Trồng đại trà cây ngô vụ 2
HGĐT- Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 23/6/2010 của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ 19, nhiệm kỳ 2011 - 2015, về phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2011-2015. Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa cây ngô vụ 2 vào trồng năm 2011 trên 19 xã, thị trấn nhằm đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, tổng sản lượng lương thực đến năm 2015 đạt trên 25 ngàn tấn. Năng suất bình quân toàn huyện đạt trên 35 tạ/ha.
Nông dân xã Sà Phìn, chăm sóc ngô vụ 2.
|
Mở rộng diện tích cây ngô vụ 2 đến năm 2015 đạt trên 1.000 ha, năng suất phấn đấu đạt 35 tạ/ha, sản lượng đạt 3.500 tấn. Giải quyết lao động nông nhàn trong vụ đông hàng năm; Giải quyết thức ăn thô xanh cho đàn gia súc... từ Năm 2010, UBND huyện Đồng Văn chỉ đạo Trạm Khuyến nông huyện tổ chức thực hiện thử nghiệm 19 ha ngô vụ hè thu (vụ 2)/19 xã, thị trấn, bằng 2 loại giống ngô lai NK66 và NK4300. Kết quả gieo trồng được 15,2 ha/19 xã, tiến hành gieo trồng từ ngày 10.8 kết thúc 25.8.2010. Khi thu hoạch năng suất bình quân đạt 24,3 tạ/ha.
Từ thực tiễn kết quả đạt được trong vụ hè thu năm 2010, có thể khẳng định cây ngô vụ hè thunăm 2011 hoàn toàn có cở sở triển khai thực hiện đạt được kết quả cao. Trước kết quả khả quan như vậy, vụ hè thu năm nay, huyện đã triển khai gieo trồng đại trà 320,3 ha tại 19 xã, thị trấn (2.594 hộ thực hiện) với số lượng giống hỗ trợ 4.804 kg (trong đó giống ngô lai NK66: 1.886 kg, giống ngô lai NK4300: 2.918 kg). Với cơ chế Nhà nước đầu tư 100% giống, định mức 15 kg/ha. Hỗ trợ 50% định mức phân bón hoá học, (phân đạm: 150 kg/ha, phân lân 200 kg/ha, phân kali 75kg/ha). Hỗ trợ 100% thuốc bảo vệ thực vật, bình quân 250.000 đồng/ha và các vật tư khác… Sản phẩm thu được các hộ được hưởng 100% giá trị. Để đảm bảo hiệu quả của chương trình trồng ngô vụ 2, huyện đã tiến hành triển khai đến các xã, thị trấn tổ chức họp thôn, tổ dân phố để các hộ tự nguyên đăng ký chuyển đổi trồng ngô lai vụ 2 năm 2011. Phân công cán bộ các đơn vị: Phòng Nông nghiệp - PTNT, Trạm Khuyến nông, Bảo vệ thực vật, Thú y và Ban quản lý dự án Đầu tư bảo vệ và Phát triển rừng của huyện xuống chỉ đạo kỹ thuật từ khâu cấp giống, phân bón, đến chỉ đạo kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ngô. Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, sinh trưởng của cây tại các xã, thị trấn, để kịp thời chỉ đạo các khâu kỹ thuật, nhằm đạt được hiệu quả. Chỉ đạo trạm Khuyến nông, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã, thị trấn, khuyến nông thôn bản tăng cường hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp cho nhân dân... Song song với công tác chỉ đạo, huyện cũng vận dụng các giải pháp kỹ thuật như: Áp dung quy trình kỹ thuật trồng, thâm canh ngô lai do Sở Nông nghiệp - PTNT ban hành, trong đó có bổ sung cho phù hợp với thực tiễn địa phương. Về thời vụ, định mức phân bón, mật độ cây trồng, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn nhân dân gieo trồng gối vụ trên diện tích ngô xuân hè vào thời gian từ ngày 15.7.2011 kết thúc vào ngày 31.7.2011 cho toàn bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Chỉ đạo chuẩn bị phân bón để thâm canh 100% diện tích gieo trồng, với định mức: phân chuồng hoai mục 8 tấn/ha, phân đạm ure 300 kg/ha; phân lân 400 kg/ha; phân kali 150 kg/ha. Chỉ đạo trồng với mật độ: hàng cách hàng 70 cm, cây cách cây 25 - 30 cm, mỗi hốc 1 – 2 hạt, sau mọc kiểm tra, tỉa dặm lại để 1 cây/hốc. Lập sổ theo dõi trong quá trình thực hiện từ làm đất, gieo trồng đến thu hoạch...
Để thực hiện chương trình này một các thấu đáo, huyện đã giao trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho từng đơn vị như: Phòng Nông nghiệp & PTNT hợp đồng giống, phân bón, cung ứngđến xã, thị trấn đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng; thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn các khâu kỹ thuật trồng, chăm sóc...Trạm Khuyến nông ban hành hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, phân công cán bộ phụ trách xã, thị trấn để tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp cho nhân dân; thường xuyên kiểm tra diện tích ngô của công thức luân canh thực hiện lồng ghép với ngô vụ 2 tại 2 xã Phố Là, Sà Phìn. Trạm Bảo vệ thực vật thực hiện tốt công tác điều tra, dự báo, dự tính sâu bênh hại trên cây ngô và các cây trồng khác... ra thông báo và trực tiếp hướng dẫn nhân dân phòng trừ kịp thời. Khắc phục ngay tình trạng cơ sở báo cáo ra, đã có dịch bệnh mới xuống kiểm tra. UBND các xã, thị trấn cấp giống, phân bón đúng đối tượng, đúng định mức, đúng chủng loại được phê duyệt. Chỉ đạo các hộ thực hiện trồng, chăm sóc theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, cán bộ nông nghiệp xã, thị trấn. Chỉ đạo các hộ trồng hết số giống ngô đúng mật độ và bón phân, chăm sóc đúng thời kỳ để đem lại hiệu quả cao. Trồng hết số giống ngô diện tích đã đăng ký, đầu tư đầy đủ phân bón, công lao động, vật tư đối ứng theo quy trình..., và thực hiện đúng sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, cán bộ nông nghiệp xã, thị trấn. Cán bộ Nông nghiệp xã, thị trấn chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo kỹ thuật trực tiếp đến nhân dân từ khâu làm đất, thời vụ, gieo trồng, thâm canh đúng quy trình kỹ thuật và theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện...
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, với năng suất đạt 3,5 tấn/ha, tổng sản lượng thu được khi trồng 320,3 ha là 1.211 tấn ngô. Mức giá bình quân 8 triệu đồng/tấn, 1 ha có tổng thu 28 triệu đồng. 320,3 ha có tổng thu 8.968,4 triệu đồng. Như vậy, khi trồng 1 ha ngô lai vụ 2 (hè – thu),năng suất đạt 3,5 tấn, với định mức chi phí theo thực tế, cho lãi được 9,119 triệu đồng, nếu không tính công lao động, phân chuồng, chi phí quản lý chỉ đạo, 1 ha ngô cho lãi 19,244 triệu đồng. Khi hoàn thành 320,3 ha ngô vụ hè thu, sau khi trừ chi phí thu được 2.920,881 triệu đồng. Nếu không tính công lao động, phân chuồng, chi phí quản lý chỉ đạo, 320,3 ha ngô cho lãi 6.163,881 triệu đồng. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, chương trình trồng ngô vụ 2 ở Đồng Văn cũng mang lại hiệu quả về mặt xã hội rất rõ rệt như: Giải quyết việc làm tại chỗ cho 2.594 hộ tham gia trồng, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ; thiết lập được công thức luân canh: Ngô xuân hè + ngô hè thu. Góp phần tăng sản lượng lương thực của huyện lên trên 25 ngàn tấn trong năm 2011; góp phần ổn định an ninh lương thực tại chỗ. Ngoài việc được thu hoạch hạt, với giống ngô lai hiện nay thân cây, lácây có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi cho trâu, bò. Giải quyết cơ bản thức ăn thô xanh còn thiếu trong những tháng mùa đông...
Có thể nói, việc mạnh dạn triển khai thực hiện trồng đại trà ngô vụ 2 ở Đồng Văn là bước đi đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện. Đây là bước khởi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện khóa 19, nhiêm kỳ 2011-2015 về chuyển dịch cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, hoàn thành việc trồng 1.000 ha ngô vụ 2 vào năm 2015, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực toàn huyện lên trên 25 ngàn tấn.
Ý kiến bạn đọc