên đó là rừng già, khí hậu mát mẻ quanh năm, cây thảo quả rất hợp để phát triển. Thảo quả ta mọc tự nhiên trên đó từ lâu lắm rồi, khi chưa có thương lái thu mua, bà con chỉ thu hái một ít về treo gác bếp làm gia vị chứ không quan tâm chăm sóc, không mở rộng diện tích”. Đến năm 1995, khi có thương lái tìm mua thảo quả với giá thành cao, một số hộ dân trong thôn mới lên đó để khoanh nuôi, bảo vệ. Ngày đó bà con cũng chỉ biết khoanh nuôi, bảo vệ thảo quả mọc tự nhiên chứ chưa biết ươm giống để nhân rộng diện tích. Do đó sản lượng thu được không nhiều nhưng cũng đủ cho các hộ trang trải cuộc sống còn nhiều khốn khó. Thấy các hộ nhận khoanh nuôi, bảo vệ diện tích thảo quả tự nhiên có nguồn thu đáng kể, từ năm 2000 đến nay, người dân trong thôn bắt đầu nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng và phát triển diện tích thảo quả dưới tán rừng. Những năm đầu chỉ một số hộ làm, chính quyền địa phương phải vận động và có hỗ trợ giống. Diện tích thảo quả của thôn từ đó mà nhân lên, đến nay 100% hộ dân trong thôn trồng thảo quả. Diện tích từ chỗ chỉ có vài ha thảo quả tự nhiên nay đã phát triển lên đến 200 ha, trong đó 150 ha cho thu hoạch, 50 ha trồng mới. Trước kia là giống thảo quả ta, năng suất kém thì nay được thay thế bằng giống thảo quả lai, năng suất cao được bà con nhập về từ Trung Quốc. Năm 2010, năng suất bình quân thảo quả đạt khoảng 2 tấn/ha, năm nay do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài vào đúng mùa thảo quả ra hoa nên sản lượng có thấp hơn nhưng cũng đạt trên 1 tấn/ha. Với giá bán bình quân trên thị trường như năm nay là 25.000/kg thì nguồn thu của người dân thôn Mào Phìn rất lớn. Trong thôn, hộ ít thì một năm thu vài tạ thảo quả tươi, hộ nhiều thì có đến 5 đến 7 tấn. Từ khi thôn phát triển mạnh thảo quả, đời sống được nâng lên nhiều. Có hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả nhờ thảo quả. Ông Vằn nhẩm tính rồi cho biết: “Thôn có khoảng 15 đến 20 hộ có sản lượng thảo quả thu hàng năm từ 1 tấn trở lên. Trong đó có những hộ thu từ 5 đến 7 tấn thảo quả tươi như gia đình ông: Triệu Văn Mành; Bàn Văn Đằng; Đặng Văn Cốc; Bàn Văn Chóng... và gia đình tôi. Năm ngoái thảo quả được mùa, được giá thì nhóm những hộ làm nhiều đều có nguồn thu từ 150 đến 200 triệu đồng, năm nay có kém hơn những cũng thu được trên, dưới 100 triệu”. Ông Vằn chỉ tay về phía ngôi nhà hàng xóm đang dựng tiếp lời: “Đó là nhà Triệu Văn Mành, trước kia nhà rất nghèo, nhưng từ khi chăm chỉ trồng thảo quả trên đỉnh núi 2.000 đã thoát cảnh nghèo đói, nay trở thành hộ khá ở thôn. Hắn đang cất ngôi nhà sàn to vào loại nhất thôn, trị giá có đến trên 100 triệu đồng, tất cả là từ tiền bán thảo quả đấy”.
Biết tôi có ý định tìm đến một sô hộ dân trong thôn thoát nghèo, làm giàu từ thảo quả, ông Vằn bảo giờ này không có ai ở nhà. Nói rồi ông dẫn tôi lên rừng thảo quả của gia đình mình. Hăm hở leo núi để được tận mắt chứng kiến cây xoá đói giảm nghèo của bà con, tôi không cảm thất mệt mỏi. Trên đỉnh núi 2.000 và những cánh rừng quanh thôn, rừng được giữ rất tốt, dưới những tán rừng đó là bạt ngàn thảo quả. Tôi cùng tham gia thu hái thảo quả cùng ông Vằn, công việc rất đơn giản và thú vị. Đối với giống cây này, từ khâu trồng, chăm sóc cho đến khi thu hái, sấy khô đều đơn giản. Một đời cây cho thu hoạch được nhiều năm; cây không mất công chăm sóc, bón phân, mỗi năm chỉ phát cây cỏ cho thoáng gốc là được. Nếu hộ nào có diện tích lớn, bà con làm lò sấy khô gần rừng cho thuận tiện. Khi có sản phẩm sấy khô, thương lái từ nhiều nơi tìm đến tận nơi để thu mua...
Từ trồng thảo quả, Mào Phìn đang có sự chuyển mình nhanh chóng trong phát triển kinh tế. Nay thôn đã có gần 20 hộ khá, hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 35 hô, nhưng theo ông Vằn cho biết thì hầu hết các hộ đều có đủ lương thực ăn trong năm, chỉ có một hai hộ lười lao động là thiếu đói. Đời sống kinh tế khá lên, đời sống văn hoá của người dân cũng được nâng cao, trẻ em trong thôn được gia đình cho đến trường đúng độ tuổi. Chia tay bác Bàn Văn Vằn, tôi mong cho rừng và thảo quả nơi đây mãi được giữ gìn và phát triển để tất cả hộ dân ở Mào Phìn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ý kiến bạn đọc