Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng
HGĐT- Nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trọng tâm là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các văn bản quy phạm pháp luật trong nhân dân, đã có những chuyển biến tích cực, rừng ngày càng được mở rộng, bảo vệ tốt hơn. Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Hà Giang hiện có tổng diện tích rừng tự nhiên là 794.579,55 ha. Riêng diện tích đất lâm nghiệp là 554.891 ha, chiếm trên 69% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Trong đó diện tích đất có rừng là 444.860 ha; diện tích đất chưa có rừng là 110.030,3 ha; độ che phủ rừng toàn tỉnh đến năm 2010 đạt 53,3 %. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2010 – 2015, phấn đấu đến năm 2015 độ che phủ rừng của tỉnh đạt 60%. Tuy nhiên, trong thời gian qua cho thấy rừng vẫn bị xâm hại nghiệm trọng, số vụ vi phạm năm sau cao hơn năm trước, hình thức vi phạm phức tạp hơn... Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng tuy đã được triển khai thực hiện tích cực, xử lý nghiêm nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe, chế tài xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều bất cập.
Việc thực hiện Quyết định số 245/1998 – Ttg ngày 21.12.1988 của Thủ tướng chính phủ về trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp chưa nghiêm; chính quyền cơ sở nhiều địa phương chưa vào cuộc, sợ va chạm trả thù, thậm chí né tránh, chưa chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm luật bảo vệ rừng, xử lý vi phạm là việc của các ngành chức năng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và thực hiện các cơ chế chính sách về lâm nghiệp chưa thật sự mang lại hiệu quả thiết thực, người dân ở vùng sâu, vùng xa là những hộ đói nghèo, đời sống khó khăn chủ yếu dựa vào phát triển nương rẫy, dựa vào khai thác lâm sản bán, do vậy họ chưa nhận thức được tính cấp thiết của công tác bảo vệ rừng.
Các ban quản lý rừng Đặc dụng, rừng phòng hộ (chủ rừng) quản lý diện tích rừng lớn nhưng biên chế rất mỏng (hiện nay mỗi Ban chỉ được bố trí từ 4 – 5 người) nên công tác tham mưu, phối hợp với các cấp, chính quyền, các lực lượng bảo về rừng yếu... Chính vì vậy, trong thời gian qua các Ban quản lý không đủ năng lực để quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, đã để diễn ra nghiêm trọng nhiều vụ khai thác rừng trái phép trên địa bàn các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Tình hình vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua, hành vi chủ yếu là khai thác rừng trái pháp luật, nhất là các khu rừng tự nhiênnhư ở Bắc Mê, Phong Quang (Vị Xuyên), Du Già (Yên Minh)... có tính đa dạng sinh học, có nhiều loại gỗ quý hiếm. Hành vi vi phạm chủ yếu là tập trung khai thác gỗ nghiến xẻ thanh và cắt khúc, có những điểm nóng rất gay gắt tại các địa bàn giáp danh biên giới như: Khu rừng Đặc dụng Phong Quang (Vị Xuyên); các khu rừng tại xã Quyết Tiến, Tả Ván (Quản Bạ)... Toàn bộ lâm sản khai thác trái phép ở những khu vực này đều được vận chuyển qua cửa khẩu, theo đường tiểu ngạch hoặc đường mòn sang Trung Quốc tiêu thụ.
Đối với các xã nội địa thì tại một số khu rừng tự nhiên, rừng đặc dụng như: Minh Sơn; Lạc Nông (huyện Bắc Mê); xã Ngọc Linh, xã Ngọc Minh (huyện Vị Xuyên); xã Đức Xuân (huyện Bắc Quang) tình hình khai thác lâm sản trái phép ở những khu vực này cũng diễn biến phức tạp, số lượng gỗ khai thác lớn, gây bức xúc trong dư luận.
Phương tiện lâm tặc sử dụng để khai thác gỗ trái phép chủ yếu sử dụng cưa máy, nên hậu quả của sự tàn phá rất lớn. Đối tượng trực tiếp khai thác gỗ trái pháp luật chủ yếu là người dân địa phương làm thuê cho bọn đầu nậu, khi bị phát hiện, kiểm tra, truy quét một bộ phận manh động chống trả lại lực lượng bảo vệ rừng như ở xã Minh Tân, xã Thanh Thủy (khu rừng đặc dụng Phong Quang) thuộc huyện Vị Xuyên. Bên cạnh đó tình trạng mua bán, cất trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật cũng diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi, lách luật. Lâm sản vận chuyển chủ yếu là các loại gố quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Thời gian gần đây xuất hiện nhiều tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển tiêu thụ các loại cây rừng tự nhiên có nhiều năm tuổi như: Cây thông tre lá ngắn ở 4 huyện vùng cao, cá loại cây có dáng đẹp để làm cây cảnh, các loại cây dược liệu, các loại cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị như cây phong lan... nhưng chưa được kiểm tra chặt chẽ. Nguyên nhân của những yếu kém trên từ thực tế những năm qua cho thấy có cả về chủ quan và khách , chủ yếu là do cơ chế chính sách về phát triển lâm nghiệp chưa đồng bộ, nên chưa thục sự khuyến khích được người dân gắn bó với rừng, bảo vệ và phát triển kinh tế nghề rừng. Về khách quan do nhu cầu sử dụng gỗ trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh ngày càng lớn, có lúc tăng đột biến. Lượng gỗ quý hiếm sử dụng vào việc xây dựng các công trình của nhà nước, của nhân dân, đặc biệt là trên địa bàn thành phố, các thị trấn trong thời gian vừa qua không kiểm soát được. Đồng thời, việc quản lý biên giới thiếu chặt chẽ nên bọn lâm tặc, bọn đầu nậu lợi dụng sơ hở chặt phá rừng, khai thác trái phép gỗ quý hiếm tại các khu rừng đặc dụng, rừng tự nhiên ở các địa bàn giáp biên, các xã nội địa vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ trong một thời gian dài không ngăn chặn được. Để khắc phục những yếu kém, hạn chế trên, vấn đề đặt ra là công tác quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh ta trong thời gian tới như thế nào?
Qua trao đổi với lãnh đạo Chi cục kiểm lâm tỉnh, đồng chí Hoàng Ngọc Tường, Chi cục trưởng cho biết: Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh tạm dừng việc cấp phép khai thác tận thu, tận dụng gỗ rừng tự nhiên trên địa bàn toàn tỉnh(gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) trong thời gian tới. Không cấp phép, hoặc tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản ở những diện tích rừng tự nhiên có trữ lưỡng lớn, vì hiện nay có một số khu vực thiết kế và cấp phép khai thác mỏ khoáng sản đều nằm ở diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là rừng tự nhiên có trữ lượng lâm sản lớn. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, thị trấn, các Hạt Kiểm lâm, các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ xây dựng phương án quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn quản lý. Đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng như: Công an; Quân đội, Biên phòng, Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các hành vi, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Tổ chức phát động nhân dân tố giác những đối tượng thường xuyên khai thác, chặt phá, buôn bán, vận chuyển kinh doanh của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, những người bao che cho lâm tặc hoặc trái phép khai thác rừng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục đổi mới hơn nữa trong công tác lãnh đạo quản lý, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các ngành chức năng, các địa phương... tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ lâm sản. Phối hợp tổ chức lực lượng truy quét, giải tỏa các tụ điểm phá rừng trái phép... Xử lý kiên quyết các vụ vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng theo đúng yêu cầu chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ...Tổ chức quản lý chặt chẽ việc khai thác lâm sản trên địa bàn theo đúng Thông tư 35/2011/TT- BNNPTNT, ngày 20.5.2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ và Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10.10.2005 của Bộ NN&PTNT về công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản trên địa bàn toàn tỉnh...
Ý kiến bạn đọc