Phát triển làng dệt truyền thống ở Lùng Tám
HGĐT- Được thành lập từ dự án hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển từ năm 1999 trong chương trình của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, làng dệt truyền thống ở xã Lùng Tám (Quản Bạ) đã bắt đầu từ nhừng bước đầu tiên với việc canh tác trồng giống cây đay để lấy sợi cho việc dệt vải.
Giống cây Đay chỉ trồng được 1vụ trên 1 năm từ tháng 3 cho đến tháng 6 thì thu hoạch, sau đó là tiếp tục các giai đoạn phơi khô rồi tước lấy sợi, nối các sợi lại với nhau, quay sợi, nấu, giặt lần thứ nhất. Tiếp đó là công đoạn tháo sợi và rồi mới dựng khung và dệt vải. Dệt xong thực hiện công đoạn giặt lần thứ hai( tẩy trắng) rồi nhuộm thành các màu sắc khác nhau. Trong suốt thời gian từ năm 1999đến 2007 thì làng dệt của lùng tám chỉ dệt vải và xuất khẩu ra nước ngoài theo đơn đặt hàng của một số khách sạn lớn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Mãi cho đến cuối năm 2007, đầu năm 2008 thì mới bắt tay vào làm các sản phẩm thủ công như túi sách, khăn trải bàn, khăn quàng cổ, ví, ... Điều đặc biệt của các sản phẩm này chính là hoàn toàn được làm bằng thủ công, các hoạ tiết trang trí là những hoạ tiết truyền thống mang ý nghĩa đặc biệt của người dân tộc Mông, thể hiện của 4 thế hệ trong một gia đình trên những con đường phát triển, những thăng trầm của cuộc sống. Là tinh thần đoàn kết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, dù đói khổ, rét mướt hay ấm áp vẫn chia sẻ và dựa vào nhau. Nó chính là nét riêng chỉ tìm thấy trong các sản phẩm của ngưòi dân tộc Mông.
Hiện nay làng dệt truyền thống Lùng Tám có 110 thành viên là các chị người dân tộc Mông của 3 xã Lùng Tám, Cán Tỷ, Đông Hà trong đó có 53 chịchuyên làm các sản phẩm thủ công trên. Còn lại là làm sợi và dệt vải. Đa phần thời gian của các chị vẫn là là làm nông, chỉ khi nào mưa hay vào các buổi nghỉ trưa, buổi tối thì các chị mới có thời gian làm và chủ yếu là tại nhà. Trong những năm đầu làng dệt được tỉnh hỗ trợ 1 căn phòng và 4 chiêc máy khâu, cho đến nay đã phát triển và mở rộng thêm nơi sản xuất và mua được thêm 5 chiếc máy khâu mới. Khi nói tới sự phát triển của làng dệt truyền thống trong hiện tại và tương lai, chị Vàng Thị Mai nhóm trưởng đã chia sẻ. Hiện tại trung bình mỗi năm có 3 đơn đặt hàng với 100 triệu mỗi đơn hàng cung cấp cho các khách sạn Niko, khách sạn Audison (Hà Nội), và cung cấp hàng bán lẻ tại chợ lớn Sài Gòn. Việc phân chia lợi nhuận là chia theo sản phẩm làm được của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó các chị còn mở các lớp dạy và truyền lại nghề đệt, thêu truyền thống cho lớp trẻ trong làng bản, tính từ năm 2005 – 2010 đã đào tạo được gần 200 học viên để tiếp tục phát triển và giữ gìn nghề truyền thống.Cũng nhờ đó, một số Hội viên của Làng đã được đến các nước trên thế giới tham dự các hội chợ trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống như: Hội chợ phụ nữ toàn cầu tại Pháp năm 2008; Hội Chợ những ngưòi năng động sáng tạo tại Pháp tháng 12.2010; Hội nghị những người làm việc tại nhà ở Inđônêxia với sự tham dự của 55 nước trên thế giới. Điều đó chứng tỏ sự ưa chuộng của bạn bè trên thế giới và sản phẩm dệt cũng có chỗ đứng nhất định. Chị Mai cũng chia sẻ do sản phẩm vẫn chưa có con dấu thương mại công bằng của thế giới nên dù được yêu thích nhưng các vẫn còn những sự e ngại của người tiêu dùng tại các nước bạn. Bên cạnh đó ngay tỉnh nhà cũng không có các cơ sở hay quầy trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Trong tương lai làng dệt truyền thống vẫn có những hướng đi của riêng mình với kế hoạch mở rộng thêm các quy mô nhà xưởng và tìm kiếm các bạn hàng mới. Làm sao để cho sản phẩm dệt thủ công ở Lùng Tám nói riêng và của Hà giang nói chung có chỗ đứng và được biết đến nhiều hơn nữa. Tiếp tục công cuộc phát triển du lịch và giữ gìn những bản sắc dân tộc của mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Ý kiến bạn đọc