Khó khăn trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Bình Vàng
HGĐT- Sau 5 năm thành lập, Khu công nghiêp (KCN) Bình Vàng đã và đang thu hút được một số dự án đầu tư. Nhưng nhìn chung, tiến độ triển khai các hạng mục hạ tầng cơ sở rất chậm, không đáp ứng được yêu cầu.
Theo lộ trình, giai đoạn II của KCN Bình Vàng sẽ được khởi động vào năm tới. Để thực hiên tốt viêc đầu tư, phát triển, BQL các KCN, cấp uỷ, chính quyền, ngành chức năng cần nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm từ cách làm của giai đoạn I.
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế do thiên nhiên ban tặng, ngay từ những năm đầu của thế XXI, tỉnh ta đã coi trọng và triển khai công tác quy hoạch phát triển công nghiệp. Đến nay, hàng loạt các quy hoạch như: Khảo sát, thăm dò, chế biến khoáng sản Angtimon, chì, kẽm, mangan, sắt, vàng, đồng, asen; quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ; quy hoạch điện lực... được hình thành và phát huy hiệu quả. Điều này đã góp phần đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Hiện toàn tỉnh có 98 dự án đầu tư vào lĩnh vực thuỷ điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng số vốn đăng ký trên 25 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp như Bình Vàng, Nam Quang, Minh Sơn, Thuận Hoà, Tùng Bá, đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Trong số các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, duy nhất KCN Bình Vàng, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) thuộc quy hoạch phát triển các KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1107/QĐ-TTg ngày 21.8.2006. Ban đầu, KCN Bình Vàng có diện tích 100 ha, sau hai lần được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh, quy mô mở rộng lên 254,77 ha. UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN Bình Vàng với quy mô 254,77 ha gồm 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn I đang được triển khai xây dựng với quy mô gần 143 ha, tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên 330 tỷ đồng. Giai đoạn II có quy mô gần 112 ha, theo lộ trình, sẽ được khởi động vào năm 2012.
Ông Trần Văn Khang, Trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết: Theo lộ trình, giai đoạn I của KCN Bình Vàng sắp kết thúc, nhưng khối lượng công việc đạt được rất thấp. Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN gồm các hạng mục: Đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, nước thải...khối lượng công việc triển khai được rất nhỏ. Nguyên nhân của tình trạng trên vừa do khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) và thiếu vốn. Với điều kiện đặc thù của một tỉnh miền núi, xa các trung tâm kinh tế, giao thông không thuận lợi, việc kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng KCN gặp rất nhiều khó khăn. Theo thông lệ, ở các tỉnh miền xuôi, quá trình đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng bỏ vốn triển khai. Nhưng ở tỉnh ta, không doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật phải sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, chủ yếu từ nguồn hỗ trợ xây dựng hạ tầng KCN theo Quyết định 43/2009/QĐ-TTg ngày 19.3.2009 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ lại chủ yếu được dành cho công tác bồi thường, GPMB, tái định cư.
Quyết định 1610/QĐ-UBND ngày 27.5.2008 của UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Bình Vàng giai đoạn I, tổng mức đầu tư trên 330 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí bồi thường, GPMB gần 25 tỷ đồng, xây dựng hạ tầng trên 204 tỷ đồng. Nhưng đến nay, kinh phí bồi thường, GPMB thực tế đã chi trả cho các hộ dân trên 84 tỷ đồng, tăng 59 tỷ đồng so với thời điểm lập dự án. Theo logic tăng trên, nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng dù chưa được phê duyệt lại, nhưng chắc chắn sẽ tăng so với thời điểm phê duyệt dự án. Theo Quyết định 43/2009/QĐ-TTg, vốn hỗ trợ cho một KCN là 100 tỷ đồng, đến nay KCN Bình Vàng đã được bố trí 88 tỷ đồng. Quyết định 27/2008/QĐ-TTg ngày 5.2.2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH đối với các tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2010, mỗi tỉnh được hỗ trợ tối đa 70 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp. UBND tỉnh đã đề nghị hỗ trợ 6 tỷ đồng từ nguồn này cho cụm công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang), 64 tỷ đồng còn lại hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Bình Vàng và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Như vậy, tổng kinh phí Trung ương hỗ trợ cho KCN Bình Vàng là 164 tỷ đồng, đến nay đã bố trí được 88 tỷ đồng, còn lại 76 tỷ đồng chưa bố trí. Nếu được Trung ương cấp hết số kinh phí trên, thì việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Bình Vàng vẫn thiếu trên 166 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư duyệt ban đầu.
Dù còn ngổn ngang công việc, rất nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật chưa được triển khai, nhưng hiện tại, BQL các KCN tỉnh đã, đang chuẩn bị cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án với diện tích đất thuê trên 146 ha, đạt gần 85% diện tích đất công nghiệp. Tổng số vốn đăng ký của 10 dự án trên 4.242 tỷ đồng, nhu cầu lao động khoảng 3.500 người. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu trong KCN gồm chế biến sâu khoáng sản, nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng... Đây là tín hiệu vui để tỉnh ta tiếp tục triển khai việc đầu tư, phát triển KCN Bình Vàng giai đoạn II theo lộ trình đã được đề ra. Nhưng chúng ta cũng cần nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm từ quá trình triển khai, xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I, để giai đoạn II được tiến hành thuận lợi hơn, nhanh hơn.
Ý kiến bạn đọc