2012, tỷ giá sẽ được điều hành thế nào?
15:55, 18/10/2011
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm, trong khi thị trường ngoại hối đang có những biến động. Vấn đề được quan tâm nhất lúc này là sang năm 2012, tỷ giá sẽ được điều hành như thế nào?
Trong 2 tuần đầu tháng 10, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã có tới 7 lần tăng liên tiếp với mức tăng lên tới 80 đồng. Con số này tương ứng với xấp xỉ 0,4%, và chỉ còn cách 0,6% so với tỷ lệ biến động 1% - ngưỡng mà Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố là sẽ giữ ổn định cho bằng được từ nay đến cuối năm.
Trong suốt cả tháng 9, tỷ giá USD và VNĐ không biến động, chỉ là một đường thẳng bất định. Nhưng sang tháng 10, đồ thị đã thay đổi, tỷ giá liên tục nhảy. Trong 2 tuần, đã có 7 lần liên tiếp tỷ giá được điều chỉnh tăng. Nhu cầu về ngoại tệ để thanh toán, trả nợ dịp cuối năm, cộng với những cơn sốt vàng, rồi giá trị tương quan giữa hai đồng tiền VNĐ/USD… là những áp lực lên tỷ giá, khiến cho tỷ giá liên tục tăng.
Dù có nhiều áp lực như vậy, nhưng NHNN đã khẳng định, sự biến động của tỷ giá đến hết năm chỉ trong khoảng 1%. Thị trường yên tâm với tuyên bố chắc nịch đó. Nhưng tỷ giá sẽ được điều chỉnh thế nào trong thời gian tới cũng là điều mà cả thị trường ngóng đợi.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế TƯ cho rằng: “Muốn giảm được tốc độ mất giá của VNĐ, thì quan trọng nhất là phải giảm cho được lạm phát xuống. Bên cạnh đó, nếu làm tốt hơn thì phải kéo được thâm hụt cán cân thương mại xuống, kéo được các dòng vốn nước ngoài vào tốt hơn thì áp lực sẽ giảm bớt”.
Từ nay đến cuối năm, chỉ còn hơn 2 tháng nữa, sự yên tâm về tỷ giá cũng sẽ kéo dài được chừng ấy thời gian với biến động được cam kết không quá 1%. Nhưng 99% các đối tượng có liên quan đến ngoại tệ thì không bao giờ mong muốn bài toán kinh doanh của họ bị giới hạn trong khoảng thời gian ngắn ngủi là hơn 2 tháng.
Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Tỷ giá thực, tức là sự phản ánh mức độ cạnh tranh thực của tiền đồng nếu mà yếu đi, hàng xuất khẩu yếu đi, trong khi nhập khẩu lại vẫn tăng, chưa kể đến cơ cấu của nền kinh tế, thì ý nghĩa của việc điều chỉnh tỷ giá nếu có sẽ không có nhiều giá trị. Cho nên, cái chính vẫn là phải kéo cho bằng được lạm phát xuống và đồng thời phải gắn với câu chuyện về quản trị cán cân thanh toán quốc tế. Thời điểm điều chỉnh tỷ giá - ở đây là nghệ thuật điều hành, nếu có điều chỉnh tỷ giá thì thời điểm nên là lúc mà lạm phát đã thực sự giảm và thực sự là lạm phát đi xuống”.
Việt Nam đã có rất nhiều bài học từ những lần điều chỉnh tỷ giá. Bởi vậy, chính sách cho thị trường ngoại hối trong thời gian tới sẽ không thể loại trừ những tác động, hệ lụy đối với nền kinh tế sau mỗi lần điều chỉnh tỷ giá cho những lần điều chỉnh tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc